Hoàng Nguyễn Thanh - nhà vô địch marathon VN năm 2020 - Ảnh: NHƯ Ý
"Tiền Phong marathon" là giải đấu duy nhất trong năm nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia của điền kinh VN dành cho các VĐV cự ly dài và marathon.
Không lập nổi đội tuyển quốc gia vì không có VĐV
Nhưng thật đáng buồn khi chỉ có 10 VĐV chuyên nghiệp nam, nữ được đăng ký tham dự giải ở cự ly marathon. Cự ly bán marathon 21km cũng không khá hơn là bao khi chỉ có 13 VĐV chuyên nghiệp nam, nữ dự thi.
Do chỉ có 3 VĐV dự thi nội dung marathon nữ hệ chuyên nghiệp nên dù chưa thi đấu, ba VĐV: Phạm Thị Hồng Lệ, Lèo Thị Tình, Hoàng Thị Ngọc Hoa đã chắc chắn có huy chương.
Trong khi phong trào marathon của cộng đồng đang phát triển rất mạnh thì đội tuyển marathon chuyên nghiệp VN lại ở trong tình trạng "suy dinh dưỡng nặng".
Cụ thể, ở mỗi giải chạy bộ phong trào đường phố hoặc đường núi thường có vài ngàn VĐV đăng ký tham dự cự ly marathon thì số VĐV tập luyện và thi đấu marathon chuyên nghiệp ở các tỉnh thành và đội tuyển quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Những năm qua bộ môn điền kinh còn không thể thành lập nổi đội tuyển marathon quốc gia vì không có VĐV.
Tập marathon, lương tháng không đủ mua giày
Marathon là môn thể thao vô cùng khắc nghiệt, đòi hỏi ý chí kiên cường của người tập luyện. Mặt khác, VĐV phải được đầu tư tốt về dinh dưỡng, trang thiết bị tập luyện, đặc biệt là giày chạy.
Nhưng hiện nay, kiếm được một tài năng marathon đã khó, đảm bảo điều kiện tập luyện cho họ lại càng khó hơn.
Anh Nguyễn Thuận, trưởng bộ môn điền kinh tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Tập marathon vất vả nên các VĐV trẻ thường không có đủ ý chí, bản lĩnh để theo đuổi.
Ngoài ra, điều kiện trang thiết bị tập luyện, dinh dưỡng... dành cho VĐV marathon ở các địa phương cũng rất thấp. Vì thế, chúng tôi không thể phát triển được nội dung marathon".
Là VĐV duy nhất tham dự cự ly marathon tại SEA Games 30 và đoạt HCĐ, VĐV Phạm Thị Hồng Lệ cho biết ở địa phương, cô chỉ có thể tập một mình vì cả tỉnh chỉ có mỗi cô theo marathon.
HLV Trần Văn Sỹ, đội tuyển điền kinh VN, cho biết thêm: "Cả đội tuyển điền kinh VN đang tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội hiện chỉ có Hồng Lệ là VĐV marathon. Vì thế, mỗi sáng tôi phải cho VĐV Lò Thị Thanh chạy cùng Lệ ở 21km đầu tiên. Sau đó tôi đưa Nguyễn Thị Oanh chạy cùng Lệ ở 5km, 10km tiếp theo.
Tại giải "Tiền Phong marathon", do quá ít VĐV chuyên nghiệp dự marathon nên tính cọ xát cũng bị giảm đi. Vì vậy, sắp tới tôi mong muốn có thể mời các VĐV marathon phong trào có khả năng chạy marathon dưới 4 phút/km tham gia tập luyện, thi đấu cùng Hồng Lệ".
Một nam VĐV dự "Tiền Phong marathon" nói với Tuổi Trẻ: "Để theo đuổi cự ly này với tôi thật sự rất khó khăn bởi tập luyện khắc nghiệt nhưng chế độ lương thưởng, dinh dưỡng của tỉnh rất thấp.
Tập marathon mà mỗi tháng tôi chỉ có 5-6 triệu đồng tiền lương, không đủ để mua một đôi giày tốt. Đó là lý do hiếm VĐV dám theo đuổi marathon".
Sẽ mở cửa đội tuyển marathon VN tại SEA Games 31?
Tại SEA Games 30, VĐV Prayogo Agus (Indonesia) giành HCV nội dung marathon nam với thời gian 2 giờ 26 phút 48 giây. Còn nhà vô địch marathon nam VN tại "Tiền Phong marathon" Hoàng Nguyễn Thanh (Bình Phước) cán đích với 2 giờ 36 phút 56. Khoảng cách của marathon chuyên nghiệp VN với các nước trong khu vực cũng còn tương đối xa.
Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT, cho biết ông vẫn đề xuất với Tổng cục TDTT cho phép tập trung đội tuyển marathon quốc gia.
Theo ông Thủy, các VĐV marathon phong trào VN hiện nay như: Cao Hà, Đinh Linh... có chế độ tập luyện, trang thiết bị, kiến thức hơn nhiều VĐV chuyên nghiệp, vì vậy việc tổ chức tuyển chọn VĐV phong trào vào đội tuyển marathon quốc gia dự SEA Games 31 ở Hà Nội cũng là một ý tưởng đang được nghiên cứu.
Nếu điều này xảy ra, SEA Games 31 sẽ là lần đầu tiên các VĐV phong trào giỏi nhất VN có cơ hội được tham dự trong màu áo đội tuyển VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận