
Một nhà máy sản xuất đá thạch anh tại khu vực Thạch Thất, Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Hà Tây). Sau khi sáp nhập về Hà Nội, nhiều huyện thuộc tỉnh Hà Tây trước đây hình thành nhiều nhà máy và khu công nghiệp hiện đại - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trong đó dư luận mong muốn việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện nên thực hiện như thế nào để đảm bảo phù hợp, hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển. Tuổi Trẻ ghi nhận các chia sẻ về chủ đề này.
Trung Quốc chỉ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, nói việc nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh không phải là vấn đề mới mà ngay từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV ông đã có phát biểu đề xuất nghiên cứu thực hiện. Ông Hạ nhấn mạnh việc này phù hợp với mô hình phát triển trên thế giới, tạo không gian, dư địa mới cho các địa phương phát triển.
Ông Hạ lấy dẫn chứng từ Trung Quốc khi họ có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần, dân số đông hơn trên 15 lần nhưng chỉ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 2 đặc khu hành chính Hong Kong và Macau). Nhật Bản được hình thành từ gần 7.000 hòn đảo, dân số hơn 120 triệu người cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trong khi đó dân số không phải quá lớn nhưng Việt Nam hiện nay có số đơn vị hành chính cấp tỉnh quá lớn, thuộc diện nhiều nhất thế giới, với 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương. Cùng với đó là số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng rất lớn. Điều này dẫn đến bộ máy lớn, còn cồng kềnh, chi phí cho bộ máy rất lớn, chiếm đến 70% chi ngân sách thường xuyên.
Ông Hạ cho rằng trước đây do các điều kiện về kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng, đường sá, công nghệ thông tin truyền thông còn rất hạn chế nên phải chia tách các tỉnh ra để đảm bảo việc quản lý đạt hiệu quả tốt hơn.
Thực tế khi tách các tỉnh như Hà Bắc thành Bắc Ninh và Bắc Giang cũng đã tạo điều kiện cho quản lý, giúp các tỉnh này phát triển tốt hơn. Hay như Hà Nam Ninh tách ra thành Nam Hà, Ninh Bình, tiếp đó tỉnh Nam Hà tách thành Hà Nam, Nam Định... Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nhìn lại thì dư địa phát triển của các địa phương sau khi tách ra đã ít đi, tốc độ phát triển chậm đi.

Năm 2008, Hà Tây và một số địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình được sáp nhập vào Hà Nội. Trong ảnh: một góc Hà Nội hiện nay - Ảnh: HỒNG QUANG
Nghiên cứu sáp nhập tỉnh theo vùng kinh tế
Hiện nay cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, đã đảm bảo kết nối rất tốt các địa phương, kể cả các tỉnh miền núi. Chưa kể công nghệ thông tin đã rất phát triển, có thể chỉ cần một cái bấm nút, ấn chuột là từ trung tâm chuyển tải thông tin, chỉ đạo điều hành đến mọi nơi, họp trực tuyến đã quá phổ biến và toàn bộ có thể thực hiện xuyên biên giới. Vì lẽ đó cần nghiên cứu để mở rộng, tạo không gian, nguồn lực mới cho các tỉnh tạo đà phát triển bước vào kỷ nguyên mới.
Phương án sáp nhập cấp tỉnh hiện mới là chủ trương, định hướng, chưa có phương án cụ thể. Tuy nhiên theo ông Hạ, để thực hiện sáp nhập tỉnh nào với tỉnh nào cần có tiêu chí cụ thể.
Ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên cần tính đến những tiêu chí về văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, vị trí địa chính trị, quy hoạch vùng, quốc gia, văn hóa của cộng đồng dân cư, nhằm đảm bảo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Ông Hạ cũng nhấn mạnh việc xác định còn bao nhiêu tỉnh sẽ phải nghiên cứu, đánh giá cụ thể để phù hợp. Song ông đề xuất nên nghiên cứu theo vùng kinh tế như tỉnh công nghiệp, tỉnh nông nghiệp, tỉnh phát triển dịch vụ, kinh tế biển...
"Tôi nghĩ phân theo từng vùng, từng lĩnh vực, ngành nghề để thuận lợi cho đầu tư. Trong đó có tỉnh A, B trước đây không phải chung một tỉnh nhưng giờ khi nghiên cứu, đánh giá thấy hai tỉnh có cùng định hướng phát triển công nghiệp và tỉnh C, D đang liên kết vùng có thể nhập lại với nhau.
Hay các tỉnh có cùng định hướng phát triển du lịch, dịch vụ, việc sáp nhập lại có thể tạo thành các khu vực du lịch, dịch vụ rộng lớn... Hoàn toàn có thể nghiên cứu để thực hiện", ông Hạ nêu ý kiến.
Cần thận trọng, có lộ trình hợp lý

Ninh Thuận là 1 trong 10 tỉnh có dân số ít nhất Việt Nam (theo số liệu tính đến giữa kỳ năm 2024). Trong ảnh: du khách tham quan tháp Po Klong Garai tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đứng trên góc nhìn văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho rằng việc nghiên cứu sáp nhập tỉnh cần được thực hiện một cách thận trọng, có lộ trình hợp lý. Cùng với đó dựa trên các tiêu chí khoa học, khách quan nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý hành chính cũng như sự phát triển bền vững của từng địa phương.
Trước hết việc sáp nhập phải dựa trên những tiêu chí rõ ràng, bao gồm diện tích, quy mô dân số, kết nối hạ tầng, đặc điểm kinh tế - xã hội và sự tương đồng về văn hóa - lịch sử. Những tỉnh có diện tích nhỏ, dân số thấp, kết nối giao thông thuận lợi và có nền kinh tế tương đồng nên được ưu tiên sắp xếp lại để tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Quá trình này, theo ông Sơn, cần có một lộ trình thực hiện hợp lý, tránh gây xáo trộn lớn. Có thể bắt đầu bằng việc thí điểm sáp nhập một số tỉnh có điều kiện phù hợp, từ đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh chính sách trước khi mở rộng phạm vi thực hiện. Song song đó việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy hành chính phải được tính toán chặt chẽ, tránh tình trạng phình to, chồng chéo chức năng sau sáp nhập.
Đồng thời cần có chính sách hợp lý để xử lý đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư, đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, không ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền địa phương. Quan trọng hơn cả, việc sáp nhập tỉnh phải lấy người dân làm trung tâm. Sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp là yếu tố quyết định thành công của quá trình này.
"Do đó cần có các cơ chế tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi để đảm bảo rằng việc thay đổi đơn vị hành chính không gây khó khăn trong cuộc sống hằng ngày cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là trong những giai đoạn đầu chuyển đổi, để tạo điều kiện thuận lợi cho cả chính quyền và người dân thích nghi với mô hình mới", ông Sơn nêu quan điểm.
Cũng theo ông Sơn, nếu được thực hiện bài bản, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng thuận cao trong xã hội, chủ trương sáp nhập tỉnh sẽ tạo ra một hệ thống hành chính hiện đại, linh hoạt và hiệu quả hơn.
"Đây không chỉ là câu chuyện về tinh gọn bộ máy, mà quan trọng hơn đó là cơ hội để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của sự chuyển mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững", ông Sơn nêu thêm.
Bao nhiêu tỉnh là phù hợp?
Về số lượng cấp tỉnh sau sáp nhập, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng sẽ phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể nhưng con số hợp lý có thể nằm trong khoảng từ 40 đến 50 tỉnh.
"Một phương án mạnh mẽ hơn có thể giảm xuống còn khoảng 40 tỉnh, giúp bộ máy hành chính thực sự tinh gọn, nhưng sẽ gặp phải những thách thức trong việc điều chỉnh địa giới, ổn định tâm lý người dân và đồng bộ hệ thống pháp lý.
Một phương án cân bằng hơn có thể duy trì khoảng 45 - 50 tỉnh, vẫn đảm bảo tinh giản đầu mối nhưng không gây xáo trộn quá lớn, đồng thời giữ được sự ổn định trong quản lý nhà nước.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng không nhất thiết sắp xếp lại như cũ, bởi sẽ phải thay đổi phù hợp với tình hình, đặc điểm của các địa phương. Nhưng trước đây, theo ông Dĩnh, sau năm 1976 Việt Nam từng có 38 tỉnh nên có thể nghiên cứu xoay quanh con số 35 - 38 tỉnh thành là phù hợp.
Nhiều nước tổ chức mô hình chính quyền 3 cấp

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đối với việc nghiên cứu bỏ cấp huyện, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng vấn đề này liên quan mô hình chính quyền quốc gia theo 3 cấp hay 4 cấp. Tuy nhiên, qua thực tế tham khảo thì có nhiều nước tổ chức mô hình chính quyền 3 cấp.
Với chính quyền cấp huyện, nhiều nước không tổ chức nhưng có các ủy ban hành chính được chính quyền cấp tỉnh thành lập ở một số khu vực nhằm chịu trách nhiệm quản lý, điều hành, xử lý các công việc trong khu vực đó.
Ông Bùi Hoài Sơn đánh giá việc nghiên cứu bỏ cấp huyện ở những địa phương có điều kiện phù hợp sẽ giúp giảm bớt bộ máy cồng kềnh, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền. Khi các đơn vị hành chính trung gian được sắp xếp lại, quy trình ra quyết định sẽ trở nên nhanh chóng hơn, giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính không cần thiết.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số và hướng đến một nền quản trị hiện đại, nơi mà công nghệ và dữ liệu có thể thay thế phần lớn các quy trình thủ công trước đây.
Tuy nhiên ông Sơn cho rằng việc thực hiện chủ trương này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp và đặc biệt phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Tăng cường đội ngũ cấp xã nếu bỏ cấp huyện
TS Nguyễn Tiến Dĩnh nêu ý kiến vấn đề cần chú ý khi bỏ cấp trung gian thì cấp tỉnh sẽ chỉ đạo trực tiếp cấp xã. Như vậy đội ngũ cấp xã cần phải được tăng cường, nhất là bổ sung các điều kiện, kinh phí, cơ sở vật chất để cấp xã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Theo ông Dĩnh, mới đây Bộ Nội vụ cũng đã đề nghị không bỏ quy định "công chức cấp xã". Đồng thời nghiên cứu, rà soát, bổ sung vị trí việc làm, chế độ chính sách (tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thang bảng lương...) đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở đơn vị hành chính cấp xã.
Đây là đề xuất quan trọng nhất để củng cố, nâng cao chất lượng cho chính quyền cơ sở đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao. Bên cạnh đó hiện nay theo quy định, tùy theo diện tích, dân số mà bộ máy cán bộ công chức cấp xã có 18 đến khoảng 25 nhân sự thì tới đây chắc phải hơn. Bởi cấp xã có thay đổi, chế độ chính sách, lương cũng phải khác đi.
"Mục tiêu cuối cùng là tinh gọn nhưng cái gốc vẫn phải hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", ông Dĩnh nói.
Một nội dung khác theo ông Dĩnh, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cần phải ngăn chặn tình trạng "chảy máu chất xám", nói cách khác phải giữ chân được người tài. Đây là vấn đề rất quan trọng, được nhiều người quan tâm và chính Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhiều lần đề cập việc này.
"Chúng ta nói tinh gọn nhưng phải mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Muốn mạnh thì đội ngũ, con người phải có năng lực. Bài học của tinh giản biên chế trước đây chưa thực sự thành công là vì mới chỉ giảm về số lượng và nhiều người có năng lực trình độ lại về, trong khi người không cần thì ở lại.
Do đó mấu chốt vẫn là cách làm và dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá được chính xác, công tâm, khách quan nhân sự của mình quản lý", ông Dĩnh nói thêm.

Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận