10/01/2017 12:49 GMT+7

Nghẹt thở với Patriots Days: Khi Hollywood tuyên truyền yêu nước

PHAN XI NÊ
PHAN XI NÊ

TTO - Patriots Day, dựa vào sự kiện có thật về vụ đánh bom trong cuộc chạy marathon truyền thống ở Boston ba năm trước, kể một câu chuyện về một nước Mỹ dễ bị tổn thương nhưng mạnh mẽ...

Những hình ảnh The Patriots Days

Nước Mỹ trong suốt những năm gần đây hứng chịu nhiều vụ nổ súng, đánh bom vào dân thường - từ những vụ nổ súng trong trường học, cho đến cuộc tấn công khủng bố, mà có lẽ vụ 11-9 là sự kiện làm thay đổi nước Mỹ.

Phải mất rất nhiều năm sau, Hollywood mới có thể kể lại những câu chuyện về sự kiện 11-9, và điều kỳ lạ là, chính ở sự kiện chấn động này, tôi lại không có nhiều cảm xúc với những bộ phim về đề tài này. 

Từ phim về những người lính cứu hộ của Oliver Stone (World Trade Center) đến phim như một cuốn phim tài liệu về chuyện gì đã xảy ra trên chuyến bay định mệnh của Paul Greengrass (United 93) đến một phim tâm lý và dư chấn tâm lý của đạo diễn Stephen Daldry (Extremely Loud and Incredibly Close)... đều không mang lại cảm xúc đặc biệt với tôi.

Tuy nhiên, những bộ phim trên đều có một điểm chung: vẽ nên một nước Mỹ dễ bị tổn thương, nhưng mạnh mẽ khi phải đối mặt với biến cố, với mất mát đau thương, với những con người cụ thể trước và sau những chấn động tổn thương thể xác lẫn tâm hồn. Nó cho thấy một vẻ đẹp của người Mỹ, và của nước Mỹ.

Patriots Day, dựa vào sự kiện có thật về vụ đánh bom trong cuộc chạy marathon truyền thống ở Boston ba năm trước, cũng không ngoài "định hướng" ấy. 

Patriots Day, dựa vào sự kiện có thật về vụ đánh bom trong cuộc chạy marathon truyền thống ở Boston năm 2013 - Ảnh: imdb

Những người bình thường khi bất thường ập đến

Xoay quanh sự kiện hai anh em người Chechnya đánh bom bằng bom tự chế vào đám đông đang chào đón cuộc chạy marathon ở Boston vào năm 2013, sau đó là cuộc điều tra của cảnh sát, đuổi bắt nghi phạm, Patriots Day khiến người xem nghẹt thở theo từng tình tiết, từng bước chân điều tra.

Mỗi nhân vật xuất hiện ngắn ngủi trên phim đều có những khoảnh khắc của họ, những bước ngoặt số phận, từ đôi vợ chồng trẻ mới sáng chân còn cuốn lấy nhau trong ái ân đến chiều đã bàng hoàng vì quả bom nổ sát cạnh họ đến viên cảnh sát gặp bao nhiêu rắc rối trong sự nghiệp của mình vẫn bất chấp sự đe doạ bị kỷ luật lần nữa để cất lên tiếng nói công bằng và lương tri. 

Từ ông cảnh sát trưởng Boston đến ông giám đốc FBI khi phải bất ngờ đối mặt với vụ đánh bom bất thường này, và mỗi người đều có những lý lẽ riêng, phương cách riêng để điều tra nhưng từ đó gây ra xung đột nội bộ, và trong tình thế căng thẳng mỗi quyết định đưa ra đều có thể là sai lầm nhưng không có đủ thời gian để suy nghĩ thật thấu đáo.

Từ viên cảnh sát trực ở trường MIT với những phút giây đời thường để người xem yêu mến anh đến cậu sinh viên Trung Quốc hầu như ngoài cuộc không hề hay biết gì đến vụ đánh bom nhưng bị lôi vào trong một tình thế khó đoán trước.

Chân dung tất cả những con người này được khắc hoạ bằng những chi tiết nhỏ vừa đủ để ta thấy họ là những người rất đỗi bình thường, những con người giản dị, với những ước mơ giản dị, được sống và được yêu, được cười và hạnh phúc, và ngày 15-4-2013 ấy là một ngày thật đẹp với họ cho đến khi những biến động ập đến.

Thật kỳ lạ là khi đến cuối bộ phim, khi đạo diễn cho chúng ta thấy gương mặt của những nhân vật thật ngoài đời, nghe họ nói về sự kiện đã làm thay đổi cuộc đời họ, tôi thấy họ đẹp biết dường nào. Họ đẹp hơn rất nhiều những diễn viên đã đóng vai của họ - dù rằng các diễn viên này đóng rất tuyệt vời.

Có một cái gì đó trong họ làm tôi yêu con người của họ, yêu tinh thần của họ, yêu tình yêu và niềm tin vào cái đẹp của họ, ngay cả sau một biến cố đau thương vẫn nhìn lại nó bằng một cái nhìn lạc quan, rằng dù cho những kẻ khủng bố đã cố cướp đi mạng sống của vài người, cướp đi một phần thân thể họ, chúng không thể cướp đi tình yêu và niềm tin vào chính nghĩa.

Một ngày bình thường ở Boston cho đến khi vụ nổ bom xảy ra - Ảnh: imdb

Một điều mà Hollywood có thể làm nên những bộ phim "tuyên truyền" về lòng yêu nước - ngay tựa phim này đã là một tựa phim đầy lòng tự hào dân tộc của người Mỹ (Patriots Day dịch đúng là Ngày Ái Quốc, không phải là Ngày Định Mệnh như tựa phim ở VN - NV) - chính một phần nhờ vào sự tự do sáng tác.

Không phải tất cả người dân Mỹ có thể chưa sẵn sàng để đối diện với nỗi đau này, nhưng không vì điều đó mà chính quyền sẽ can thiệp vào việc làm một bộ phim về nỗi đau này. Những nhân viên cao cấp của chính quyền trong phim cũng được mô tả như những con người - có buồn vui, có sai lầm, có tranh cãi, có bất đồng - chứ không phải như những vị thánh không được sai.

Đối mặt với nỗi đau theo cách của người làm phim

Đối mặt với nỗi đau, các nhà làm phim Mỹ đánh thức lòng yêu nước và sức mạnh của người Mỹ, và khiến cả thế giới thấy sự mạnh mẽ này. Họ cũng không muốn để cho những người đã chết phải chết trong im lặng vô nghĩa. 

Sự lôi cuốn của bộ phim khiến tôi phải về nhà và ngồi lục lọi lại tin tức về sự kiện này xem người ta đã thành thật và hư cấu những gì, để rồi lại cảm thấy bất ngờ thú vị. Bộ phim tái hiện lại gần như chính xác các đoạn phim tư liệu, casting các diễn viên có gương mặt toát lên tinh thần của các nhân vật thật - đặc biệt là hai kẻ đánh bom, và trên hết, những người được mô tả trong phim đều cảm thấy chính xác đó là những gì xảy ra ngày hôm ấy.

Tuy vậy, nhân vật cảnh sát Tommy Saunders do Mark Walhberg thủ vai là một nhân vật hư cấu được dựa trên rất nhiều câu chuyện khác nhau của các cảnh sát viên của Boston để đại diện cho lực lượng cảnh sát Boston. 

(Đoạn kế tiếp tiết lộ đoạn kết phim, bạn có thể ngừng đọc ở đây nếu không muốn bị tiết lộ nội dung quan trọng của phim)

Nhân vật cảnh sát Tommy Saunders do Mark Walhberg thủ vai - Ảnh: imdb

Một chi tiết quan trọng trong bộ phim là cuộc thẩm vấn vợ của một trong hai kẻ đánh bom. Katherine Russell, vợ của Tamerlan Tsarnaev, đã không bị kết án gì sau sự kiện này, nhưng trên phim với một phân đoạn nghẹt thở, có vẻ như các nhà làm phim đã khiến khán giả rời rạp hẳn phải căm ghét người phụ nữ

Ở ngoài đời, luật sư của Katherine đã phản ứng sau khi xem phim. "Bộ phim không đúng sự thật. Họ đã mô tả Katherine như một kẻ cứng đầu không hợp tác để cứu sinh mạng người khác. Katherine đã làm hết sức những gì cô ấy có thể làm".

Trong một trường hợp khác, lần đầu tiên công chúng biết được câu chuyện về một nhân vật đặc biệt: chàng trai người Hoa Dun Meng "Danny". Trong suốt thời gian sau sự kiện đánh bom, Dun Meng đã yêu cầu giấu danh tính của mình, và được truyền thông gọi với cái tên Danny, cho đến khi bộ phim ra mắt.

Lý do Dun Meng lộ diện, là khi cậu nói chuyện với đạo diễn Peter Berg và Dun Meng cảm thấy rằng, câu chuyện của mình là câu chuyện cần phải được kể.

"Điều ấy rất khó khăn với tôi trong vài năm đầu. Tôi đã may mắn thoát chết đêm ấy. Tôi thật sự chỉ muốn có một cuộc sống riêng tư. Tôi không muốn mọi người tập trung vào tôi, vì tôi chỉ hành động như bất kỳ ai khác trong tình cảnh ấy".

Meng nói, trong thời gian vào đêm tháng 4 định mệnh đó, cậu không ngừng bị ám ảnh cảnh mình bị anh em nhà Tsarnaev bắn cậu chết và quăng xác bên đường xa lộ, nhưng rồi cậu cố trấn tỉnh. "Tôi muốn thấy gia đình mình, tôi muốn gặp lại ba mẹ tôi. Tôi muốn theo đuổi những giấc mơ trong đời"

Trong thời khắc kinh hoàng, Meng chợt nhớ đến một bản tin trên báo về một người có cùng hoàn cảnh đã tìm cách trốn thoát được và cậu cố nghĩ tích cực. "Tôi cố động viên bản thân, có người từng thành công trước đó, và nếu mình bình tĩnh lại, nghĩ thấu đáo, sẽ có một cơ hội cho mình". 

Meng đã bước ra ánh sáng, chia sẻ câu chuyện của cậu, trao đổi cặn kẽ với nam diễn viên thủ vai của mình, về cảm xúc của cậu khi trên xe, về những gì anh em nhà Tsarnaev đã nói... Với tôi, Dun Meng mới thực sự là người hùng của bộ phim này. 

The Patriots Days - tên VN là Ngày định mệnh đang chiếu ở các rạp trên toàn quốc - Ảnh: imdb

Không phải ai cũng sẵn sàng như Dun Meng. Cha mẹ của cậu bé Martin Richard 8 tuổi bị chết trong sự kiện này yêu cầu đoàn phim không đề cập đến họ trong bộ phim. Họ không muốn ai đóng vai họ, nhắc đến câu chuyện của họ.

Biên kịch của bộ phim đã gặp khó khăn một thời gian để sửa lại kịch bản bởi câu chuyện xúc động của gia đình Richard đóng vai trò rất quan trọng trong bộ phim này, nhưng các nhà sản xuất đã tôn trọng nguyện vọng của gia đình - một quyết định tôn trọng đầy tính nhân văn.

Thế nhưng, hình ảnh viên cảnh sát đứng canh chừng xác của Martin, cú máy cận bắt ánh mắt, biểu cảm của anh khi đứng đó trong nắng chiều cũng đủ làm người xem đau lòng và xót xa. Đó là cách thể hiện đầy tính nhân văn mà cũng mạnh mẽ quyết liệt.

Nụ cười rạng rỡ của Martin hiện lên cuối cùng phim chính là một thông điệp mạnh mẽ của The Patriots Day. Và Peter Berg một lần nữa chứng minh ông đúng là bậc thầy của dòng phim "dựa vào chuyện có thật" với phong cách làm phim chân thật và quyết liệt.

PHAN XI NÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp