Sáng 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Vấn đề phức tạp, nhạy cảm
Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay thường trực ủy ban cho hay có một số ý kiến, trong đó đề nghị kết hợp hai phương án Chính phủ trình thành một phương án thống nhất.
Đồng thời nghiên cứu nên có lộ trình giảm phần trăm mức hưởng khi nhận bảo hiểm xã hội một lần (tương tự như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu) để vừa tuyên truyền, vừa áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội.
Nếu thực hiện ngay và giảm mức hưởng xuống 50% sẽ có thể gây ra phản ứng chính sách.
Tuy nhiên báo cáo và tờ trình của Chính phủ vẫn đưa ra hai phương án, không có sự thay đổi. Chính vì vậy, Ủy ban Xã hội tiếp tục nêu lại toàn bộ các ý kiến về nội dung này để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu.
Theo bà Anh, thường trực ủy ban cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động.
Do đó cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quy định về bảo hiểm xã hội một lần, để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách.
Đó là khi có việc làm, người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí.
Việc này để khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động thì người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng (rút từ tiền của người lao động, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy).
Vì vậy theo bà Anh, phải "chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần" như nghị quyết số 28 đã xác định.
Trong đó hướng tới hạn chế tối đa việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mới có thể thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động.
Tiếp tục nghiên cứu phương án tối ưu
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề hệ trọng, lớn. Do đó, ông mong muốn lắng nghe thêm định hướng trong 2 phương án Chính phủ đưa ra.
Cụ thể, phương án 1, với những người đang tham gia bảo hiểm xã hội được rút và những người mới tham gia sau khi luật có hiệu lực sẽ không được rút.
Với phương án 2, sẽ cho rút 50%, còn để lại 50%.
Ông nhắc lại việc tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có yêu cầu phải tính toán để tích hợp nhằm có phương án tối ưu, tốt của 2 phương án.
Sau đó thường trực ban soạn thảo có nghiên cứu và nếu có đặt ra phương án 3 để đặt ra phương án tối ưu thì có thể những người mới tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ không được rút. Còn những người đang tham gia sẽ chỉ được rút 50%, để lại 50%.
"Nếu thường vụ cho ý kiến thì chúng tôi sẽ báo cáo lại Chính phủ. Đây cũng là phương án đúng tinh thần nghị quyết 28, trong đó khuyến khích những người bảo lưu và giảm chính sách với những người rút một lần", ông Dung nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau đó chỉ rõ rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi luật. Ông nói để hạn chế việc này có nhiều cách, trong đó có rút thời gian đóng và hưởng từ 20 xuống 15 năm, tới đây sẽ hướng tới lộ trình còn 10 năm.
Theo ông Huệ, việc Chính phủ trình 2 phương án là quyền của cơ quan trình, sau đó các cơ quan sẽ có quan điểm, thảo luận, sau đó trình Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận