Hãng thông tấn RIA (Nga) đưa tin, một số đại biểu Quốc hội và nhà lập pháp Gruzia (Georgia) đã lao vào ẩu đả sau khi tranh cãi nảy lửa về dự luật “đại diện nước ngoài” trong buổi họp hôm 15-4.
Quan sát từ đoạn phim được công bố trên trang web của cơ quan lập pháp Gruzia, người xem có thể thấy lãnh đạo Đảng Công dân đối lập Aleko Elisashvili bất ngờ chạy lên bục phát biểu, tung liên tục vài cú đấm vào đầu thư ký của Đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền Mamuka Mdinaradze.
Nghị sĩ Quốc hội lao vào đấm nhau tới tấp trong buổi họp ở Gruzia
Ngay sau đó, cuộc “hỗn chiến” lan rộng khắp phòng họp khi các nghị sĩ Quốc hội Gruzia khác cũng lao vào cự cãi, thậm chí vung tay chân với nhau.
“Chúng ta không được phép để dự luật này thông qua. Tất cả những người ái quốc Gruzia hãy mau chóng xuống đường phản đối”, ông Elisashvili nói với các phóng viên sau khi rời phòng họp.
Trong khi các vị nghị sĩ tranh cãi, không ít người dân Gruzia cũng tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Tbilisi cùng ngày.
Nguyên nhân khiến những nghị sĩ hỗn chiến ngay tại phòng họp Quốc hội, người dân phẫn nộ biểu tình bởi một số đại biểu Gruzia bắt đầu xem xét lại bản dự thảo luật “đại diện nước ngoài” hôm 15-4.
Trước đó vào ngày 7-3-2023, dự luật “về tính minh bạch của ảnh hưởng nước ngoài” (gọi tắt là dự luật “đại diện nước ngoài”) đã gây ra làn sóng tranh cãi rầm rộ ngay trong chính quyền và người dân, sau lần thông qua phiên đọc đầu tiên.
Sau hai ngày xảy ra biểu tình phản đối dự luật, Đảng Giấc mơ Gruzia thông báo rút lại dự luật.
Lý do khiến dự luật gây tranh cãi bởi nó yêu cầu các tổ chức phi chính phủ, báo in, báo điện tử, đài phát thanh và truyền hình có nhận từ "thế lực nước ngoài" ít nhất 20% thu nhập hằng năm dưới hình thức hỗ trợ tài chính, hoặc đóng góp bằng hiện vật phải đăng ký với Bộ Tư pháp là "đại diện có ảnh hưởng nước ngoài".
Trong đó, dự luật này định nghĩa "thế lực nước ngoài" là các cơ quan chính phủ nước ngoài, các công dân nước ngoài, các pháp nhân được thành lập không theo pháp luật Gruzia, cũng như các quỹ, hiệp hội, công ty, nghiệp đoàn và các tổ chức, hiệp hội khác được điều chỉnh theo luật pháp quốc tế.
Thế nhưng hôm 3-4 vừa qua, Đảng Giấc mơ Gruzia đột nhiên giới thiệu lại dự luật gây tranh cãi này với cơ quan lập pháp.
Ở lần giới thiệu này, thay vì sử dụng cụm từ “đại diện có ảnh hưởng nước ngoài”, các nhà lập pháp Đảng Giấc mơ Gruzia lại thay thế bằng cụm từ “tổ chức theo đuổi các lợi ích của một thế lực ở nước ngoài”.
Các nội dung còn lại của dự luật vẫn không thay đổi so với lần trình bày hồi tháng 3-2023.
Giải thích về lý do theo đuổi dự luật này dù vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, các nhà lập pháp thuộc Đảng Giấc mơ Gruzia thẳng thừng nhận định dự luật sẽ có "tác dụng ngăn ngừa" đối với phe đối lập và các tổ chức phi lợi nhuận liên kết với phe đối lập.
Ở chiều ngược lại, những người phản đối lo ngại nhiều hậu quả xảy ra nếu dự luật được thông qua: Gruzia sẽ khó lòng gia nhập Liên minh châu Âu (EU), các nhóm dễ bị tổn thương như người khuyết tật sẽ mất quyền lợi do các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp, các tổ chức có thể sa vào vòng kiểm tra không giới hạn và có thể bị phạt nặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận