
Nói xấu công ty, đồng nghiệp cũ là chủ đề buôn chuyện của một số bạn trẻ - Ảnh: MÂY TRẮNG
Nhiều người vẫn duy trì thói quen nói xấu chốn cũ và ví von như người yêu cũ, chia tay rồi mới không thấy công ty cũ có điểm gì tốt.
Kiếm "ăng ten" nắm thông tin rồi nói xấu đồng nghiệp cũ
Từ những buổi trò chuyện trong nhóm chat đến những cuộc hẹn ăn uống, câu chuyện về sếp vô lý, đồng nghiệp khó chịu, hay chính sách công ty không hợp lý vẫn được các bạn trẻ này hâm nóng.
Rời công ty đầu tiên gắn bó trong 3 năm sau khi ra trường, N.H. (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) đã trải qua hai công ty mới, nhưng vẫn liên lạc với nhóm đồng nghiệp cũ.
"Chúng tôi có chung tần số, dù chênh nhau 1-2 tuổi nhưng sở thích, cách nói chuyện đều hợp. Nhóm chat hầu như ngày nào cũng sáng đèn, chủ yếu là… bàn loạn chuyện công ty cũ", cô chia sẻ.
Không chỉ nhân viên bình thường như H., ngay cả những người đã thăng tiến như Th. (30 tuổi, Bình Thạnh) cũng không ngoại lệ. Dù đang giữ vị trí quản lý tại công ty mới, Th. vẫn tích cực tham gia những cuộc trò chuyện bàn tán về công ty cũ.
Cô nói: "Tôi có đồng nghiệp đàn em vẫn làm ở đó, có biến là chúng tôi phao tin rồi cùng mổ xẻ. Đôi khi thấy mình hơi rảnh, nhưng vẫn không bỏ được".
Kể xấu, than phiền về công ty cũ dần dần trở thành một thói quen, sở thích. Thậm chí, trong câu chuyện các bạn còn mở rộng nói xấu không chỉ về chuyên môn của người cũ, mà gièm pha bàn tán cả về ngoại hình, lối sống, tình trạng yêu đương...
Nhiều lần đang đi ăn uống với bạn bè, Q.T. (ngụ quận Bình Tân) phải dừng lại vì tin nhắn từ đồng nghiệp cũ. "Tự dưng nhận được dòng tin 'mày ơi, hôm nay bà X. lại làm trò'…", cô kể.
Thế là cô và nguồn tin kia thi nhau than thở, có hôm nửa tiếng chưa xong. T. cho biết dù nghỉ việc ở đó đã vài năm, cô vẫn quan tâm mỗi khi nghe tin về người cũ, công ty cũ.
Tương tự, N.H. (29 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) từng khuyên bạn không nên ứng tuyển vào công ty cũ. Anh chàng làm việc trong lĩnh vực công nghệ đã liệt kê hàng loạt điểm trừ: trễ lương, làm việc áp lực, sếp hay bắt chẹt nhân viên, trừ tiền lung tung.

Tập trung làm việc thật tốt thay vì dành thời gian "nấu xói" chỗ làm cũ - Ảnh: MÂY TRẮNG
Sự thật và bêu xấu
Quản lý bộ phận nhân sự của một công ty công nghệ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho rằng: "Khi bạn dành năng lượng theo dõi và bàn tán về nơi cũ, vô tình bạn đang kéo dài cảm xúc tiêu cực. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý hiện tại và cả những mối quan hệ mới.
Việc xây dựng hình ảnh công ty cũ toàn xấu khiến người nghe, nhất là những người không chung hội chung thuyền, nghi ngờ tính khách quan, thậm chí đánh giá ngược lại thái độ của chính người nói".
Người này chia sẻ thêm từng gặp ứng viên nhận xét công ty cũ bằng giọng điệu cay nghiệt. "Dù thông tin có đúng, tôi vẫn đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp. Sau này họ rời công ty tôi, liệu có tiếp tục lặp lại hành vi này", anh đặt câu hỏi.
Việc nhiều người khó dứt khỏi thói quen bàn tán có thể là hệ quả của việc chưa đóng lại cảm xúc với công ty cũ. Khi nghỉ việc vì bất mãn, nếu không tự giải tỏa một cách lành mạnh, bạn trẻ dễ tìm đến những cách tiêu cực.
Điều này vô tình biến các bạn thành nạn nhân trong chính câu chuyện của mình.
Việc nói xấu công ty cũ như con dao hai lưỡi, có thể giúp giải tỏa căng thẳng tức thời nhưng dễ khiến người ta mắc kẹt trong quá khứ. Điều quan trọng là nhận ra khi nào những cuộc trò chuyện vượt qua ranh giới của sự chia sẻ lành mạnh để trở thành nghiện hóng tin mới, drama.
Đừng để bị đánh giá
Vẫn có nhiều người rời công ty với thái độ ôn hòa, trân trọng những trải nghiệm đã có vì chỗ nào cũng có điểm tốt, chưa tốt.
Chị Cẩm Vy (30 tuổi, chuyên viên sáng tạo nội dung, ngụ quận Bình Thạnh) cho rằng dù bạn bè tỏ ra đồng cảm hoặc hùa theo câu chuyện, trong thâm tâm họ sẽ đánh giá bạn sân si, nhiều chuyện, có thể đem câu chuyện đi buôn tiếp.
Chị Vy từng trải qua 4-5 chỗ làm, có nơi chị quyến luyến, có nơi khiến chị ấm ức trong lòng nhưng khi được hỏi vì sao đổi chỗ làm, chị đều nói "muốn tìm môi trường mới". "Có khi tôi chọn rời đi vì lương thấp nhưng tiếc vì sếp thân thiện, tạo điều kiện làm việc nên vẫn luôn nghĩ về công ty với sự trân trọng", chị bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận