
Hà Nội là địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện nhất Việt Nam với 30 quận, huyện, thị xã - Ảnh: HỒNG QUANG
Theo kết luận 126, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).
6 tỉnh, thành có số cấp huyện nhiều nhất
Số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy, qua 2 đợt sắp xếp, sáp nhập đơn vị cấp huyện gần đây gồm giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2025, hiện nay cả nước có 696 đơn vị cấp huyện.
Trong đó, tính đến ngày 1-1-2025, cả nước có 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương gồm TP Thủ Đức (TP.HCM, được thành lập 1-1-2021) và TP Thủy Nguyên (TP Hải Phòng, được thành lập từ 1-1-2025).
Cùng với đó, có 84 thành phố thuộc tỉnh, 53 thị xã, 49 quận và 508 huyện.
Nếu tính phân chia địa phương có nhiều đơn vị cấp huyện nhất thì đứng đầu là Hà Nội hiện có 30 đơn vị gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.
12 quận của Hà Nội gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.
17 huyện gồm Thanh Trì, Ba Vì, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mê Linh, Sóc Sơn. 1 thị xã Sơn Tây.
Thứ hai là tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị, bao gồm 2 thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn, 2 thị xã Nghi Sơn và Bỉm Sơn, 22 huyện.
Thứ ba là TP.HCM có 22 đơn vị cấp huyện gồm 1 thành phố Thủ Đức, 16 quận gồm 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Thạnh; 5 huyện gồm Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè.
Trong số 3 địa phương đứng đầu, Hà Nội là thủ đô, đô thị đặc biệt của Việt Nam. Sau khi sáp nhập Hà Tây và một số địa phương của Vĩnh Phúc, Hòa Bình vào năm 2008, trong số 6 thành phố trực thuộc trung ương hiện nay, Hà Nội có diện tích lớn nhất với 3.359km2.
Hà Nội cũng là địa phương có diện tích lớn thứ 2 ở Đồng bằng sông Hồng sau Quảng Ninh. Dân số của Hà Nội khoảng 8,68 triệu người (tính đến năm 2024). Trong năm 2024, Hà Nội là thành phố có số thu ngân sách lớn nhất cả nước, ước thực hiện 509.300 tỉ đồng
Với diện tích 11.129,48km2, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 trong cả nước. Thanh Hóa có diện tích đứng sau các tỉnh Nghệ An (16.486,5km2 - 20 đơn vị cấp huyện), Gia Lai (15.510,1km2 - 17 đơn vị cấp huyện), Sơn La (14.109,8km2 - 12 đơn vị cấp huyện), Đắk Lắk (13.070,4km2 - 15 đơn vị cấp huyện).
Dân số của tỉnh này là hơn 3,7 triệu người (tính đến năm 2024, đứng thứ 3 cả nước sau TP.HCM, Hà Nội, và đứng đầu trong số các tỉnh).
Với TP.HCM - là đô thị đặc biệt, lớn nhất của cả nước. TP hiện có diện tích 2.095km2 với dân số trên 8,9 triệu người (năm 2024). TP là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích đứng thứ 2, sau Hà Nội nhưng có dân số lớn nhất cả nước.
Trong năm 2024, TP.HCM cũng đứng thứ 2 cả nước về thu ngân sách, ước thực hiện 508.553 tỉ đồng.
Đứng thứ 4 là Nghệ An có 20 đơn vị cấp huyện gồm 1 thành phố Vinh, 2 thị xã Hoàng Mai, Thái Hòa và 17 đơn vị cấp huyện. Với diện tích 16.486,5km2, Nghệ An là tỉnh đang có diện tích lớn nhất cả nước.
Quảng Nam, Gia Lai cùng đứng ở vị trí thứ 5 với 17 đơn vị cấp huyện. Quảng Nam có diện tích 10.574,70km2, dân số gần 1,5 triệu người gồm 2 thành phố Tam Kỳ và Hội An, 1 thị xã Điện Bàn, 14 huyện.
Trong khi đó, Gia Lai có diện tích 15.510,1km2, dân số hơn 1,6 triệu người, gồm 1 thành phố Pleiku, 2 thị xã An Khê, Ayun Pa và 14 huyện.
Số cấp huyện của các tỉnh, thành
Cũng theo thống kê, 4 tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện gồm Kiên Giang, Long An, TP Hải Phòng, Đắk Lắk.
4 tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện gồm Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh,
4 tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện gồm Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Hà Tĩnh.
8 tỉnh có 11 đơn vị cấp huyện gồm An Giang, Bình Định, Bình Phước, Đồng Nai, Hà Giang, Lạng Sơn, Sóc Trăng, Tiền Giang.
9 tỉnh có 10 đơn vị cấp huyện gồm Quảng Trị, Kon Tum, Hưng Yên, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Bình Thuận, Bắc Giang, Lâm Đồng.
14 tỉnh, thành có 9 đơn vị cấp huyện gồm Nam Định, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lào Cai, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Nguyên, TP Huế, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
11 tỉnh, thành có 8 đơn vị cấp huyện gồm Vĩnh Long, Thái Bình, Quảng Bình, Lai Châu, Hậu Giang, Đắk Nông, TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Kạn.
3 tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện gồm Bạc Liêu, Ninh Thuận, Tuyên Quang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình.
Hà Nam là tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện, ít nhất cả nước.
Củng cố, nâng cao chất lượng cấp xã
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng thuận với chủ trương nghiên cứu bỏ cấp huyện và cho rằng đây là điều tất yếu.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đánh giá đây là một chủ trương mang tầm chiến lược.
Thể hiện tư duy cải cách mạnh mẽ nhằm xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước.
Các chuyên gia cũng lưu ý khi bỏ cấp huyện cần chuẩn bị một số điều kiện từ kinh phí, bộ máy, cho đến năng lực, trình độ của cán bộ, công chức cấp xã.
Trong đó, phải củng cố, nâng cao chất lượng và các điều kiện để chính quyền địa phương cấp cơ sở thực hiện cho tốt thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cũng phải khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận