10/11/2024 16:00 GMT+7

Nghĩa tình của người xứ Thanh với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

Bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, tình nghĩa đồng bào Bắc - Nam ruột thịt, Thanh Hóa đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón hàng chục chuyến tàu cập bến Sầm Sơn; hỗ trợ đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam ở lại xứ Thanh học tập, lao động.

Nghĩa tình của người xứ Thanh với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh 1.

Công trình “Con tàu tập kết” tại Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Năm nay tròn 70 năm, tỉnh Thanh Hóa đón tiếp đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Ngần ấy năm, nghĩa tình của người xứ Thanh với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc vẫn nguyên vẹn.

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất đón đồng bào miền Nam

Cách đây 70 năm, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cùng với các tỉnh Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng là nơi đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Địa điểm đón tiếp được Thanh Hóa chọn là cửa Hới - nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn.

Nghĩa tình của người xứ Thanh với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh 2.

Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, tối 27-10 - Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa ung cấp

Ngày đó Thanh Hóa còn rất khó khăn do chiến tranh, thiên tai tàn phá, nhưng bằng trách nhiệm, tình cảm đồng bào Bắc - Nam ruột thịt, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của Trung ương Đảng và Chính phủ giao.

Ngày 9-9-1954, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra chỉ thị số 221 về việc tiếp đón bộ đội, cán bộ và đồng bào Nam Bộ.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa luôn xác định việc đón tiếp, giúp đỡ công ăn việc làm cho cán bộ và đồng bào miền Nam là trọng yếu. 

Chẳng những có ảnh hưởng, tác dụng chính trị rất lớn đối với những người ra ngoài này, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần đồng bào miền Nam trong kia.

Việc đón tiếp đồng bào miền Nam là nhiệm vụ, vinh dự và trách nhiệm cao cả, phải biểu thị được sự vui mừng, phấn khởi như đón tiếp những người anh em, bà con, người bạn. 

Biểu hiện được tính chất thiêng liêng Trung - Nam - Bắc một nhà, đoàn kết, thân ái với nhau.

Đón tiếp hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, để đón tiếp đồng bào miền Nam, hàng ngàn công nhân, người dân tự nguyện tham gia xây dựng các công trình đón tiếp. Hàng vạn cây nứa, luồng, gỗ; hàng vạn lá kè, hàng trăm tấn củi từ miền núi xứ Thanh được đưa xuống Sầm Sơn kịp thời để làm nhà đón tiếp, nhà ở, nhà ăn, giường nằm sạch đẹp.

Nghĩa tình của người xứ Thanh với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh 3.

Các kỷ vật trong phòng trưng bày tại Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Nhằm chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra tập kết, ngay từ những ngày đầu Trung ương đã giao cho Thanh Hóa xây dựng một bệnh viện tranh tre nứa lá, quy mô 800 giường bệnh do Bộ Y tế quản lý, có sự hỗ trợ kỹ thuật của bệnh viện tỉnh.

Nhân dân các huyện miền xuôi hăng hái ủng hộ lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn, như huyện Nông Cống, Đông Sơn ủng hộ 600 con bò, 700 con lợn, 15.000 con gà vịt, 12 vạn quả trứng. 

Các huyện Nga Sơn, Quảng Xương cung cấp 8.384 đôi chiếu. Các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định may 2.800 màn cá nhân, 1.000 màn đôi, 4.100 mền chăn và 1.450 cốt áo bông. 

Các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, thị xã Thanh Hóa cung cấp 49.000 bộ quần áo bà ba, 6.161 đôi dép cao su…

Nghĩa tình của người xứ Thanh với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh 4.

Bữa cơm trưa của học sinh miền Nam tại Sầm Sơn cách đây 70 năm - Ảnh HÀ ĐỒNG chụp lại từ ảnh tư liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cung cấp

Sau khi chuẩn bị đủ các điều kiện, ngày 25-9-1954, tại bến Sầm Sơn - nay là cảng cá Lạch Hới, TP Sầm Sơn rực rỡ cờ hoa chào đón chuyến tàu đầu tiên đưa đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Từ ngày 25-9-1954, đồng bào xứ Thanh đón những người con miền Nam ra Bắc tập kết như đón những người ruột thịt.

Theo số liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cung cấp, trong 9 tháng (từ tháng 9-1954 đến tháng 5-1955), Thanh Hóa đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu. Trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ...

Đồng bào miền Nam ở lại xứ Thanh

Sau khi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam lên bờ được ban đón tiếp và nhân dân Sầm Sơn đưa vào các lán trại chuẩn bị sẵn để nghỉ ngơi, chăm sóc. 

Trong lúc chưa đủ lán trại, nhân dân xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn lúc bấy giờ đưa đồng bào về gia đình mình để chăm sóc.

Nghĩa tình của người xứ Thanh với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh 5.

Du khách tham quan Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Sau công tác đón tiếp an toàn, chu đáo đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc được phân công tới khắp các tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng để lao động, học tập và công tác.

Đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ở lại, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định bố trí, sắp xếp việc làm, đảm bảo đời sống lâu dài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa lúc này.

Đối với 5.735 học sinh, sau khi chuyển đến các tỉnh, còn lại ở Thanh Hóa 2.631 em được chia về 12 trường trong 9 xã ở huyện Quảng Xương (cũ) như: Quảng Châu, Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng Tâm, Quảng Định, Quảng Cát, Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Lộc. 

Sau một thời gian học tập, đa số các em được chuyển ra các trường học sinh miền Nam ở Hà Nội, Hải Phòng… tiếp tục học tập.

Các cụ cao tuổi miền Nam được Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa đón tiếp, nuôi dưỡng chu đáo. Tiêu biểu như huyện Vĩnh Lộc được chọn làm nơi đón tiếp, chăm sóc 225 cụ miền Nam thuộc tỉnh Bình Định ra tập kết.

Đối với các gia đình miền Nam, tính đến ngày 15-5-1955 ở Thanh Hóa có 90 gia đình, trong đó 29 gia đình bộ đội, 61 gia đình cán bộ và công nhân viên cơ quan, xí nghiệp.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết xung phong, xung kích đi xây dựng 12 nông, lâm trường tại Thanh Hóa.

Trong đó, tại vùng kinh tế Lam Sơn có 3 nông trường (Sông Âm, Lam Sơn, Thống Nhất); vùng kinh tế phía Bắc có 4 nông trường (Hà Trung, Vân Du, Thạch Thành, Thạch Quảng); vùng kinh tế phía Tây Nam có nông trường Yên Mỹ.

Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở lại xây dựng các nông, lâm trường coi Thanh Hóa như quê hương thứ hai của mình, có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Thanh Hóa.

Nghĩa tình của người xứ Thanh với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Doãn Anh - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, tối 27-10 - Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ung cấp

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc do tỉnh Thanh Hóa tổ chức tối 27-10 vừa qua, ông Nguyễn Doãn Anh - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - cho biết tại TP Sầm Sơn, trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam và nhân dân Thanh Hóa mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, biểu tượng sáng ngời của chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". 

Tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn.

Sau hai năm khởi công xây dựng, các hạng mục công trình khu A đã hoàn thành, nổi bật là cụm tượng đài "Con tàu tập kết" và bức phù điêu hình cánh cung. 

Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, điểm hấp dẫn du khách khi đến Sầm Sơn.

"70 năm đã trôi qua, nghĩa tình của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa dành cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết, thêm lần nữa khẳng định chân lý "Bắc - Nam một nhà", "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" - là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh.

Nghĩa tình của người xứ Thanh với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc - Ảnh 7.Bác Hồ thương Đoàn cải lương Nam Bộ, thương những người con tập kết xa nhà

'Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thương nghệ sĩ vì Bác biết chúng tôi có nỗi niềm riêng. Đặc biệt Bác càng thương Đoàn cải lương Nam Bộ hơn vì là những người con xa nhà, tập kết ra Bắc' - đạo diễn Thanh Hạp nói.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp