Ông Nguyễn Xuân Yến và cái tô đồ sứ ký kiểu thời các vua Nguyễn - Ảnh: Thái Lộc |
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3:
>> Kỳ 4:
>> Kỳ 5:
Nghi vấn này có từ suốt hơn mười năm qua, trong khi cơ quan chức năng vẫn “chọn giải pháp” im lặng.
Một buổi chiều muộn của năm 2001, ông Nguyễn Xuân Yến - chủ nhân tiệm đồ lưu niệm - cổ vật tại số 51 Lê Lợi, TP Huế (bây giờ) - chuẩn bị đóng cửa tiệm thì có một thanh niên bước vào.
Lô đồ cổ gây choáng
Anh ta đứng tần ngần trước tủ đồ cổ bằng sứ. Sáng sớm hôm sau, vừa mở cửa hàng, cũng người thanh niên ấy với balô trên vai bước vào cười chào ông Yến bằng giọng Bắc.
Sau lời thăm hỏi, người thanh niên cho biết quê gốc Nam Định, vào Huế bán lô đồ sứ ký kiểu cổ cho một người thân.
hi người này lấy đồ ra khỏi balô, ông Yến thấy choáng vì đây đều là những món ước mơ lâu nay của ông: chín đĩa trà tuyệt đẹp và hai tô hiệu đề Nội phủ thị trung vẽ đôi rồng và Nội phủ thị đoài vẽ cảnh sông núi.
Người này cho biết lô đồ xuất xứ từ một gia đình dòng dõi ở một xã biển bên kia phá Tam Giang, do hoàng thái hậu Từ Dũ trong cung gửi về nhờ cất giữ. Sau một hồi săm soi, ông Yến tin chắc là đồ thật và quyết định mua với giá 38 triệu đồng.
Sau khi mua, một số người trong giới đến xem, người thì gật gù, tán dương; người thì im lặng, dò dẫm. Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ một tiệm đồ cổ gần đó, cũng đến xem và bị “hớp hồn” ngay vì nó quá đẹp.
“Nói thật khi ấy tôi tin là đồ thật vì nó hoàn hảo và đẹp tuyệt vời. Nhưng vì số lượng nhiều quá nên cũng sinh nghi, tôi khuyên ông Yến nên thận trọng rồi ra về”, ông Thắng nhớ lại.
Cũng trong buổi sáng ấy, một chuyên gia phục chế đồ gốm sứ đến xem. “Anh ấy không khẳng định là đồ thật hay giả mà chỉ cầm lên nhìn, giở mấy cái trôn lên nói “nghi nghi bác à!”, rồi đi. Nghi ngờ ấy tác động rất mạnh vào tôi nên tôi tiếp tục săm soi và nhận ra đây là đồ giả!”, ông Yến kể.
Đến 2g chiều cùng ngày, người thanh niên bán hàng lúc sáng tiếp tục đến với chiếc balô, hỏi ông Yến có mua hàng nữa không.
Người này tiếp tục soạn ra mấy đĩa sứ, đặc biệt là bốn tô ký kiểu thời Lê -Trịnh: Nội phủ thị đông vẽ ba con lân, Nội phủ thị nam vẽ sen cua, Nội phủ thị bắc vẽ sông núi và Nội phủ thị hữu vẽ rồng phượng.
Ông Yến khẳng định đây là đồ giả và yêu cầu người thanh niên phải trả lại 38 triệu đồng đã mua lô hàng hồi sáng.
Một mặt ông điện thoại báo công an, đồng thời ông cử người theo dõi người thanh niên trên đường về. Người thanh niên vừa về đến phòng trọ trong con hẻm đường Nguyễn Thái Học, trước sân vận động Tự Do, Huế thì cũng là lúc lực lượng công an của TP Huế ập vào.
Người này và một thanh niên khác trong phòng được mời về đồn công an cùng toàn bộ tiền bạc và một số đồ sứ chưa kịp bán.
Đĩa Nội phủ thị hữu, đường kính gần 30cm, được làm nhái nhưng đạt hơn 90% các tiêu chí của đồ thật. Nếu là đồ thật thì hiện vật này có giá bạc tỉ - Ảnh: N.V.M. |
Tỉnh mua và lưu kho
Tại trụ sở công an, cuộc đối chất giữa ông Yến và hai người bán đồ không có điểm dừng. Ông Yến khẳng định toàn bộ là đồ giả và ông bị lừa. Còn hai người bán thì khẳng định là đồ thật, có nguồn gốc xuất xứ hẳn hoi.
Công an khi ấy đã lập biên bản, tịch thu hiện vật lẫn 38 triệu đồng tiền hai thanh niên bán hàng cho ông Yến.
Để xác định thật hay giả, Công an TP Huế khi ấy đã mời Sở Văn hóa thông tin (cũ) đến giám định.
Giám đốc Sở Văn hóa thông tin khi ấy là ông Nguyễn Xuân Hoa đã quyết định thành lập hội đồng giám định do chính ông Hoa làm chủ tịch hội đồng. Hội đồng còn có một nhà nghiên cứu, lãnh đạo Công an TP Huế và hai vị cán bộ sở văn hóa.
“Thật ra lúc ấy chúng tôi cũng thấy ngờ ngợ. Nhưng vì nó đủ bộ và đẹp quá. Nhìn các chi tiết thì thấy nó như là đồ thật. Trước một số ý ngần ngại, chúng tôi yêu cầu chứng minh nguồn gốc.
Chủ nhân của lô hàng đã chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng khá rõ ràng, có cả chứng nhận của chính quyền địa phương. Vì vậy quyết định mua cho bảo tàng. Giá cả cũng không phải là đắt, thậm chí còn rẻ hơn so với thị trường”, ông Nguyễn Xuân Hoa nhớ lại.
Ông Nguyễn Xuân Yến cho biết có mấy lý do để ông xác định nó là đồ giả, đó là: sự nghi ngờ của chuyên gia phục chế gốm sứ; nhiều nét ở đuôi rồng có khác đôi chút so với đồ Lê - Trịnh; nước men cũng hơi non so với đồ cũ; không thể có chuyện đồ “nội phủ” vốn rất quý hiếm, vừa nguyên lành vừa đủ bộ đến mức như vậy...
Sau cuộc giám định, ông Yến tiếp tục khẳng định là đồ giả và nằng nặc đòi lại tiền của mình. Ông Nguyễn Xuân Hoa báo cáo UBND tỉnh và được tỉnh này duyệt chi 45 triệu đồng để mua mấy cái tô Nội phủ nọ.
Vài ngày sau, tại trụ sở Công an TP Huế, ông Yến nhận lại 38 triệu đồng, hai người bán đồ cũng đã được thả ra. Theo ông Văn Đình Thanh, khi ấy là giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh, sáu cái tô khi ấy được tỉnh mua 44 triệu đồng, sau đó chuyển sang bảo tàng và lưu kho cho đến nay.
Ông Văn Đình Thanh cũng cho biết hơn một năm sau vụ việc kể trên, có thông tin cho biết kẻ bán món đồ đó (người Nam Định) đã bị bắt vì tội lừa bán rất nhiều đồ sứ ký kiểu giả ở miền Bắc.
Lúc đó thông tin về việc Sở Văn hóa thông tin mua đồ giả mới rộ lên. Nhiều người trong giới chuyên môn, kể cả một vị tiến sĩ chuyên ngành đồ sứ ký kiểu, nhiều lần nói thẳng về “vụ mua đồ giả” này.
Theo ông Thanh, lúc ấy tất cả chỉ dừng lại ở thông tin về người Nam Định lừa đồ giả bị bắt chứ không ai có đơn kiện tụng.
Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao nghe thông tin là đồ giả mà không lật lại vụ việc, ông Nguyễn Xuân Hoa cho biết:
“Trước thông tin đồ giả, tôi cũng nghe vậy thôi chứ không có chứng cớ gì. Lúc đó đã mua (hiện vật) được 1 - 2 năm rồi. Sở dĩ không lật lại vụ việc đó vì không có đơn thư kiện tụng hay phản ảnh nên không có cơ sở để xem xét. Còn nếu là đồ giả thì chúng tôi, hội đồng cũng không tránh được trách nhiệm!”.
Ông Hoa cũng cho rằng trong số những người khẳng định là đồ giả, không phải ai cũng chứng kiến tận mắt hiện vật. Họ chỉ nói đến người bán đồ giả bị bắt rồi suy luận mà thôi.
“Tất nhiên một người mà nhân thân như vậy thì vụ (bán cổ vật) ở Huế có thể đã bị đánh tráo”, ông Hoa nói. Một vị nguyên giám đốc một bảo tàng ở Huế khẳng định: “Tôi chắc chắn đó là đồ giả 100%. Hồi đó tôi phản ứng ngay từ đầu, khi mua".
Sẽ kiểm tra việc này “Đây là lần đầu tiên tôi nghe đặt vấn đề về vụ việc này. Bây giờ cũng rất khó, vì chuyện đã lâu rồi, mà hồi đó (khi mua) tôi đang làm ở Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Khi sang tiếp quản ở sở thì không nghe ai đề cập đến chuyện này. Tôi sẽ kiểm tra lại thông tin, sẽ hỏi lại các bên, các bộ phận thụ lý sự việc và người trong hội đồng thẩm định xem như thế nào”. |
_________
Kỳ tới: Câu hỏi quanh chiếc Linga bằng vàng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận