06/12/2016 11:20 GMT+7

Nghiên cứu sinh tiến sĩ: "Có đạo đức chưa?"

MẠCH LÊ THU (GIẢNG VIÊN HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN,, ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT ĐẠO ĐỨC NGHIÊN CỨU ĐH MONASH, ÚC)
MẠCH LÊ THU (GIẢNG VIÊN HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN,, ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT ĐẠO ĐỨC NGHIÊN CỨU ĐH MONASH, ÚC)

TTO - Một trong những điều kiện để được đăng bài trên các tạp chí quốc tế là người nghiên cứu phải có chứng nhận đạo đức nghiên cứu. Liệu Bộ GD-ĐT nước ta có lập hội đồng xét duyệt đạo đức nghiên cứu, để nghiên cứu sinh được đăng bài trên báo ở nước ngoài?

*** Error ***
Nhóm nghiên cứu sinh người Việt tại khoa giáo dục ĐH Monash, Úc - Ảnh: QUANG HUY

Tôi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài. Trong vòng 12 tháng đầu tiên của chương trình học, các bạn đồng nghiệp thường hỏi tôi: “Có đạo đức chưa?”.

Đạo đức ở đây không phải là đánh giá bản tính con người tốt hay xấu, mà là so sánh cách thức thực hiện nghiên cứu với các quy tắc chuẩn mực về đạo đức, để đảm bảo nghiên cứu liêm chính, đúng đắn và không gây hại cho ai.

Trong vòng 12 tháng kể từ khi bắt đầu làm nghiên cứu sinh, nếu “chưa có đạo đức” thì nghiên cứu sinh cần nộp hồ sơ lên hội đồng xét duyệt đạo đức nghiên cứu của trường ĐH. Khi hội đồng chấp thuận, nghiên cứu mới chính thức được bắt đầu.

Thử hình dung xem, nếu không dùng các quy chế đạo đức để xem xét tiến trình nghiên cứu thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Thứ nhất, người tham gia nghiên cứu có thể bị thiệt hại. Câu chuyện nghiên cứu bệnh giang mai ở Tuskegee, Mỹ là một ví dụ điển hình.

Trong suốt 40 năm (1932-1972), các nhà nghiên cứu y sinh đã giả vờ chữa bệnh cho hơn 600 người Mỹ gốc Phi bị bệnh giang mai mà không hề cho biết họ bị mắc bệnh, nhằm mục đích theo dõi sự tiến triển của bệnh.

Năm 1972, khi báo chí phát hiện ra hành động nghiên cứu vô lương tâm này, chỉ còn 74 người sống sót và 40 người bạn đời của bệnh nhân đã bị lây bệnh. Căn bệnh còn để lại hậu quả tới 19 đứa trẻ do những người này sinh ra.

Nếu thời đó có hội đồng đạo đức nghiên cứu, những nhà nghiên cứu sẽ giải thích cho 600 người này để họ biết họ đang tham gia vào việc gì, được điều trị theo cách nào, nguy cơ vợ con họ sẽ gặp phải là gì...

Thiệt hại không chỉ dừng lại ở khía cạnh thể chất. Nếu trong báo cáo nghiên cứu, tôi công bố tên tuổi của người cung cấp thông tin thì tùy vào tính chất của thông tin, người đó có thể sẽ gặp những xáo trộn trong công việc và đời sống. Vì vậy, các tiêu chuẩn đạo đức luôn yêu cầu nhà nghiên cứu trình bày kế hoạch bảo vệ người cung cấp thông tin, trước khi đi thu thập thông tin.

Hội đồng xét duyệt đạo đức cho những nghiên cứu về con người (ví dụ: phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu bệnh trên người) là điểm bắt buộc cần có trong các chương trình đào tạo tiến sĩ. Đối với những chương trình nghiên cứu sử dụng động vật làm thí nghiệm, cần có cả hội đồng xét duyệt đạo đức cho nghiên cứu động vật, để đảm bảo quyền động vật và ngăn chặn nguy cơ những căn bệnh từ động vật dùng làm thí nghiệm lây lan ra cộng đồng.

Thứ hai, nghiên cứu sẽ không được công bố quốc tế nếu bỏ qua các quy trình xét duyệt đạo đức. Một trong những yêu cầu đầu tiên của ban biên tập các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín là nghiên cứu phải được hội đồng xét duyệt đạo đức thông qua. Việc này để loại trừ nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa người nghiên cứu và người cung cấp thông tin, sau khi thông tin được công bố đại chúng.

Gần đây, tôi được biết dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế. Trong khi đó, tôi chưa hề nghe nói Việt Nam có ý tưởng sẽ thành lập hội đồng đạo đức nghiên cứu. Vậy phải chăng nghiên cứu sinh sẽ phải gửi hồ sơ sang các hội đồng đạo đức nghiên cứu ở nước ngoài để được chứng nhận “có đạo đức”? Khi khái niệm hội đồng đạo đức nghiên cứu còn chưa tồn tại trong bất cứ văn bản, dự thảo nào thì trong con mắt giới khoa học quốc tế, tất cả nghiên cứu sinh và nhà khoa học tại Việt Nam đều “vô đạo đức”!

Thành lập hội đồng xét duyệt đạo đức nghiên cứu cấp quốc gia và cấp các trường ĐH không khó. Bao nhiêu người để lên được vị trí cao trong ngành giáo dục, trong lĩnh vực nghiên cứu, cũng đã từng trải qua giai đoạn nộp hồ sơ xin xét duyệt đạo đức nghiên cứu ở các trường nước ngoài. Vậy tại sao không ai nói đến chuyện sẽ lập ra bộ tiêu chí đánh giá đạo đức nghiên cứu tại Việt Nam? Phải chăng chúng ta khi tự xem xét bản thân thì đều ngại nói chuyện đạo đức?

Làm gì để nghiên cứu sinh tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu?

Nghiên cứu khoa học là một quá trình với nhiều bước tuần tự bao gồm: đặt câu hỏi nghiên cứu, xác định giả thuyết, xác định phương pháp nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu (khảo sát, thí nghiệm...), phân tích và công bố kết quả.

Ở tất cả các bước này, đạo đức nghiên cứu luôn đóng một vai trò then chốt. Thiếu đạo đức, kết quả nghiên cứu không chỉ không có giá trị mà còn có thể gây hại.

Để bảo đảm tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu, các trường ĐH nghiên cứu thường ban hành quy định chặt chẽ và chi tiết về vấn đề này. Quy định phổ biến nhất là quy tắc ứng xử trong nghiên cứu. Ngoài ra, nhiều mẫu biểu được ban hành, và nhà nghiên cứu theo thứ tự cần phải hoàn thành trong từng giai đoạn của quá trình nghiên cứu.

Với nghiên cứu sinh tiến sĩ, để giúp từng bước tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu, các trường ĐH ở các nước phát triển (Mỹ, Úc, châu Âu) thường đưa nội dung này vào từng môn học trong giai đoạn học lý thuyết và chuẩn bị đề cương nghiên cứu. Đề cương nghiên cứu chỉ được cho bảo vệ và thông qua khi nghiên cứu sinh bảo vệ thành công sự tuân thủ về đạo đức trong nghiên cứu của mình, trước một hoặc một số hội đồng tùy lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Năm 2009, khi tham gia giai đoạn học lý thuyết của chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về quản lý tại University of South Australia, chúng tôi được dạy về đạo đức nghiên cứu trong ít nhất 4 môn học. Thành phần quan trọng đầu tiên mà nghiên cứu sinh được dạy và cần phải tuân thủ đó là sự liêm chính.

Khi chuẩn bị đề cương nghiên cứu, chúng tôi cũng được yêu cầu hoàn thành một đề xuất về tuân thủ đạo đức, trong đó chú trọng đến việc cho phép được phỏng vấn và sử dụng dữ liệu của người đứng đầu doanh nghiệp. Các bước thực hiện này đã giúp cho nghiên cứu sinh từng bước tiếp cận sự tuân thủ về đạo đức, để có những hành động đúng sau khi tốt nghiệp và bước vào công việc nghiên cứu thực thụ.

Tại Trường ĐH Công nghệ Swinburne, đạo đức trong nghiên cứu được xây dựng dựa trên Quy tắc thực hiện nghiên cứu có trách nhiệm được phối hợp ban hành bởi hai cơ quan: Hội đồng nghiên cứu về y tế và y khoa quốc gia và Hội đồng các nhà nghiên cứu và trường ĐH Úc.

Văn bản này được sử dụng rộng rãi ở các trường ĐH của Úc, được các trường biên soạn lại, nhằm hướng dẫn chi tiết hơn cho từng phạm vi nghiên cứu của mình. Swinburne quy định cụ thể các nguyên tắc cần tuân thủ đối với nghiên cứu về con người, nghiên cứu về động vật, an toàn sinh học, quản lý dữ liệu nghiên cứu và liêm chính trong nghiên cứu.

Các hội đồng và những chuyên gia cố vấn được thành lập, bổ nhiệm, công bố rộng rãi trong toàn trường và cả trên website, với đầy đủ thông tin liên lạc (http://www.swinburne.edu.au/research/ethics/).

Với các nghiên cứu sinh, ngoài việc được hướng dẫn bởi các giáo sư hướng dẫn, họ còn có thể nhận các tư vấn từ các chuyên gia cố vấn này, thông qua việc hẹn gặp trực tiếp hoặc qua các phương tiện liên lạc được công bố. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, các vi phạm đạo đức nghiên cứu nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Hoàng Đức Bình

Các hội đồng đạo đức - ĐH Monash, Úc

ĐH Monash, thành phố Melbourne, thuộc nhóm 8 ĐH nghiên cứu trọng điểm của Úc. Trường có hai hội đồng đạo đức, gồm hội đồng đạo đức nghiên cứu trên con người và hội đồng đạo đức nghiên cứu trên động vật. Hội đồng đạo đức xét duyệt và cấp chứng nhận đạo đức cho các công trình nghiên cứu do sinh viên và giảng viên của trường thực hiện.

Mỗi chứng nhận đạo đức có thời hạn 4-5 năm, là thời gian đủ cho một công trình nghiên cứu được hoàn thành. Thông thường, giấy chứng nhận đạo đức sẽ được cấp cho cả công trình nghiên cứu chung, chứ không cấp cho từng sản phẩm riêng lẻ của công trình nghiên cứu. Sản phẩm riêng lẻ gồm: luận án, sách, các bài báo, các mô hình, sản phẩm thử nghiệm, và có thể là cả sản phẩm để đưa vào sản xuất và sử dụng trên quy mô lớn.

Chứng nhận đạo đức là một đòi hỏi đối với người nghiên cứu ở tất cả các ngành, đặc biệt là những ngành khai thác số liệu, dữ liệu từ con người.

Tất cả các trường ĐH, viện nghiên cứu tại Úc đều có hội đồng xét duyệt đạo đức, hoạt động dựa trên các văn bản hướng dẫn chung, như Tuyên bố quốc gia và Quy tắc thực hiện nghiên cứu có trách nhiệm do Hội đồng nghiên cứu cấp quốc gia Úc đưa ra.

Hội đồng đạo đức là một cơ quan bắt buộc cần có tại đa số các trường ĐH trên thế giới.

“Thử hình dung xem nếu không dùng các quy chế đạo đức để xem xét tiến trình nghiên cứu thì chuyện gì sẽ xảy ra?

 
MẠCH LÊ THU (GIẢNG VIÊN HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN,, ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT ĐẠO ĐỨC NGHIÊN CỨU ĐH MONASH, ÚC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp