23/09/2024 15:04 GMT+7

Nghẽn cầu vượt Nguyễn Thái Sơn: Cần mở thêm lối thoát đường Lê Lai

Thời gian qua, tình trạng kẹt xe trên cầu vượt Nguyễn Thái Sơn (hướng về mũi tàu Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM) có chiều hướng căng thẳng.

Nghẽn cầu vượt Nguyễn Thái Sơn: Cần mở thêm lối thoát đường Lê Lai - Ảnh 1.

Kẹt xe kinh hoàng đoạn cầu vượt Nguyễn Thái Sơn vào giờ tan tầm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nhiều người cho rằng ngoài việc điều chỉnh lại giao thông để phù hợp với thực tế, cơ quan chức năng cần tính toán mở thêm các lối thoát cho đường Nguyễn Thái Sơn. Đơn cử như đoạn Lê Lai nối Phạm Văn Đồng.

Nửa tiếng đi được 1km

Vào giờ cao điểm, hàng ngàn xe về đường Nguyễn Thái Sơn bị dồn ứ từ chân cầu vượt đường Nguyễn Kiệm. Trên cầu, xe máy, xe hơi đông nghịt vì phía trước kẹt cứng.

Chưa dừng lại, việc ùn ứ lan rộng khắp khu vực vòng xoay nằm phía dưới cầu. Hàng ngàn xe cộ đổ dồn từ đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kiệm và Hoàng Minh Giám, Hồng Hà về khiến vòng xoay rối loạn giao thông.

Kẹt nghiêm trọng nhất tại đoạn xổ dốc cầu vượt Nguyễn Thái Sơn về ngã 3 mũi tàu (đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp) dòng xe chen cứng kéo dài gần 1km. Người dân mệt mỏi vì kẹt triền miên. Dù đang xổ dốc cầu, xe cộ vẫn phải rà thắng từng chút.

Anh Nguyễn Đức Hoàng (38 tuổi, ở quận Gò Vấp) cho biết ngày nào cũng đi làm về đường Nguyễn Thái Sơn nên không lạ lẫm gì việc ùn ứ. Nhiều năm về trước ùn ứ dữ lắm, nhưng nhờ có cầu vượt ở ngã 6 này nên đã đỡ hơn.

"Tuy nhiên, dân số và lượng xe ngày càng tăng. Hiện tại khu vực này có thể đã quá tải. Có hôm tôi đi nửa tiếng mới gần được 1km", anh Hoàng nói.

Theo người dân, gần đây có đường Lê Lai, Lê Lợi (hướng nối đường Nguyễn Thái Sơn với Phạm Văn Đồng), là lối thoát rất tốt cho điểm nghẽn nêu trên. Tuy nhiên, hiện trạng đường khá nhỏ, và đoạn cuối của đường Lê Lai còn đứt đoạn, chưa kết nối trực tiếp với Phạm Văn Đồng.

Nghẽn cầu vượt Nguyễn Thái Sơn: Cần mở thêm lối thoát đường Lê Lai - Ảnh 2.

Đoạn cuối đường Lê Lai đang bị cụt, chưa thể kết nối trực tiếp với đường Phạm Văn Đồng để tạo nên lối thoát tốt cho đường Nguyễn Thái Sơn - Ảnh: CHÂU TUẤN

Điều chỉnh giao thông trong tháng 10

Liên quan vấn đề này, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết qua theo dõi tình hình giao thông trên đường Nguyễn Thái Sơn (đoạn từ đường Dương Quảng Hàm đến nút giao thông cầu vượt Nguyễn Thái Sơn), thời gian qua là cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, đoạn từ nút giao thông cầu vượt Nguyễn Thái Sơn đến mũi tàu đường Phạm Ngũ Lão có tình hình giao thông phức tạp (đặc biệt trong khoảng thời gian từ 16h đến 19h).

Để giải quyết vấn đề này, Sở Giao thông vận tải đã và đang nghiên cứu một số cách điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực. Cụ thể, ngày 12-8-2023, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức đi một chiều tất cả các xe trên đường Nguyễn Thái Sơn, đoạn từ hẻm số 1 Nguyễn Thái Sơn đến đường Phạm Ngũ Lão (theo hướng từ đường hẻm số 1 Nguyễn Thái Sơn đến đường Phạm Ngũ Lão).

Đồng thời, sở đang nghiên cứu điều chỉnh giao thông một chiều theo hướng từ nút giao thông cầu vượt Nguyễn Thái Sơn đến đường Phạm Ngũ Lão. Đường Nguyễn Kiệm (đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến Quang Trung) tổ chức 2 chiều cho xe máy và 1 chiều xe hơi.

Sở Giao thông vận tải sẽ chủ trì lấy ý kiến các đơn vị liên quan về cách điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực này trong tháng 10.

Về việc mở rộng và nâng cấp đường Lê Lai, Sở Giao thông vận tải cho biết dự án này không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP.HCM. Đồng thời cũng không thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2020-2030.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ phối hợp với UBND quận Gò Vấp, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM và các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất UBND TP.HCM bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 khi cân đối được nguồn vốn cho dự án, làm cơ sở để triển khai đầu tư trong thời gian tới.

Nghẽn cầu vượt Nguyễn Thái Sơn: Cần mở thêm lối thoát đường Lê Lai - Ảnh 3.

Các ngả đường hướng về vòng xoay Nguyễn Kiệm đều rất đông xe cộ, gây ra tình trạng ùn ứ - Ảnh: CHÂU TUẤN

Giao thông quanh vòng xoay Nguyễn Thái Sơn có chiều hướng quá tải

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết mật độ đường giao thông đầu năm 2021 là 2,2km/km2, cuối năm 2023 là 2,38km/km2. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đầu năm 2021 là 12,2%, cuối năm 2023 là 13,88% (theo nghị định 11/2010/NĐ-CP là 24 - 26%).

Qua dữ liệu quan trắc giao thông, cơ quan chức năng đo đếm lượng xe đi lại tại 100 vị trí thuộc các tuyến đường tại thành phố.

Cụ thể, top 17 dẫn đầu lần lượt là: Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Nguyễn Hữu Thọ, Âu Cơ, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, cầu Kênh Xáng, Trường Sơn, quốc lộ 1, Phạm Hùng, quốc lộ 50, Hồng Bàng, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt.

Như vậy, gần khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn có đường Phạm Văn Đồng, Trường Sơn, Quang Trung đang nằm trong danh sách. Cùng với thực tế thời gian qua cho thấy giao thông khu vực này có chiều hướng quá tải. Xa hơn chút là đường Cộng Hòa, Trường Chinh... cũng đang chịu áp lực lớn.

Nghẽn cầu vượt Nguyễn Thái Sơn: Cần mở thêm lối thoát đường Lê Lai - Ảnh 4.Xe cộ ‘rồng rắn’ nối đuôi trên đường Phạm Văn Đồng, vòng xoay Nguyễn Kiệm

Đến 19h30 tối 23-4, tình hình giao thông trên đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) đã cơ bản ổn định. Trước đó, hàng dài xe nối đuôi nhau nhích từng chút, nhiều người phải tấp vô vỉa hè chờ hết ùn xe mới đi tiếp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp