Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đang phải đối mặt với sự nổi loạn - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters ngày 14-7, chỉ vài giờ sau cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), nơi Hi Lạp cam kết thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng cùng khổ để đổi lấy khoản cứu trợ 86 tỉ euro, rất nhiều nhà ngoại giao châu Âu và chuyên gia đã cảnh báo ông Tsipras sẽ không dễ duy trì sự thống nhất của chính quyền Athens.
Châu Âu buộc ông Tsipras phải thông qua các luật cắt giảm lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng, cắt giảm chi tiêu, bán 50 tỉ euro tài sản quốc gia... trong ngày mai 15-7. Như vậy, ông Tsipras đã chấp nhận từ bỏ các cam kết chống thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ khi tranh cử trước đây.
“Thuộc địa nợ công”
Lập tức, hàng loạt nghị sĩ trong Đảng cầm quyền Syriza và Đảng Hi Lạp độc lập đối tác đã lên tiếng phản đối ông Tsipras. “Chúng tôi không thể chấp nhận các yêu sách này” - ông Panos Kammenos, lãnh đạo Đảng Hi Lạp độc lập, tuyên bố.
Chủ tịch Quốc hội Hi Lạp Zoe Constantinopoulou cũng lên tiếng chỉ trích ông Tsipras và đe dọa sẽ dựng các rào chắn ở quốc hội để cản trở việc thông qua gói cải cách cùng khổ mà châu Âu đòi hỏi.
Nguồn tin từ Đảng Syriza tiết lộ ông Tsipras có thể sẽ sa thải Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis và Thứ trưởng Lao động Dimistris Stratoulis vì phản đối gói cứu trợ.
Một nhóm nghị sĩ Đảng Syriza thậm chí mô tả thỏa thuận mà ông Tsipras chấp nhận là “vô cùng tồi tệ” và “sẽ duy trì vị thế hiện tại của Hi Lạp là một thuộc địa nợ công nằm dưới sự kiểm soát của EU do Đức lãnh đạo”. Một số quan chức Hi Lạp khẳng định uy tín của ông Tsipras đã bị tổn thất nghiêm trọng.
Bộ trưởng Lao động Panos Skourletis cũng dự báo chắc chắn một cuộc tổng tuyển cử sớm sẽ diễn ra trong năm 2015. “Chúng tôi tin tưởng vào những điều khác biệt so với những gì đã bị buộc phải ký kết”. Các nhà quan sát nhận định ông Tsipras sẽ phải loại bỏ các nghị sĩ Syriza “nổi loạn” và hợp tác với đảng đối lập để đảm bảo kế hoạch cải cách được quốc hội thông qua.
Người dân thất vọng
Mới đây, cựu bộ trưởng tài chính Hi Lạp Yanis Varoufakis than thở với gói cứu trợ mới, đất nước Hi Lạp đã đánh mất chủ quyền. Ông cáo buộc Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã kiểm soát hoàn toàn nhóm bộ trưởng tài chính khối đồng euro sẽ ép buộc Hi Lạp quỳ gối.
Theo AFP, nhiều người dân Hi Lạp cũng bày tỏ sự thất vọng đối với thỏa thuận cứu trợ mới. Một trong những điều kiện quan trọng nhất là Chính phủ Hi Lạp phải bán 50 tỉ euro tài sản quốc gia. “Họ không thể cướp đi một phần của đất nước này - doanh nhân Lefteris Paboulidis ở Athens phẫn nộ - Chuyện này đã từng xảy ra ở đâu chưa?”.
Nhà kinh tế Haralambos Rouliskos mô tả thỏa thuận cứu trợ là “sự xỉ nhục” và “chế độ nô lệ”. Trên trang Twitter, nhiều người dân Hi Lạp và châu Âu chỉ trích Đức và khối đồng euro cướp đi chủ quyền của Hi Lạp. “Đức đang hủy diệt châu Âu” - một người tên Kostas Kainakis viết.
Trên báo New York Times, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman chỉ trích các điều kiện mà châu Âu ép Hi Lạp phải thực hiện “là hành vi báo thù, hủy hoại chủ quyền quốc gia và không tạo ra hi vọng phục hồi cho đất nước Hi Lạp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận