Các VĐV đội Maseco TP.HCM ăn mừng chức vô địch sau chiến thắng trước Sanest Khánh Hòa trong trận chung kết đêm 28-11 tại TP.HCM - Ảnh: T.P. |
Tôi dùng chữ xã hội hóa thực thụ nghĩa là không phải xã hội hóa trên giấy tờ mà xã hội hóa được triển khai một cách thiết thực từ việc chuyển đổi cơ chế. Xin hãy đi từ câu chuyện rất cụ thể của Công ty Maseco với đội bóng chuyền TP.HCM.
Trước khi nhận tài trợ cho đội bóng chuyền TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Hàn (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Maseco) được người trong làng bóng chuyền TP đánh tiếng nên tài trợ cho đội bóng chuyền của một tỉnh lân cận hiện đang nằm trong tốp 4 quốc gia. Họ nói “đội TP.HCM đã xuống hạng mà tài trợ thì đâu có tác dụng quảng bá thương hiệu”. Ông Hàn từ chối vì “Maseco là doanh nghiệp TP, người của TP, nếu tài trợ thì chỉ tài trợ cho đội bóng chuyền TP” mà thôi.
Khi lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM ngỏ lời mời Maseco tài trợ cho bóng chuyền TP, ông Hàn đồng ý với một yêu cầu: chuyển đội bóng chuyền nam TP về Trung tâm TDTT quận Phú Nhuận để thay đổi cách thức quản lý, điều hành như lâu nay và để nhà tài trợ có điều kiện gần gũi, gắn kết, chăm lo thiết thực cho đứa con tinh thần của mình. Đây là một điều kiện rất “sốc” với ngành thể thao TP.
Nhưng người phụ trách, ông Mai Bá Hùng - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP - đã ủng hộ ý tưởng mới mẻ này. Ở đây phải khen ông Hùng là một người mạnh dạn dám chia sẻ “quyền lực lãnh đạo” vì nhiều vị, nhiều nơi, dù không có năng lực quản lý vẫn không tin tưởng, không chịu thay đổi cách thức quản lý, không giao các đội thể thao về cho cơ sở.
Đây là bước đầu tiên để bóng chuyền TP có thể có được những bước nhảy cao đầu tiên. Không phải lúc ấy không có lời ra lời vào: “Trung tâm cấp quận làm sao có đủ năng lực quản lý đội bóng chuyên nghiệp để có thể đưa nó lên tầm quốc gia được...”.
Nhiều doanh nghiệp, đôi lúc vì “miếng cơm manh áo”, vì “nghĩa vụ” hay “dự án” mà phải tham gia xã hội hóa một cách thụ động, miễn cưỡng, đồng nghĩa với việc phải bỏ một số tiền tài trợ nhưng chẳng cần quan tâm đến hiệu quả hoặc đồng tiền của mình được các đơn vị tiếp nhận sử dụng ra sao. Maseco thì ngược lại. Là doanh nghiệp tài trợ một cách tự nguyện vì yêu thể thao, mong muốn môn bóng chuyền, vốn là một môn thế mạnh của TP nhưng vì nhiều lý do đã sa sút, rớt hạng nên đầu tư thật sự.
Chi tiền, không nhận “lại quả”, cũng không thông qua môi giới, đội bóng chuyền Maseco TP.HCM được nhận đủ số tiền doanh nghiệp chi (chỉ phải ngắt một khúc để nộp thuế mà thôi). Lãnh đạo Maseco cùng lãnh đạo Trung tâm TDTT quận Phú Nhuận ký thỏa thuận cụ thể các khoản chi thường xuyên cho hoạt động của đội bóng như: tiền lương, thưởng, ăn uống, mua sắm dụng cụ luyện tập, thi đấu, chữa trị chấn thương... và Maseco luôn giám sát việc sử dụng tài chính cho đúng theo hợp đồng, thậm chí cùng bàn bạc thống nhất với Trung tâm TDTT Phú Nhuận các giải pháp để chiêu mộ HLV, VĐV có trình độ chuyên môn tốt về với đội bóng. Lãnh đạo Trung tâm TDTT, ban tổng giám đốc Maseco đi sát với nhau trong từng mùa giải, chập chững, kiên trì vượt từng thứ hạng trong từng mùa cho đến ngày hôm nay, lấy lại vị trí hàng đầu cho bóng chuyền TP sau 17 năm ê chề.
Bài học từ việc xã hội hóa đội bóng chuyền Maseco TP.HCM có giúp ích gì cho các bộ môn mà ngành thể thao đang gặp khó khăn hiện nay hay không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận