Cầu Khe Leng được nghiệm thu khống từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Dự án này được đầu tư từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thông tuyến do cầu chưa nối nhịp. Điều đáng nói là cây cầu chưa nối nhịp Khe Leng đã nghiệm thu khối lượng "khống" và giải ngân từ năm 2016.
Công trình dở dang
Dự án đường giao thông nối xã Zuôih với xã Lăng được tỉnh Quảng Nam phê duyệt năm 2010 có chiều dài 32km, được kỳ vọng sẽ kết nối và rút ngắn giao thông giữa các xã vùng biên hai huyện Nam Giang và Tây Giang.
Giai đoạn 1 của dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư 175 tỉ đồng để mở tuyến đường dài 16km từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Dù được triển khai từ năm 2010 nhưng đến nay dự án này vẫn đang còn ngổn ngang.
Có mặt trên tuyến đường này, chúng tôi thấy đoạn từ đầu cầu Pa Nâu đến cầu Khe Leng (tuyến có thể đi được) dài 7km đầy sình lầy.
Một số đoạn cây cối mọc um tùm ngay dưới mặt đường cao ngang ngực, khiến người ta không nhận ra đây là... đường.
Một số hạng mục như đường mương nước cũng bị phủ kín bởi cây bụi, một số đoạn bị hư hỏng do sạt lở. Tuyến đường này kéo dài đến cầu Khe Leng thì phải dừng lại do cầu chưa nối nhịp.
Theo ông Pơ Loong Diệu - chủ tịch UBND xã Zuôih, từ hai năm nay việc thi công tuyến đường này đã bị dừng lại. Do cầu Khe Leng chưa hoàn thành nên dân không thể qua lại.
"Hồi mới triển khai dự án, chúng tôi phải gấp rút giải phóng mặt bằng vì hi vọng sẽ có đường đẹp nối các vùng giúp phát triển kinh tế. Nếu có tuyến đường này thì khoảng cách giữa cửa khẩu ở huyện Nam Giang và Tây Giang rút ngắn hơn một nửa, tức hơn 60km" - ông Diệu ngán ngẩm.
Ban quản lý các dự án đầu tư - xây dựng huyện Nam Giang được giao làm chủ đầu tư dự án. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và du lịch CIT.
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, hồ sơ nghiệm thu thanh toán khối lượng từng đợt của dự án này đã được giải ngân tới đợt 32.
Trong đó, khối lượng thi công cầu Khe Leng trị giá hơn 18,2 tỉ đồng đã được nghiệm thu giải ngân từ đợt 30 năm 2016.
Dù đã nghiệm thu và giải ngân hơn 2 năm nay nhưng cây cầu dài gần 170m này vẫn chưa có dấu hiệu nào sẽ hoàn thành.
Nghiệm thu khống khi chưa hoàn thành
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Minh Hoàng, trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư - xây dựng huyện Nam Giang, cho biết giai đoạn 1 của dự án dự định sẽ tiến hành thi công 16km đường.
Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên chỉ được giải ngân 123 tỉ đồng để xây 10km đầu tiên.
Trả lời câu hỏi về việc nghiệm thu khống công trình khi chưa hoàn thành, ông Hoàng thừa nhận đây là việc làm hoàn toàn sai. "Về lý, việc làm này là sai nguyên tắc.
Nhưng cái tình là vì công trình trên núi, việc đi lại thi công khó khăn nên mình phải làm hồ sơ ứng trước để doanh nghiệp có điều kiện tập kết máy móc, công nhân thi công.
Khối lượng thi công cầu cũng khá phức tạp nên mình ứng trước cho họ để họ an tâm làm. Nhưng không ngờ gặp nhà thầu yếu nên 2 năm nay vẫn chưa xong" - ông Hoàng phân trần.
Ông Hoàng cho biết hiện đã giải ngân hết số tiền 123 tỉ đồng (phục vụ đầu tư dứt điểm 10km đầu tiên), tuy nhiên việc thi công mới được khoảng 7,8km.
Cũng theo ông Hoàng, ngoài khối lượng đã nghiệm thu thì vẫn còn khối lượng... xây lắp khoảng vài tỉ đồng chưa được đơn vị thi công thực hiện.
"Việc này từ năm 2016 đến nay chúng tôi đã rất nhiều lần đốc thúc, nhưng họ chưa thực hiện. Tiền đã giải ngân, giờ thay đổi đơn vị thi công thì rất phức tạp" - ông Hoàng nói.
Ông A Lăng Mai - chủ tịch UBND huyện Nam Giang - cho biết đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam xin chủ trương tiếp tục đầu tư và thay đổi chủ đầu tư với công trình này.
Trong đó cam kết UBND Nam Giang sẽ có trách nhiệm hoàn thành khối lượng thực hiện công trình đoạn 7,8km đầu tiên trong năm 2018 trong phạm vi vốn 123 tỉ đồng đã được cấp.
Theo đó, lý do của việc xin thay đổi chủ đầu tư (từ Ban quản lý các dự án đầu tư - xây dựng huyện Nam Giang chuyển chủ đầu tư cho huyện Tây Giang) là vì phần đường phải thi công còn lại trong dự án 32km chủ yếu nằm tại huyện Tây Giang.
Việc này sẽ thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng, tái định cư và tận thu lâm sản...
Có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại
Theo luật sư Đỗ Pháp - Đoàn luật sư Đà Nẵng, trong điều kiện đặc thù vẫn có thể ứng vốn cho đơn vị thi công nếu đảm bảo được các điều kiện tiến độ, chất lượng công trình và các nội dung nêu trong hợp đồng.
Khi đã bàn giao công trình thì phải tổ chức nghiệm thu. Lúc này các bên ký vào bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng thì mới thanh toán hết.
Về cơ bản, việc thanh toán giữa các bên phải căn cứ nội dung quy định trong hợp đồng.
Nếu đơn vị thi công đã nhận tiền mà không làm được thì các bên được quyền thông báo cho nhau thương lượng giải quyết. Không thương lượng được thì có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Cầm dao đằng lưỡi!
Ngày 29-9-2018, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản thông báo việc chưa có ngân sách để cho tiếp tục đầu tư với dự án tuyến đường 32km này, đồng thời cho phép dừng thực hiện dự án và quyết toán giai đoạn 1 đoạn 7,8km đầu tiên.
Ông Thái Minh Hoàng cho biết trên cơ sở văn bản cho phép quyết toán giai đoạn 1 sẽ tổ chức làm việc lại với đơn vị thi công về việc nghiệm thu toàn tuyến 7,8km (vì trước đây hợp đồng thi công 16km).
"Mình lỡ giao tiền cho họ nên giờ phải động viên họ hoàn thiện luôn để đóng hợp đồng. Chúng tôi sẽ yêu cầu họ phải hoàn thành khối lượng xây lắp còn lại trong năm nay" - ông Hoàng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận