18/02/2021 10:56 GMT+7

'Nghĩ chuyện con lớp 1 phải học online tôi rầu quá'

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - "Học sinh ngừng đến trường để phòng tránh dịch bệnh COVID-19 là đúng rồi. Nhưng nghĩ đến chuyện con lớp 1 phải học online tôi rầu quá. Làm sao vợ chồng tôi ở nhà để học cùng con được?".

Nghĩ chuyện con lớp 1 phải học online tôi rầu quá - Ảnh 1.

Học sinh Nguyễn Phúc (lớp 2 Trường tiểu học Lương Thế Vinh Q.7, TPHCM) đang học trực tuyến cùng với phụ huynh sáng 17-2- Ảnh: NHƯ HÙNG

Chị Nguyễn Thị Thùy, phụ huynh ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, than thở. Chị Thùy cho biết: "Giáo viên làm việc trong giờ hành chính thì nhiều phụ huynh cũng vậy. Cô giáo dạy online nhưng tôi không có ở nhà thì lấy ai mở máy cho con học? Chưa kể với học sinh lớp 1 phụ huynh phải ngồi kế bên con trong suốt quá trình học online. Nếu không bé sẽ lơ đãng, chạy lung tung chứ không chịu ngồi một chỗ".

Kể khó chẳng bao giờ hết

Tâm tư của chị Thùy không phải là cá biệt. "Học sinh lớp 1, 2, 3 không có được sự tự giác, tự chủ như học sinh trung học nên bố mẹ rất cực khi con học online. Không những phải kèm con trong suốt quá trình con học mà tôi phải đóng vai giáo viên, giảng bài cho con, hướng dẫn con làm bài tập. Nếu bé đến trường, những việc này cơ bản đã hoàn tất ở trường hết rồi, về nhà con chỉ việc xem bài lại thôi. 

Tôi lo nhất là đứa con út đang học lớp 1. Học kỳ I vừa rồi, các bé được học trực tiếp với cô giáo. Cô còn phụ đạo thêm cho những bé yếu mà nhiều lúc các bé vẫn đọc sai, viết sai. Học sinh lớp 1 phải học đọc, học viết theo chương trình mới mà học online thì liệu có hiệu quả không?" - chị Thu Hương, phụ huynh ở Q.Tân Bình, bày tỏ.

Không những thế, chị N.T.H. - phụ huynh có con học lớp 3 ở Q.7 - còn kể: "Bé nhà tôi học trường tư thục nên đa số phụ huynh trong lớp đều có người giúp việc ở nhà, có thể mở máy cho con học trực tuyến. Tuy nhiên, tôi thấy cách học qua Zoom đối với trẻ tiểu học là không hiệu quả. Bởi các bé còn nhỏ, dễ chán nên chỉ ngồi trên máy được 5-7 phút là không chú tâm đến bài học. 

Có bữa bé nhà tôi tìm cách trốn bằng lý do... đi vệ sinh, sau đó ngồi lì trong toilet, đợi đến hết tiết mới ra ngoài. Có bữa bác giúp việc ngồi kế bên để canh, bé miễn cưỡng ngồi học nhưng khi cô giáo đặt câu hỏi và kêu tên bé phát biểu thì bé im re, vờ như không nghe thấy. Tôi đã trình bày vấn đề này với ban giám hiệu nhà trường và đề nghị có hình thức giảng dạy từ xa khác phù hợp hơn đối với trẻ tiểu học".

Cô Nguyễn Thụy Ngọc Diễm - khối trưởng khối 4 Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi - cũng chia sẻ: "Khi nghe tin học sinh học online, nhiều phụ huynh đã than với tôi rằng họ không có thời gian để quản con học. 

Có người còn kể buổi sáng đi làm, giao cho con làm mấy bài tập nhưng đến chiều về thì vẫn y nguyên vì bé chưa làm gì cả. Tức quá, có người mắng con. Và cũng có bé nói con không làm vì con không biết làm. Khi phụ huynh hướng dẫn thì bé vẫn không chịu nghe theo, còn bảo mẹ dạy khác cô khiến con không hiểu...".

Phải tìm lối ra

"Năm 2020, chúng tôi tiến hành trưng cầu ý kiến phụ huynh về hình thức học từ xa. Kết quả là đa số phụ huynh không đồng tình với việc dạy trực tuyến. Hình thức dạy học này có ưu điểm là giáo viên có thể tương tác trực tiếp với học sinh nhưng lại có nhược điểm là giáo viên - học sinh phải ngồi vào máy đúng ngày, đúng giờ. 

Nhiều phụ huynh cho biết họ không thể ở nhà để mở máy tính cho con. Học sinh tiểu học cũng không được dùng điện thoại thông minh tự do như học sinh trung học. Cuối cùng trường chúng tôi đã chọn hình thức giảng dạy thông qua các video clip" - cô Nguyễn Thị Thu Vân, khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, thông tin.

Theo cô Vân: "Giáo viên sẽ soạn bài giảng, quay clip rồi lồng tiếng. Thời gian đầu, cả khối sẽ họp để góp ý cho bài giảng hoàn chỉnh. Bây giờ đã quen việc nên mỗi giáo viên sẽ tự hoàn chỉnh clip bài giảng của mình, đưa lên cho khối trưởng và ban giám hiệu trường thẩm định rồi post lên trang web của trường. Phụ huynh rảnh giờ nào thì mở ra cho con em mình học giờ đó nên khá thuận lợi".

Tuy nhiên, cô Vân cũng thừa nhận: "Khi học từ xa, phụ huynh phải hỗ trợ các em rất nhiều. Nói cách khác, dạy học online không chỉ có giáo viên vất vả và phụ huynh cũng rất vất vả. Không chỉ dành thời gian nhiều hơn cho con mà còn phải đóng vai thầy cô giáo ở nhà. Riêng với học sinh lớp 1, giai đoạn này các em đã học đọc hết các âm, vần. 

Bây giờ khi học bài mới, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh đọc sao cho chuẩn về câu, từ, ngắt nghỉ đúng chỗ. Nhưng phụ huynh cũng đừng quá lo lắng. Giải pháp của trường tôi là sau khi học bài xong, phụ huynh sẽ quay clip con mình đọc bài rồi gửi cho giáo viên, chúng tôi sẽ xem clip và chỉnh sửa cho học sinh".

Khi phụ huynh không có máy tính nối mạng

Cô Ngọc Diễm (Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) cho biết: "Đặc thù của trường là nhiều phụ huynh không có máy tính nối mạng. Giáo viên sẽ soạn bài giảng trên Word rồi gửi Zalo cho phụ huynh để dạy con học ở nhà. Đối với những phụ huynh không dùng Zalo thì giáo viên sẽ in sẵn bài giảng rồi phát cho phụ huynh đem về.

Với một số bài khó thì chúng tôi cũng làm video clip rồi gửi cho phụ huynh để họ mở ra cho con mình học. Trên thực tế cũng có một số phụ huynh không thể kèm con hoặc không có thời gian, điều kiện để kèm con học online thì khi các bé đi học lại, chúng tôi sẽ phụ đạo để học sinh nắm được bài".

Chia sẻ bài giảng

Thạc sĩ Phạm Thúy Hà, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 4, TP.HCM, nhận định: "Dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học phải có nghệ thuật riêng, làm sao để hấp dẫn học sinh từ 6 - 10 tuổi tập trung vào màn hình máy tính suốt tiết học là điều không dễ dàng. Chưa kể còn nhiều yếu tố khách quan khác cũng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng tiết dạy.

Vì vậy, tôi cho rằng với bậc tiểu học thì nên làm những bài giảng, ghi hình thành video clip với kỹ thuật, hình ảnh, âm thanh tạo sự bắt mắt, thu hút đối với trẻ nhỏ. Thời gian mỗi bài giảng không được quá dài, khoảng 15-20 phút, chứ không nên kéo dài 35-40 phút như 1 tiết học bình thường.

Các clip này sẽ được gửi cho phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau và họ có thể mở ra cho con em học bất cứ lúc nào thuận tiện. Năm nay do đã có kinh nghiệm dạy học online từ năm trước nên các trường trên địa bàn quận 4 sẽ chọn hình thức chia sẻ bài giảng.

Mỗi cụm trường sẽ chọn một giáo viên có sở trường ở một môn học (hoặc bài học) nhất định để giảng bài (thay vì trước đây, mỗi trường phải tự làm video clip của riêng trường mình; trong đó, một số bài giảng chưa đạt được chất lượng như ý).

Sau đó, clip bài giảng ấy sẽ được sử dụng chung cho học sinh của cả cụm. Cách làm này sẽ giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn để luyện tập, sửa bài và củng cố kiến thức cho học sinh".

Đại học Đà Nẵng yêu cầu trường thành viên giảng dạy trực tuyến từ 22-2 Đại học Đà Nẵng yêu cầu trường thành viên giảng dạy trực tuyến từ 22-2

TTO - Thông tin về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 sau Tết Nguyên đán 2021 được Đại học Đà Nẵng công bố ngày 17-2.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp