28/05/2014 11:12 GMT+7

Nghĩa nước tình nhà

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TT - Người cảnh sát biển nào khi ra khơi xa bám biển, bám đảo để giữ vững chủ quyền của Tổ quốc cũng mang nặng trong tim mình tình cảm gia đình, quê hương.

XtulabFU.jpgPhóng to
Những ngày nghỉ phép, trung úy Đăng và vợ luôn ở bên mẹ đang bị bệnh nặng - Ảnh: CTV

Với trung úy Phạm Khả Đăng, 27 tuổi, thuyền phó tàu 4033 Cảnh sát biển vùng 2, tình cảm ấy còn trĩu nặng hơn khi bố mẹ anh ở quê nghèo đang lâm bạo bệnh.

Chiều 26-5 chúng tôi đi qua nhiều cánh đồng, cồn cát trắng xóa rẽ theo con đường bêtông nhỏ dẫn vào xóm Bắc Dinh, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tìm đến nhà trung úy Đăng. Trong ngôi nhà cấp 4 vắng lặng và nóng nực, mẹ anh là bà Nguyễn Thị Tịnh (52 tuổi) đang nằm trên chiếc giường lò xo. Thấy khách đến, bà gắng ngồi dậy, một tay chống xuống giường, một tay đỡ cổ quấn nhiều lớp băng. Bà bảo: “Con trai đầu về chăm mẹ được mấy ngày vừa đi hôm qua, chắc là tối nay xuống tàu ra biển. Tôi nằm đây nhưng vẫn biết tình hình ngoài biển Đông đang căng thẳng lắm nên giục con đi cho hoàn thành nhiệm vụ”.

Bố mẹ gần đất xa trời

“Vì Tổ quốc cần”

Đó là lời của trung úy Phạm Khả Đăng khi anh không thể ở lại chăm sóc mẹ ở quê nhà đang bị ung thư để trở lại đơn vị làm nhiệm vụ.

Sáng 26-5, trung úy Đăng cho biết đang chuẩn bị cùng tàu 4033 ra vùng biển Hoàng Sa để xua đuổi giàn khoan 981 của Trung Quốc. Anh nói: “7g sáng 25-5, tôi được vợ chở đi đón xe vào đơn vị. Trước khi đi, nhìn mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, tôi không sao kìm được lòng mình. Nhưng vì chủ quyền biển đảo quốc gia, tôi phải nén nỗi đau này để lên đường...”.

Năm 2011, Đăng tốt nghiệp Học viện Hải quân và nhận công tác tại hải đội 201 Vùng cảnh sát biển 2. Không lâu sau, anh được bổ nhiệm làm thuyền phó tàu 4033 và con tàu này đang tả xung hữu đột với đội tàu hung hãn của Trung Quốc.

Bà Tịnh bị bạo bệnh từ tháng 11-2013. Lúc đầu tưởng là đau thường nên vẫn gắng đi làm ruộng. Đến khi quanh cổ nổi hạch, đau nhức hơn nên gia đình đưa đi bệnh viện tỉnh. Bác sĩ bảo bà bị zona (giời leo) nhưng điều trị năm tuần không đỡ, bà xin về đi chữa trị nhiều nơi. Do không nơi nào chữa khỏi, bà ra Viện Da liễu trung ương, Bệnh viện 108 rồi cuối cùng đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai mới biết bị ung thư da. Nay bà chưa xạ trị được vì sức còn yếu, bác sĩ hẹn về nhà truyền đạm cho khỏe rồi mới xạ trị được. Bà kể: “Nghe tin mẹ bị ung thư nên Đăng xin đơn vị cho nghỉ phép. Về nhà biết mẹ đang điều trị ở Hà Nội nên Đăng ra chăm. Chăm được mấy hôm Đăng phải quay về nhà đưa bố đi viện vì bố nằm liệt giường hơn năm nay”.

“Chồng tôi bị tai biến mạch máu não từ tháng 4-2013 thì bảy tháng sau tôi lâm bệnh”. Bà Tịnh xoay người đỡ cái cổ đau nói giọng cảm động: “Hôm qua con tôi chưa hết phép nhưng nó vẫn lên viện điều dưỡng thăm bố rồi về xin tôi vào đơn vị gấp. Hình như nó nóng ruột với công việc của đơn vị thì phải. Tôi cũng chỉ biết động viên con đi chân cứng đá mềm, hoàn thành nhiệm vụ rồi về với mẹ. Bệnh của bố mẹ còn đau ốm dài ngày”.

Bố của anh Đăng là ông Phạm Khả Thảo (55 tuổi), ngoài việc cùng vợ cày 8 sào ruộng còn làm thợ xây mới đủ sức nuôi bốn con học đại học. Năm ngoái ông bị vỡ động mạch phải cấp cứu nên mọi gánh nặng đồng áng đều do bà Tịnh lo. Bà Tịnh làm quần quật suốt ngày nhưng về nhà là ngồi đỡ chồng trên tay. Ngờ đâu ông Thảo chưa khỏi thì bà Tịnh lâm bệnh. Con cái thì đi xa. Được cái cả ba đứa con trai đều là bộ đội.

Vợ trẻ thay chồng

Trước tình cảnh nhà neo người, em trai kế trung úy Đăng là Phạm Khả Khoa đang học chuyên ngành lái tàu ngầm tại Học viện Hải quân Nga, em gái Phạm Thị Thành là SV năm 4 Trường đại học Hà Tĩnh, em thứ tư là Phạm Khả Kính đang học tại Học viện Hậu cần, nên Đăng bàn với vợ mới cưới là Nguyễn Thị Mận (25 tuổi, giáo viên Trường mầm non quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) xin tạm nghỉ về chăm bố mẹ thay mình. Nhắc lại chuyện này, bà Tịnh lại cảm động nói: “Con tôi cưới vợ hôm 19-1. Cưới được năm hôm rồi vô đơn vị nhận nhiệm vụ. May mà có cô con dâu này, nếu không chẳng biết cậy nhờ ai khi lâm nguy đêm hôm. Thấy vợ về chăm bố mẹ chồng, con trai tôi đi xa cũng đỡ lo về nhà”. Lúc này Mận mới nói: “Tối qua anh Đăng điện về báo đã vào đến đơn vị, đang chờ lệnh là đi. Anh dặn tôi ở nhà gánh thêm phần trách nhiệm của anh, chăm bố mẹ từng thìa cháo, ngụm nước. Tôi nói với chồng là anh cứ yên tâm công tác. Trước khi trở thành sinh viên em cũng chịu khó, chịu khổ nhiều rồi”.

Rời ngôi nhà giữa bốn bề cát nắng, chúng tôi quay về Bệnh viện điều dưỡng Hà Tĩnh thăm ông Thảo đang điều trị tại đây. Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hoài Linh và em gái trung úy Đăng là Phạm Thị Thành đang dìu ông Thảo lên xe lăn, di chuyển đến phòng tập vật lý trị liệu. Khi nhắc đến trung úy Đăng về phép vội vàng mấy ngày rồi đi, ông Thảo nói giật giật từng tiếng một: “Tôi cũng là bộ đội, bị thương ở chiến trường Campuchia năm 1979. Giờ có ba con đều là bộ đội, mỗi đứa một lĩnh vực nhưng cảnh sát biển đang nhiều công việc đấy. Hôm con đến chào để vào đơn vị, tôi dặn: Hai em đang ở xa nhưng con cứ an lòng mà đi. Đời bố lấy xóm làng đây đó làm nhà, nay đời con nhà cửa, quê hương là biển cả đấy. Con trai nghe vậy đã rưng rưng nước mắt”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp