Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: CTV
Cuộc họp báo diễn ra vào sáng 4-7, do Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì.
"Nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp"
Luật giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục năm 2009, với mục tiêu "tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng".
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT: điểm mới đáng chú ý đầu tiên của Luật giáo dục 2019 là đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục. Trong đó đã bổ sung quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Đồng thời, luật đã cụ thể hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo nghị quyết số 29 và nghị quyết số 88, đặc biệt quy định "mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, thực hiện việc xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa".
Luật giáo dục 2019 bổ sung: loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường.
Với việc sửa đổi, bổ sung lần này, Quốc hội cũng đã quyết định quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học; quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm; quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập; quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục, khẳng định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Đối với vấn đề miễn học phí cho học sinh cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết nghị quyết của Trung ương chủ trương thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau 2020, vì vậy sẽ áp dụng miễn học phí cho học sinh THCS.
"Chính phủ sẽ quy định miễn học phí đối với học sinh trung học phổ thông khi chúng ta công bố VN thực hiện chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm" - ông Độ nói. Thời gian tới, bộ sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động, tham mưu cho Chính phủ về lộ trình cụ thể.
Bộ Y tế mừng vì Quốc hội thông qua "Luật bia rượu"
Đối với Luật phòng chống tác hại của bia, rượu, điều được các phóng viên quan tâm nhất là việc triển khai thực hiện trong thực tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, là cơ quan chủ trì soạn thảo, có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bộ "rất phấn khởi" khi đạo luật được thông qua.
"Trong quá trình xây dựng luật, có đại diện tổ chức nước ngoài còn nói: Rượu bia được người dân sử dụng trong những dịp lễ quan trọng, thậm chí khi cúng các cụ, gia đình nào cũng có chén rượu trên bàn thờ thì chẳng lẽ chúng tôi lại đưa tác hại lên bàn thờ?" - ông Cường nêu ví dụ và cho rằng quản lý rượu bia vẫn là vấn đề khó, cần quyết tâm cao thì luật mới đi vào cuộc sống.
Vì vậy, để triển khai thi hành luật, ngoài việc tuyên truyền để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình, thì quan trọng là quy định chế tài đối với các hành vi bị cấm đã quy định trong luật. Luật cũng đã quy định 13 hành vi bị cấm, ví dụ như cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia…
Sáng cùng ngày, chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật đầu tư công; Luật quản lý thuế; Luật kiến trúc; Luật phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật thi hành án hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận