Các bạn nhỏ tham gia Kid’s lab ngày 23-10 - Ảnh: T.T.D. |
1. Các học sinh Trường tiểu học Mỹ Thủy (Q.2) trố mắt ngạc nhiên vì thấy các ly chứa dung dịch iốt đổi thành nhiều màu khác nhau sau khi hòa cùng nước ép chanh, dưa hấu...
Trong một thí nghiệm khác, các bạn đặc biệt tò mò về chất mang tên sokalan. Chất này giúp vải tránh bị lem màu và giặt sạch dễ dàng hơn cả bột giặt thông thường dù bị ngâm trong thuốc nhuộm.
Diễn biến kỳ lạ từ các lọ bột, lọ dung dịch kéo các bạn nhỏ say sưa nghe các anh chị hướng dẫn giải thích về tính chất hóa học của các chất hiện diện, về nguyên tắc biến đổi.
“Vitamin C ở đâu?” và “Vớ đỏ” là hai thí nghiệm được đưa vào ba buổi ngoại khóa dành cho học sinh Trường Mỹ Thủy (Q.2), Lê Văn Việt (Q.9), Lương Thế Vinh (Thủ Đức), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Gò Vấp) và bạn nhỏ ở mái ấm Thiên Phúc (Củ Chi).
Được xây dựng theo mô hình phòng thí nghiệm đơn giản, chương trình giáo dục tương tác “Kid’s lab” (Thí nghiệm cho bé) do Công ty BASF VN và Phòng giáo dục tiểu học Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM phối hợp tổ chức.
Từ năm 2011 đến nay, có hơn 1.500 học sinh tiểu học làm quen với hóa học qua việc biến nước bẩn thành nước sạch khi lọc bằng than hoạt tính, trữ nước qua chất polymer siêu thấm nhằm áp dụng trong trồng trọt ở nơi khô hạn, pha chế kem chống nắng bảo vệ da, cách giữ vải bền màu và giúp vải tránh lem màu... qua “Kid’s lab”.
Các bạn nhỏ chắc chắn chưa hiểu hết lời giải thích về hiện tượng hóa học từ người hướng dẫn thực hiện thí nghiệm. Nhưng cách các bạn nhỏ ngạc nhiên, hồ hởi, cẩn trọng trong từng thí nghiệm mới là điều mà ban tổ chức mong muốn. Quốc Huy (học sinh lớp 4/4 Trường tiểu học Mỹ Thủy) kéo tay người hướng dẫn hỏi: “Lát nữa con có được mang đồ về làm thí nghiệm tiếp ở nhà không?”...
2. Một trong số ít trường học tại TP.HCM mạnh dạn và chịu khó dạy kiến thức, kỹ năng học sinh qua trực quan sinh động là Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3).
Học sinh của trường đã được đưa xuống... ruộng học về quá trình chăm sóc và trưởng thành của cây lúa; quan sát trứng ốc bươu, con ếch; rửa mặt bằng nước mưa đựng trong lu, xem bầy gà thả trong vườn, ngắm cây ổi đang ra quả.
Các bạn còn học yêu thương, tập tự giác làm những điều nho nhỏ cho mình mà không cần nhờ ba mẹ qua buổi tiếp xúc, trò chuyện với các anh chị khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu...
Những buổi học ngoại khóa như thế chỉ mới là “gia vị” cho quá trình học 12 năm của một nhóm nhỏ học sinh. Nếu được chăm chút hơn, được mở rộng hơn, chắc hẳn những buổi học đó sẽ trở thành “ngày hội kiến thức” được tất cả bạn nhỏ trông chờ và tham gia hào hứng nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận