Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Đây là một công việc đầy áp lực như chúng ta có thể đọc được qua tâm sự của chính các em đang giữ vai trò làm lớp trưởng:
- Áp lực từ phía thầy cô (phải bảo đảm lớp học tuân thủ nội quy và tham gia tốt các phong trào, nếu không có thể bị khiển trách, phạt),
- Áp lực từ phía bạn bè cùng lớp (phải luôn là người dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, phải đương đầu với sự chống đối từ tập thể và đôi khi cả sự đố kỵ, ghen ghét).
Vì sao chúng ta đặt một em học sinh trong tập thể vào vai trò khác biệt như thế chỉ để giúp đỡ giáo viên bớt áp lực quản lý lớp?
Vì sao chúng ta đặt một em học sinh vào sự kỳ thị của tập thể lớp chỉ vì nghĩ rằng chính các em có thể hiểu và “trị” nhau tốt hơn chúng ta?
Việc trả lương có làm cho các em bớt các áp lực sẵn có hay không, hay lại đặt thêm áp lực của người được trả tiền để làm việc vào các em quá sớm?
Hay sẽ tạo ra một thế hệ làm việc vì tiền chứ không hẳn là làm việc vì tinh thần trách nhiệm và đam mê?
Những câu hỏi này cần rất nhiều tranh luận và phản biện để có thể có câu trả lời rõ ràng.
Từ góc độ của một phụ huynh, với mong muốn trường học là nơi con mình được trải nghiệm đa dạng về kiến thức, kỹ năng sống và thái độ sống, tôi đề nghị chúng ta nên nhìn nhận lại việc tạo ra vị trí lớp trưởng và ai nên là người tham gia vào vị trí đó.
Lớp trưởng, chính xác là một người trưởng nhóm, có khả năng lãnh đạo một tập thể làm những việc cụ thể theo một định hướng nào đó với những cách thức sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm lý sinh lý của lứa tuổi các em chứ không nên rập khuôn theo việc người lớn (ở đây là giáo viên) chỉ đạo gì thì làm nấy. (Những người lãnh đạo thành công trong xã hội đa số dựa trên sự sáng tạo chứ không dựa trên công thức hoặc lối mòn).
Khi lựa chọn một cá nhân làm lớp trưởng trong suốt một năm học (và thậm chí có những em làm lớp trưởng chuyên nghiệp suốt 12 năm đi học), nghĩa là chúng ta đã tước đi cơ hội được trải nghiệm làm thế nào để lãnh đạo người khác của cả một tập thể còn lại.
Ngược lại, chúng ta cũng tước đi quyền được là một học sinh bình thường được phép phạm sai lầm, được phép nghịch phá như các bạn cùng độ tuổi… của em học sinh được chọn làm lớp trưởng đó.
Như vậy có phải chúng ta vô tình tạo ra sự mất công bằng ngay trong môi trường giáo dục nơi chúng ta luôn đề cao tính bình đẳng của các em hay không?
Chúng ta yêu cầu bình đẳng từ quần áo giày dép cặp sách bút viết tập vở, trường nào cũng có đồng phục riêng, những quy định về cặp sách giày dép tập vở riêng mà lại bỏ qua bình đẳng về quyền được trải nghiệm của các em.
Như vậy thực tế chúng ta chỉ mới cố gắng bình đẳng về mặt hình thức chứ chưa thực sự công bằng về “chất” đối với các em.
Thay vì chỉ định một em học sinh nổi trội về mọi mặt giữ vị trí lớp trưởng trong suốt năm học với chủ đích làm giúp việc cho giáo viên, tại sao chúng ta không cho các em luân phiên làm lớp trưởng với chủ đích cho các em cơ hội được đặt mình vào vị trí lãnh đạo?
Việc luân phiên làm lớp trưởng sẽ tạo ra môi trường bình đẳng và thấu hiểu cho tập thể lớp.
Bất kỳ bạn nào trong lớp cũng đều trải qua những ngày làm quen với việc giúp lớp học của mình nề nếp, trật tự, bất kỳ bạn nào cũng trải qua cảm giác bất lực khi mình không điều khiển được các bạn khác, cảm giác vui mừng và tự hào khi cả lớp được khen dưới sự điều khiển của mình và sự hưởng ứng của các bạn.
Bất kỳ bạn nào cũng hiểu rằng sẽ có một ngày mình sẽ giữ vị trí đó, và khi gặp khó khăn trong thời gian giữ vị trí đó, sẽ nhớ lại những cách làm hay của các bạn đã làm lớp trưởng trước mình để áp dụng, bất kỳ bạn nào cũng phải có thời gian phải động não, phải sáng tạo để điều khiển tập thể theo ý mình.
Và như vậy, khi ở vai trò là một học sinh bình thường, bất kỳ bạn nào cũng hiểu được những khó khăn của bạn đang ở vai trò lớp trưởng (vì mình cũng đã trải qua) và sự hợp tác giữa các em sẽ tốt hơn.
Nếu áp dụng hình thức luân phiên làm lớp trưởng trong suốt 12 năm học, ít nhất mỗi em học sinh sẽ có được 12 tuần trải nghiệm làm lớp trưởng và chắc chắn những trải nghiệm này sẽ có ích cho các em trong việc thiết lập quan hệ với những người xung quanh, xử lý các mối quan hệ, xử lý các vấn đề trong tập thể.
Vị trí lớp trưởng nên là một “cửa ải” rèn luyện thêm kỹ năng cho các em chứ không nên là một vị trí đầy áp lực và đôi khi đi kèm với đặc quyền đặc lợi.
Nếu chúng ta mong muốn giáo dục làm đúng sứ mệnh đào tạo con người và hình thành nhân cách, thì nên thay đổi cách nhìn nhận về vị trí lớp trưởng và vai trò của nó trong nền giáo dục, đừng nên tiếp tục tạo ra một tầng lớp học sinh phải chịu áp lực “danh lợi” quá sớm.
Hãy để “lớp trưởng” là một nhiệm vụ ai cũng được làm, phải làm, giống như hoạt động trực nhật vệ sinh lớp học, để ai cũng từng là lớp trưởng, và học được nhiều bài học thực tế từ kinh nghiệm làm lớp trưởng của chính mình và từ các bạn.
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Lập Xuân? Bạn có đồng tình với lập luận nên luân phiên việc làm lớp trưởng? Hãy chia sẻ những câu chuyện, suy nghĩ của bạn qua email gửi đến [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận