Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM tham gia CLB khoa học STEM ngoài giờ lên lớp - Ảnh: N.H.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
- Trong tình hình cụ thể của nước ta, khi hầu hết các trường THCS, THPT chỉ có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày thì việc nghỉ thêm ngày thứ bảy như đề xuất của chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội có thể dẫn đến hai khả năng.
Đó là hoặc phải giảm bớt nội dung chương trình cho phù hợp với thời gian bị giảm, như vậy chương trình sẽ thiếu hụt; hoặc nếu thực hiện tương đối đủ nội dung so với chương trình các nước trong khi số giờ học bị giảm thì chương trình sẽ quá tải.
Chỉ có thể áp dụng đối với học sinh học 2 buổi/ngày
* Đó là giải pháp áp dụng với chương trình hiện hành vốn bị kêu quá tải. Còn với chương trình giáo dục phổ thông mới, liệu có thể tiếp thu đề xuất này để điều chỉnh chương trình phù hợp? Ở nhiều nước phát triển, học sinh đều nghỉ thứ bảy, chủ nhật, đó cũng là mục tiêu chúng ta cần hướng đến.
- Các nước cho học sinh nghỉ thêm thứ bảy vì hầu hết các trường đều học cả ngày. Còn ở Việt Nam, việc này chưa làm được.
Cũng bởi thế khi xây dựng chương trình mới, ban phát triển chương trình đã cân nhắc và vẫn chọn giải pháp xây dựng chương trình phù hợp với học 1 buổi và hầu hết các trường THCS, THPT sẽ phải bố trí dạy học cả thứ bảy mới đủ thời gian thực hiện.
* Chương trình giáo dục hiện hành có nhược điểm là nặng nề, quá tải. Với tinh thần giảm tải, chương trình giáo dục phổ thông mới lẽ ra phải rút bớt, như vậy có thể thu xếp đủ cho việc . Ông có thể giải thích thêm về việc này?
- Chương trình mới có giảm số tiết học ở các cấp THCS, THPT. Nhưng thay đổi rõ rệt so với chương trình cũ là ở phương pháp tiếp cận và mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học, chứ không truyền thụ kiến thức thuần túy.
Những thay đổi này sẽ góp phần làm chương trình mới giảm tải so với chương trình hiện nay. Tuy nhiên như vậy vẫn không có nghĩa là dư thời gian để nghỉ thêm một ngày trong tuần.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2009, ở các nước trong tổ chức này, tính trung bình mỗi học sinh ở lứa tuổi từ 7 - 15 học 7.390 giờ (60 phút/giờ) trong một năm học.
Trong khi đó, theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, tổng thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS trong một năm học chỉ 5.909 giờ.
Sở dĩ có sự chênh lệch khá lớn như vậy là do học sinh ở các nước OECD học cả ngày. Thế nên ở nước ta chỉ các trường học 2 buổi/ngày mới có thể nghỉ học ngày thứ bảy.
Đồ họa: V.CƯỜNG
Chương trình mới rất linh hoạt
* Xem xét về thời lượng cứng trên thời gian tương ứng để dạy học thì có thể sẽ thiếu nếu học sinh nghỉ ngày thứ bảy, nhưng trên thực tế cũng có những giải pháp khác để khắc phục nếu điều này được thực thi. Người thiết kế chương trình mới có tính đến việc này?
- Chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế rất mở nhằm phát huy sự chủ động, linh hoạt thực hiện của các trường.
Đặc biệt, lần đầu tiên chương trình mới không quy định cứng số tiết học trong tuần mà chỉ quy định số tiết học trong một năm với một lớp/cấp học.
Vì thế, các trường chỉ cần thực hiện đủ thời lượng quy định trong năm học, còn bố trí thời khóa biểu như thế nào để phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường là do nhà trường quyết định.
* Nhưng nếu quy định thời lượng cứng về số tiết học như ông nói thì dù các trường có được phép xếp thời khóa biểu, số tiết học trong tuần cũng khó giảm bớt. Hoặc giảm ở tuần này lại dồn sang tuần khác dẫn tới quá tải...
- Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức dạy học, cho phép giáo viên chủ động lựa chọn các hình thức dạy học đa dạng.
Ví dụ có thể tích hợp các kiến thức gần nhau vào một chuyên đề học tập, dự án học tập với một thời lượng học tương ứng.
Có thể học sinh không phải học lý thuyết trong lớp học mà học qua các hoạt động trải nghiệm, học bên ngoài không gian lớp học.
Việc bố trí các chuyên đề học tập bên ngoài lớp học không chỉ làm cho học sinh học tập hào hứng hơn mà còn giúp các trường dư những phòng học trống trong một số buổi để có thể học 2 buổi/ngày ở một số môn, lớp học.
Nếu thực hiện được việc này thì nhà trường có thể cho học sinh nghỉ ngày thứ bảy mà không ảnh hưởng đến chương trình.
Học sinh tham gia các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm thực tế - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Như vậy theo ông, nếu chủ động xây dựng kế hoạch day học, việc nghỉ ngày thứ bảy cũng có thể thực hiện được?
- Có thể được nhưng không dễ làm. Và theo tôi, việc này không nên đưa vào luật. Đến như Luật lao động cũng chỉ quy định nguyên tắc người lao động làm việc tối đa 8 tiếng/ngày, 48 tiếng/tuần, không quy định phải làm việc hay nghỉ ngày thứ bảy.
Theo tinh thần mở của chương trình giáo dục mới, nên để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể phù hợp với mỗi trường. Việc này nhà trường cũng cần lấy ý kiến phụ huynh và học sinh.
* Ông có nghĩ rằng sẽ có những ý kiến trái chiều về đề xuất "nghỉ ngày thứ bảy" nếu trưng cầu ý kiến cha mẹ học sinh?
- Tôi nghĩ là có. Vì cho dù học sinh trung học đã lớn nhưng ở lứa tuổi này vẫn cần sự quản lý, trông nom của cha mẹ.
Việc thêm một ngày nghỉ có ý nghĩa tích cực là để học sinh, giáo viên thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, học tập; các gia đình có điều kiện sum họp, tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ có một bộ phận lớn gia đình, cha mẹ vẫn phải đi làm ngày thứ bảy, họ không được nghỉ và cũng không có điều kiện cho gia đình đi chơi cuối tuần. Vì thế, thêm một ngày nghỉ có thể lại thêm mối lo về an toàn cho trẻ.
Học sinh nghỉ thêm một buổi phải có chỗ cho trẻ tham gia các hoạt động, sinh hoạt lành mạnh, có người trông nom, hướng dẫn.
Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh cũng lo việc học sinh nghỉ ngày thứ bảy sẽ tạo khoảng trống về thời gian để phát sinh chuyện dạy thêm, học thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận