Các nhà nghiên cứu của Trường Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health (trực thuộc Đại học Johns Hopkins) ở Mỹ đã có phát hiện đáng kinh ngạc: ở khu vực thành thị, đường hẹp giúp làm giảm các vụ tai nạn giao thông.
Cụ thể, số vụ va chạm giao thông không có nhiều khác biệt giữa những làn đường rộng 9, 10 hoặc 11 feet (tương ứng với 2,7m, 3m và 3,4m). Tuy nhiên, số vụ va chạm trên làn đường rộng 12 feet (3,7m) gấp rưỡi so với làn 9 feet (2,7m).
Giới hạn tốc độ có thể là một yếu tố có liên quan ở đây. Các nhà nghiên cứu nhận thấy số vụ va chạm trên những con đường giới hạn 20mph (32km/h) và 25mph (40,2km/h) không có sự khác biệt đáng kể.
Tuy nhiên, những con đường có giới hạn tốc độ 30mph (48km/h) và 35mph (56km/h) - thường được áp dụng cho những con đường có làn rộng trên 9 feet (2,7m) - có số vụ va chạm cao hơn hẳn.
Phát hiện này đi ngược lại quan điểm thông thường cho rằng làn đường rộng hơn sẽ an toàn hơn. Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, khi đường rộng rãi, các tài xế thường trở nên bất cẩn, phóng nhanh hơn và ít chú ý quan sát hơn so với khi đi vào những đoạn đường hẹp.
Dựa trên phân tích 1.117 con đường ở 7 thành phố nước Mỹ, các tác giả của nghiên cứu cho rằng việc thu hẹp chiều rộng làn đường sẽ thực sự làm giảm các va chạm giao thông.
Ngoài ra, việc thu hẹp lòng đường sẽ tạo thêm không gian để xây dựng cơ sở hạ tầng cho người đi bộ và đi xe đạp. Điều này sẽ giúp đường phố trở nên an toàn hơn, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực.
Phát hiện này hết sức đáng chú ý, bởi va chạm giao thông là một trong những nguyên nhân tử vong chính với nhóm dưới 55 tuổi ở Mỹ. Ngoài ra, tỉ lệ tử vong của người đi bộ tăng vọt. Ở Mỹ, con số này đã tăng 40% trong giai đoạn 2010-2018. Tỉ lệ người đi bộ tử vong năm 2020 phá kỷ lục trong 40 năm qua (ở Mỹ).
Căn cứ những phát hiện trên, các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ đặt ra giới hạn tốc độ thôi là chưa đủ, mà phải chú ý đến cả thiết kế con đường như thế nào.
Tiến sĩ Shima Hamidi, giám đốc trung tâm Center for Climate-Smart Transportation của Johns Hopkins, cho biết: "Giảm chiều rộng làn đường là cách dễ và tiết kiệm chi phí nhất, để tạo ra làn đường cho xe đạp và vỉa hè tốt hơn cho người đi bộ với cơ sở hạ tầng hiện có. Từ đó, làn đường hẹp giúp giảm chi phí xây dựng, bảo trì đường bộ và cũng giảm tác động đến môi trường".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận