05/11/2024 09:46 GMT+7

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sắp khép lại 'sứ mệnh lịch sử'

Nhiều năm tồn tại, nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) sắp khép lại "sứ mệnh lịch sử", đổi thay đúng như nhiều người nghĩ về ý nghĩa cái tên bình yên, hưng thịnh, hiền hòa...

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sắp khép lại "sứ mệnh lịch sử" - Ảnh 1.

Các khu dân cư quanh nghĩa trang đang dần hết phải đối diện cảnh nhếch nhác, ảm đạm để sắp được sống bên bóng mát công viên cây xanh và trường học

Trở lại Bình Hưng Hòa đầu tháng 11, những cơn mưa bất chợt đến rồi đi. Khác với cảnh nhếch nhác, ảm đạm mỗi độ mưa về trước đây, nghĩa trang giờ đây là màu xanh cỏ cây vừa được tắm mát sau cơn mưa.

Từ xanh tươi màu rau đến nghĩa trang u ám

Trong tiềm thức người dân TP, nhắc đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa ai cũng ngán ngẩm bởi câu chuyện về những cuộc đời lầm lạc, những cảnh người nghiện tụ tập cả đêm lẫn ngày. Với quy mô 44ha, nghĩa trang có quy mô lớn nhất TP.HCM.

Bà Lư Muội theo cha vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa sống từ trước năm 1975 lo việc chôn cất, bốc hài cốt giúp chùa Đại Giác.

Rồi bà lập gia đình đến khi có con cháu với bốn thế hệ quanh quẩn nơi mồ mả. Những ngày mới đến đất ruộng thênh thang, gia đình bà trồng rau, gánh ra chợ Bà Quẹo bán. Đến lúc mộ nhiều quá không thể trồng trọt, họ nhận trông coi mồ mả.

Bà Muội kể ngày trước nơi này hoang vắng nên là tụ điểm của ma túy, mại dâm. "Đi dọc các mộ là thấy kim tiêm chúng nó cắm đầy rẫy, không cẩn thận là dính ngay.

Còn mại dâm thì khỏi nói, sau mỗi đêm là đầy bao cao su trong các khu đất", bà Muội nói. Không chỉ vậy, đây cũng là nơi nhiều người bế tắc cuộc sống tìm đến để buông xuôi cuộc đời. "Có hôm sáng sớm thức dậy mở cửa nhà ra là thấy kế bên có người treo cổ tự tử.

Ban đầu còn sợ chứ sống mấy mươi năm rồi cũng quen", bà Muội nhớ lại.

Ngồi trên chiếc võng trong căn nhà dựng tạm bị tháo dỡ chỉ còn một phần vách ngăn đủ che nắng mưa, ông Lê Văn Cộng kể quãng đời hơn 40 năm gắn với nghĩa trang.

Nhà khó khăn, thời trai trẻ ông phải bám trụ ở khu đất Bình Hưng Hòa, kiếm sống bằng nghề trồng cải. Ông kể khi đó mảnh đất này chưa có nhiều mồ mả, người tha hương các nơi đến để trồng trọt các loại rau màu mưu sinh.

Sau đó, người dân tứ phương bắt đầu về đây chôn cất người thân, dần dần khu đất hoang sơ trở nên chằng chịt mộ.

Từ người nông dân, ông bất đắc dĩ trở thành người bốc mộ, trông coi mộ thuê và chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất này.

"Ngày xưa tầm 6h - 7h tối trở đi là không ai dám vào đây đâu. Chỉ có dân bốc mộ như mình quen nơi này mới dám ở lại". 

Với ông Cộng, nơi đây trước kia như một "xã hội" thu nhỏ, cưu mang phận người khó khăn và cũng ẩn chứa đủ loại tệ nạn.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sắp khép lại "sứ mệnh lịch sử" - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Cộng gắn bó 40 năm đời người với nghĩa trang chứng kiến rõ nét sự "thay da đổi thịt" từng ngày của nơi này - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Ngày trước sống một mình ở đây, con cái ở xa cứ bất an, lo lắng kêu về sống cùng chúng nó nhưng giờ nghĩa trang đã yên bình hơn nhiều.
Ông Lê Văn Cộng

Đời người cuốn theo nghĩa trang

Len lỏi vào con đường đất từ hướng đường Bình Long, thấy từ xa một dãy nhà còn hiện hữu. Đó là nơi sinh sống của những hộ dân đầu tiên của nghĩa trang Bình Hưng Hòa, cũng là những ngôi nhà không phải di dời theo dự án.

Ngồi bên chiếc máy may cũ, lạch cạch gia công các mặt hàng trước khi trời sập tối, bà Huỳnh Thị Nhiên chia sẻ cuộc sống thăng trầm khi "tòng phu" nơi này.

Năm 1997, bà Nhiên lấy chồng và bắt đầu về sống tại nghĩa trang. Bà kể lúc mới về mồ mả đã có rất nhiều và ma túy tràn lan, có lúc con nghiện chích ngay trước mặt.

Có lần họ bị sốc thuốc, ngã ngay trước cửa, bà phải dẹp qua nỗi sợ mà nặn chanh vào miệng sơ cứu cho họ. "Cứ hễ 4h - 5h sáng là họ lại lượn lờ trước cửa nhà.

Sống dần cũng quen, họ không làm hại gì mình nhưng đôi khi nhà cũng mất đồ đạc. Cái mình lo là con nhỏ lớn lên trong môi trường này phải chứng kiến các tệ nạn ngay trước mặt", bà Nhiên nói.

Nghe vợ tâm tình, ông Trương Văn Lang cũng bồi hồi nhớ lại những ngày khó khăn sau giải phóng. "Ngày xưa nghĩa trang rất phức tạp.

Ai cũng khổ, nơi đây trở thành nơi chôn cất của người dân từ khắp nơi. Rồi những đứa trẻ nghèo, gọi là đội quân đắp mộ cũng xuất hiện mưu sinh", ông Lang kể.

Không chỉ vậy, nơi đây còn là chốn tụ về của những băng nhóm giang hồ thường xuyên quậy phá khiến người dân sống trong lo sợ. "Có khi chúng tôi bị mất gà vịt mà không dám lên tiếng. Lên tiếng là xô xát, đánh nhau", ông nhớ lại quãng thời gian tối tăm mà lắc đầu ngán ngẩm.

Nghĩa trang chuyển mình, phận người sang trang

Khu nhà bà Lư Muội sống thuộc giai đoạn đầu tiên bốc mộ của dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, nên từ năm 2017 gia đình bà đã chuyển đi nơi khác. Được chính quyền hỗ trợ một số vốn, bà đưa cả gia đình về Bình Chánh dựng xây căn nhà mới khang trang hơn.

Người đàn bà tảo tần ngày nào giờ đã an hưởng tuổi già, con cái bắt đầu công việc mưu sinh mới, cháu nhỏ bắt đầu đến trường. Mỗi độ có dịp ngang qua chốn cũ, nhìn màu cỏ xanh phủ kín lối vào nhà ngày xưa, bà nghĩ đến mai này sẽ có ngôi trường đầy ắp tiếng học trò hò reo nơi đây.

Tương tự, ông Cộng cũng được chính quyền hỗ trợ di dời đi nơi khác, căn nhà lụp xụp ngày nào được tháo dỡ, các mộ phần lộn xộn quanh nhà cũng được bốc đi, chỉ còn một mảng tường và mái che nhỏ. Dù đã về sống cùng con cái ở nơi khác nhưng lâu lâu ông vẫn đến chốn cũ.

Ngồi trên chiếc võng mắc ngang mái hiên còn sót lại, xung quanh ông Cộng là màu xanh của cỏ dại thay thế dần những ngôi mộ. "Ngày trước sống một mình ở đây con cái ở xa cứ bất an, lo lắng kêu về sống cùng chúng nó nhưng giờ nghĩa trang đã yên bình hơn nhiều", ông Cộng ngồi võng, vuốt ve những chú chó đã cùng ông một thời phiêu bạt nơi này.

Còn vợ chồng ông Lang có nhà không thuộc diện di dời, họ bắt đầu an cư sáng sủa hơn. "Bây giờ yên tĩnh, không có gì hết, tệ nạn không còn, mồ mả cũng được di dời dần", ông Lang tâm tình.

Từ ký ức u tối, vợ chồng ông Lang nhận thấy sự chuyển mình của nghĩa trang Bình Hưng Hòa và yên tâm gắn bó cuộc đời còn lại để chứng kiến tương lai con cháu.

Cuộc đổi thay lớn lao đã và đang đến để Bình Hưng Hòa được đúng như cái tên của mình - nơi chốn bình yên, hưng thịnh, hiền hòa...

Đầu năm 2025 sẽ xây trường tiểu học

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa hình thành từ khoảng năm 1975, có quy mô hơn 44ha với khoảng 74.000 mộ. Từ năm 2010, chính quyền TP.HCM đã chủ trương di dời nghĩa trang này để chỉnh trang đô thị.

Dự án được chia ba giai đoạn. Giai đoạn 1 và 2 đã di dời khoảng 33.000 ngôi mộ và lò thiêu với gần 30ha. Giai đoạn 3 bắt đầu triển khai và bốc được khoảng 5.000 ngôi mộ, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Khu đất 12ha nằm trên đường Tân Kỳ Tân Quý và Hương lộ 3 của giai đoạn 1 được chọn làm nơi xây dựng trường tiểu học, dự kiến khởi công đầu năm 2025, quý 3-2025 sẽ tiếp tục khởi công xây trường trung học cơ sở 0,8ha.

Sau khi hoàn tất ba giai đoạn bốc mộ, nơi này sẽ có hai trường học, phần diện tích còn lại khoảng 30,5ha sẽ xây dựng công viên cây xanh phục vụ người dân.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sắp khép lại "sứ mệnh lịch sử" - Ảnh 3.Nghĩa trang Bình Hưng Hòa bắt đầu bốc mộ giai đoạn 3

Dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa gần như hoàn tất công tác bốc mộ ở 2 giai đoạn đầu, bắt đầu giai đoạn 3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp