25/02/2025 20:11 GMT+7

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh: Giữ tên cũ hay đặt tên hoàn toàn mới?

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng việc lựa chọn tên gọi nếu sáp nhập tỉnh không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử và bản sắc địa phương.

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh: Giữ tên cũ hay đặt tên hoàn toàn mới? - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Tại kết luận 126, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, vấn đề tỉnh nào sẽ sáp nhập với nhau và nên lấy tên nào cũng nhận nhiều quan tâm.

Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - xung quanh nội dung này.

5 yếu tố cần tính khi nghiên cứu sáp nhập tỉnh

Theo ông, nghiên cứu sáp nhập các tỉnh cần phải dựa vào những tiêu chí, điều kiện cụ thể nào?

- Việc nghiên cứu sáp nhập các tỉnh cần phải dựa trên những tiêu chí và điều kiện cụ thể để đảm bảo tính hiệu quả, hợp lý và phù hợp với thực tiễn phát triển.

Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Một tỉnh có dân số quá ít hoặc diện tích quá nhỏ có thể gặp nhiều hạn chế trong việc phát triển kinh tế - xã hội, trong khi một tỉnh quá lớn lại có thể gây khó khăn trong công tác quản lý.

Vì vậy, cần tính toán một mức quy mô hợp lý, đảm bảo sự cân đối giữa dân số, diện tích và năng lực quản trị.

Thứ hai, cần xem xét đến yếu tố điều kiện kinh tế - xã hội. Các tỉnh được sáp nhập cần có sự tương đồng hoặc bổ trợ lẫn nhau về cơ cấu kinh tế, trình độ phát triển, thu nhập bình quân đầu người.

Việc này để tránh tình trạng chênh lệch quá lớn, gây khó khăn trong việc quản lý và phân bổ nguồn lực.

Nếu một tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh, trong khi tỉnh kia lại còn nhiều khó khăn, việc sáp nhập cần có lộ trình rõ ràng để đảm bảo sự hài hòa, không tạo ra những bất cập về chính sách và cơ hội phát triển.

Thứ ba, yếu tố văn hóa - lịch sử - xã hội là vô cùng quan trọng. Việc sáp nhập cần xem xét đến sự tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, bản sắc vùng miền để đảm bảo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư.

Việc này cũng tránh những khác biệt có thể dẫn đến khó khăn trong quản lý và điều hành. Nếu hai tỉnh có sự khác biệt quá lớn về văn hóa - xã hội, quá trình hòa nhập có thể gặp trở ngại, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lâu dài.

Thứ tư, yếu tố địa lý và hạ tầng giao thông cần được tính toán kỹ lưỡng. Các tỉnh được sáp nhập nên có sự kết nối thuận lợi về giao thông.

Các tỉnh này cũng không nên bị chia cắt bởi yếu tố địa hình quá phức tạp như núi non, sông ngòi hay khoảng cách địa lý quá xa, để đảm bảo việc quản lý, điều hành diễn ra thuận lợi.

Thứ năm, việc sáp nhập cần tính đến khả năng phát triển hệ thống đô thị, trung tâm hành chính mới sao cho hợp lý, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Những bài học kinh nghiệm trong sáp nhập huyện, xã các giai đoạn vừa qua chính là bài học rất quan trọng để có một kế hoạch sáp nhập tỉnh bài bản, tránh những vấn đề không đáng có và đảm bảo quá trình sáp nhập diễn ra suôn sẻ, đạt được hiệu quả cao nhất.

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh: Giữ tên cũ hay đặt tên hoàn toàn mới? - Ảnh 3.

Năm 2008, Hà Tây và một số địa phương của Vĩnh Phúc, Hòa Bình sáp nhập vào Hà Nội. Trong ảnh là một góc Hà Nội hiện nay - Ảnh: NAM TRẦN

Tên nào cho tỉnh nếu sáp nhập?

Nếu thực hiện sáp nhập tỉnh, việc lựa chọn tên mới sẽ là vấn đề đáng lưu tâm, nhất là lấy tên cũ hay tạo ra tên gọi mới. Theo ông, vấn đề này nên làm thế nào để có một cái tên đảm bảo tính kế thừa và phù hợp với giai đoạn phát triển mới?

- Việc lựa chọn tên gọi nếu thực hiện sáp nhập tỉnh không chỉ là một vấn đề kỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử và bản sắc địa phương sâu sắc.

Tên gọi của một địa phương không chỉ đơn thuần là danh xưng hành chính mà gắn liền với văn hóa, con người và dòng chảy thời gian, là chứng tích của những đổi thay, dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển.

Vì vậy, khi nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh để tối ưu hóa bộ máy, cải thiện hiệu quả quản lý, thì câu chuyện đặt tên cho đơn vị hành chính mới không chỉ là câu chuyện quản lý thuần túy mà ở đó còn có sự kế thừa và cả khát vọng vươn lên.

Giữ lại tên cũ hay đặt tên hoàn toàn mới? Làm thế nào để không làm mất đi những giá trị lịch sử đã in sâu vào tiềm thức của người dân?

Làm sao để khi nhắc đến tên tỉnh đó, người ta không chỉ nghĩ đến một đơn vị hành chính, mà còn cảm nhận được cả văn hóa, dòng chảy lịch sử phía sau đó.

Có hai hướng chính trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới. Một là khôi phục lại tên gọi đã từng tồn tại trong lịch sử, như một cách tôn vinh và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc tạo ra một tên gọi mới cũng là một lựa chọn hợp lý, đặc biệt khi việc sáp nhập là sự kết hợp của nhiều đơn vị có bản sắc khác nhau.

Một cái tên mới mang tính đại diện rộng hơn, không nghiêng về một địa phương cụ thể, sẽ giúp tạo ra sự đồng thuận, tránh cảm giác thiên vị giữa các vùng.

Quan trọng là tên gọi đó phải mang ý nghĩa tích cực, phản ánh được đặc trưng địa lý, lịch sử, văn hóa của cả khu vực được sáp nhập, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển trong thời đại mới.

Tôi tin rằng, việc đặt tên cho một đơn vị mới không chỉ cần sự cân nhắc thận trọng từ các cơ quan quản lý, mà còn cần sự tham gia, đóng góp ý kiến từ nhân dân.

Một cái tên mang tính biểu tượng, vừa có sự kế thừa, vừa mở ra một tầm nhìn mới cho sự phát triển, sẽ là cầu nối vững chắc giữa truyền thống và tương lai, góp phần tạo dựng bản sắc riêng cho mỗi địa phương trong giai đoạn phát triển mới.

Một số ý kiến cho rằng nếu thực hiện sáp nhập có thể sử dụng tên gọi cũ của nhiều tỉnh thành đã từng tồn tại trong những lần sáp nhập trước như Hà Bắc, Hải Hưng, Nam Hà… Ông nghĩ sao về điều này?

- Việc khôi phục lại các tên gọi cũ của các tỉnh đã từng tồn tại nếu thực hiện sáp nhập như Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hải Hưng, Bắc Thái, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Minh Hải… cũng có thể xem xét, cân nhắc.

Bởi khi nhắc đến các tên này không chỉ nhớ về một đơn vị hành chính mà còn gợi lên những dấu ấn văn hóa, những đặc trưng vùng miền đã từng tồn tại, tạo nên sự gắn kết cộng đồng và niềm tự hào địa phương.

Việc sử dụng lại tên cũ có thể là một giải pháp giúp quá trình sáp nhập trở nên dễ dàng hơn về mặt tâm lý và xã hội.

Ngoài ra, cũng giúp tránh những tranh luận không cần thiết về tên gọi mới, bởi đây là những danh xưng đã được lịch sử ghi nhận và có độ chấp nhận cao trong cộng đồng. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều có thể hoặc nên áp dụng cách làm này.

Một số tỉnh sau khi tách ra đã có những sự thay đổi lớn về diện mạo, kinh tế, xã hội, bản sắc vùng miền. Nếu chỉ đơn thuần sử dụng lại tên cũ mà không cân nhắc đến sự thay đổi của thực tế, có thể sẽ không còn phù hợp với tình hình phát triển hiện tại.

Trong những trường hợp đó, việc tìm kiếm một tên gọi mới, mang tính bao quát và phản ánh đúng đặc điểm của vùng đất sau sáp nhập, sẽ là lựa chọn hợp lý.

Quan trọng nhất vẫn là lắng nghe ý kiến của người dân và các chuyên gia trước khi quyết định đặt tên cho đơn vị hành chính mới.

Và dù giữ tên cũ hay đặt tên mới, điều quan trọng nhất vẫn là giữ được tinh thần của vùng đất ấy, để mỗi khi nhắc đến, người ta không chỉ nhớ đến một cái tên, mà còn cảm nhận được hơi thở của lịch sử, của văn hóa, của con người nơi đó.

Nghiên cứu sáp nhập tỉnh: Giữ tên cũ hay đặt tên hoàn toàn mới? - Ảnh 4.Nghiên cứu bỏ cấp huyện: Tỉnh, thành nào đang có số cấp huyện nhiều nhất?

Hà Nội là địa phương có số đơn vị cấp huyện nhiều nhất cả nước với 30 đơn vị. Tiếp đó là Thanh Hóa, TP.HCM. Hà Nam là tỉnh có số cấp huyện ít nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp