Một người đàn ông tiêm ngừa COVID ở Los Angeles - Ảnh: LA Times
Theo trang New Scientist, kể từ khi chủng Delta xuất hiện, có không ít ý kiến cho rằng vắc xin COVID-19 không còn giúp gì nhiều trong việc ngăn chặn lây nhiễm, tuy nhiên quan niệm này đã bị một số nghiên cứu mới bác bỏ.
"Vắc xin chắc chắn giúp giảm lây nhiễm. Người đã tiêm ngừa có lây bệnh trong một số trường hợp, nhưng dữ liệu thu thập được chứng minh rất rõ ràng nguy cơ lây ở người đã tiêm ngừa thấp hơn rất, rất nhiều so với người chưa tiêm" - học giả Christopher Byron Brooke, từ Đại học Illinois, lên tiếng.
Theo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Dịch tễ học và giám sát bệnh truyền nhiễm (Hà Lan), người đã tiêm vắc xin bị nhiễm COVID-19 chủng Delta giảm được 63% nguy cơ lây truyền cho người chưa tiêm vắc xin. Tỉ lệ này thấp hơn so với chủng Alpha (73%) nhưng vẫn đáng kể.
Chuyên gia Brechje de Gier thuộc nhóm nghiên cứu lưu ý hiệu quả giảm lây truyền của vắc xin thực tế có thể cao hơn con số 63%, vì phần lớn người đã tiêm ngừa ngay từ đầu không bị phát bệnh.
Bà de Gier và các cộng sự đi đến kết luận sau khi phân tích dữ liệu từ hệ thống truy vết COVID-19 của Hà Lan, từ đó tìm ra tỉ lệ tấn công thứ cấp - tức số lượng tiếp xúc bị lây bởi các ca dương tính.
Nỗi lo vắc xin không còn ngăn được lây nhiễm bắt nguồn từ các bản tin hồi tháng 7, theo đó người ta phát hiện người đã tiêm ngừa nhiễm COVID-19 "mang tải lượng virus nhiều tương đương người khác".
Thực tế là nghiên cứu dẫn đến các bản tin nói trên không trực tiếp đếm số lượng virus trong cơ thể người bệnh, mà dựa trên chỉ số gọi là "Ct score" đo nồng độ RNA của virus, nhưng lượng RNA này có thể xuất phát từ số virus bị hệ miễn dịch tiêu diệt.
"Anh có thể do nồng độ RNA nhưng nó không có ý nghĩa gì mấy" - học giả Timothy Peto thuộc Đại học Oxford bình luận.
Ông Peto đã tiến hành một nghiên cứu tương tự nhóm Hà Lan bằng dữ liệu truy vết của Anh và nhận được kết quả tương tự về khả năng giảm lây truyền của vắc xin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận