19/10/2016 00:07 GMT+7

“Nghêu tặc” 
và công bằng

ĐẶNG PHƯƠNG - MẬU TRƯỜNG
ĐẶNG PHƯƠNG - MẬU TRƯỜNG

TTO - Ở làng nghêu Thới Thuận (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), khi người mẹ có thai là chắc chắn đứa trẻ sinh ra sẽ... có lương.

Hơn 10 năm nay ở làng nghêu ven biển này, từ già chí trẻ ai cũng có phần được trích ra từ lợi tức bãi nghêu của hợp tác xã, trừ những người con từ thứ 3 trở đi.

Người học đại học, cao học tùy bậc mà được hưởng phần nhiều hơn, coi như khuyến học. Đường sá trong làng trong xã khang trang. Tình nghĩa làng xóm đề huề.

Ở bãi nghêu Thới Thuận, cả mười năm nay không có chuyện cướp nghêu bươu đầu mẻ trán như ở bãi nghêu Đất Mũi, Cà Mau mấy ngày nay. Ở Đất Mũi, những người cướp nghêu đều là người trong làng trong xã. Bao đời nay, nguồn lợi thủy sản ở mũi đất trù phú nghêu sò, tôm cá này là sinh kế của ngàn vạn người.

Cũng như nhiều nơi, rồi bỗng dưng một ngày đẹp trời một số người quây bãi lại chiếm làm của riêng (hoặc được giao), làm mất sinh kế của những người khác.

“Chúng tôi phải sống làm sao, con cháu chúng tôi sẽ sống ra sao?” - ông L.L., một người ở Đất Mũi tham gia cướp nghêu, hỏi khi bị đẩy đuổi.

Hơn mười năm trước, ở Thới Thuận người dân cũng hỏi vậy khi họ bị tước đi sinh kế. Hơn mười năm trước ở Thới Thuận, nạn cướp nghêu còn khốc liệt hơn ở Đất Mũi nhiều. Máu đã đổ và cả án mạng. Dân gian gán cho những người cướp nghêu là “nghêu tặc”. Và “nghêu tặc”, họ là ai?

“Nghêu tặc” không phải là côn đồ cướp bóc, không là đám du thủ du thực. Họ là người trong làng. Họ sinh “tặc” khi bị tước đi sinh kế trên chính nguồn tài nguyên thiên nhiên truyền thống bao đời. Họ đòi quyền sống, đòi công bằng theo cách của mình.

Làng nghêu Thới Thuận đã giải quyết được bài toán đó. Bãi nghêu sau đó trở thành tư liệu sản xuất chung của cả làng. Hợp tác xã quản lý và mọi công dân đều là xã viên. Lợi ích được phân chia hợp lý. Ai cũng có phần, nhiều ít tùy đóng góp.

Chuyện con nghêu, bãi nghêu là chuyện nhỏ. Nhưng giải được bài toán “nghêu tặc” như ở Thới Thuận cho ra một đáp án rất lớn và thiết thực. Không ai có quyền chiếm của chung làm của riêng. Vi phạm những điều ấy sẽ đẩy một bộ phận nông dân hiền hòa vào thế bần cùng.

Và như ông bà ta nói: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Chớ có sai!

ĐẶNG PHƯƠNG - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp