Phóng to |
Chín con bê này do những con bò cái của ông Nguyễn Văn Chuẩn (thôn Bạc Rây II, xã Phước Bình) sinh sản. Bầy bò cái này được nuôi thả trong tiểu khu 20 vườn quốc gia Phước Bình. Khu vực này từ ba năm nay, cứ vào mùa mưa một con bò tót đực nặng gần 1 tấn lại vượt rừng về sinh sống chung với bầy bò cái.
Phóng to |
Đến tiểu khu 20, nơi có đồng cỏ sát bìa rừng Phước Bình, không khó để nhận ra bầy bê nghi lai bò tót này, khi giữa bầy bò mẹ và các con bê cùng lứa lông vàng hoe thì chín chú bê lông lại nâu sậm, con càng lớn thì lông càng ngả sang màu đen, dày và cứng như lông bò tót, không giống với bất cứ bò đực nào trong vùng. Đặc biệt là dù cùng lứa nhưng vóc dáng chín con bê này vượt trội, to gấp đôi bê nhà và rất hiếu động, luôn cho các chú bê nhà “ngửi khói” trong những cuộc rượt đuổi.
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Các bò cái đều là “bạn tình” của bò tót Đây là khẳng định của người dân cũng như các cán bộ, kiểm lâm vườn quốc gia Phước Bình. Bởi từ khi bò tót về trú ngụ ở tiểu khu 20 từ năm 2009, đã không còn bò đực nào có thể bén mảng đến đây. Ngay từ ngày đầu xuất hiện, bò tót đã rượt đuổi tất cả bò đực trong vùng, húc lủng ngực con bò đực to nhất thôn nặng gần 500kg (cũng của ông Nguyễn Văn Chuẩn) và từ đó thống trị bầy bò cái. Ông Nguyễn Văn Chuẩn và các cán bộ, kiểm lâm ở vườn quốc gia Phước Bình cho biết thường xuyên thấy bò tót giao phối với bò cái nhà và nhiều lần quay chụp được bằng điện thoại. Ông Chuẩn khẳng định những con bò cái sinh ra bê con lông xám giống bò tót từ ba năm nay đều được nuôi thả trong tiểu khu 20 và đều chịu sự “cai quản” của bò tót, chưa từng tiếp xúc với bò đực nào trong vùng. |
Một đặc điểm khác nữa của bầy bê nghi lai bò tót là tất cả đều không có nọng cổ và u cổ. Đây là đặc điểm sinh học đặc trưng nhất để nhận dạng bò nhà và thực tế chưa từng ghi nhận bò nhà nào không có u và nọng cổ (nhờ có u cổ này mà bò nhà mới có thể mang ách kéo cày, kéo xe). Thay vào chỗ u cổ là một bờm lông chạy dài từ cổ đến nửa lưng như bờm ngựa - đặc điểm chỉ bò tót mới có.
Ngoài những đặc tính sinh học trên, tính hoang dã của chín con bê này còn được thể hiện vượt trội với bò nhà. Trong khi những chú bê nhà lông vàng rất dễ tiếp cận thì ngược lại, chín con bê xám, đen nghi lai bò tót lại không thể. Ông Chuẩn cho biết khi bê xám còn nhỏ, ông đã thử tách hai con nuôi nhốt như bò nhà nhưng chúng lớn rất chậm, trong khi những con bê xám còn lại được thả tự kiếm ăn thì lớn rất nhanh, gấp 2-3 lần bê nhà.
Tuy nhiên, từ gần một năm nay gia đình ông gần như không thể quản lý đám bê lông xám nghi lai bò tót này. Trong số chín con bê này, rất vất vả ông mới xỏ mũi được hai con. Nhưng chỉ sau khi xỏ mũi vài ngày, hai con bê này đã tự giải thoát bằng cách kéo... rách luôn cả mũi. “Hàng rào kẽm gai ngăn cách với các rẫy bắp cao hơn 1m là một chướng ngại không thể vượt qua của bò nhà, nhưng với chín con bê xám thì chỉ cần nhớm chân là có thể phóng qua cái một” - ông Chuẩn cho biết.
Khó bảo vệ
Ông Nguyễn Văn Chuẩn lo lắng đã sắp đến mùa trỉa bắp nhưng với đặc tính hoang dã không khác gì bò tót rừng, những con bê nghi lai bò tót này có thể phá tan tành các rẫy bắp của ông và người dân xung quanh. Tuy chưa phá bắp nhà hàng xóm, nhưng rẫy bắp của ông từng bị chín con bê xám này phá nát. Ông Chuẩn đang dự tính gom tiền mua thép gai, nâng cao hàng rào khu vực đồng cỏ ở tiểu khu 20 nhưng đồng cỏ quá rộng, nếu giăng đủ thép gai có khi phải bán cả bầy bò mới đủ.
Mời xem clip nghi vấn bò tót lai bò nhà do phòng truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện |
Ông Nguyễn Công Vân, giám đốc vườn quốc gia Phước Bình, cho biết dựa trên đặc điểm sinh học bên ngoài, có thể nói chín con bê con này chắc chắn không phải là bò nhà thuần chủng. Tuy nhiên, để có thể khẳng định là bò tót lai phải xét nghiệm ADN, đòi hỏi kinh phí rất lớn. Để bảo vệ đàn bê con này, hiện vườn quốc gia Phước Bình đã có phương án mua lại cả chín con bê, sau đó bắn thuốc mê và di chuyển bầy bê con vào một vùng đồng cỏ nằm trong lõi rừng Phước Bình để nuôi dưỡng và theo dõi. Theo ông Vân, đây là cách duy nhất để có thể nghiên cứu, nhân giống bầy bê nghi lai bò tót, đồng thời bảo vệ được sự an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, ý tưởng này đang gặp rào cản lớn về kinh phí khi vườn quốc gia Phước Bình đã gõ cửa nhiều nơi nhưng ngoài 25 triệu đồng của UBND tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ bảo vệ bò tót cách đây hai năm, vẫn chưa có nguồn kinh phí nào khác để thực hiện.
Nguồn gen cực kỳ quý hiếm Đây là nhận định của PGS.TS Lê Huy Hàm, viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), về thông tin bò tót lai tại vườn quốc gia Phước Bình. Theo ông, bò tót và bò nhà cùng loài với nhau nên việc có bê lai bò tót là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Những bê lai bò tót này là nguồn gen cực kỳ quý hiếm, vì với những đặc tính về thể trạng to lớn, sức khỏe vượt trội, chống chọi bệnh tật tốt, bê lai bò tót sẽ cải tạo đàn bò nhà. PGS.TS Nguyễn Đức Cảnh, vIện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Bộ NN&PTNT), khẳng định việc bò tót lai bò nhà là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Những con bê lai bò tót là một hiện tượng sinh học kỳ thú, cần có phương án bảo vệ để nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ông, thế hệ bò tót lai F1 này chưa thể khẳng định bò tót lai có thể sinh sản để tạo ra thế hệ bò tót lai F2 hay không. Vì điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố loài, nhiễm sắc thể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận