26/08/2011 06:08 GMT+7

Nghe xuân về trong gió mùa thu

THU HÀ
THU HÀ

TT - Ông nói về thiền và thơ tình Xuân Diệu, ông viết về chất thơ trong chiến trận của Napoleon và vầng hào quang tỏa ra từ những nhân vật khốn khổ của Victor Hugo, ông đưa người đọc đến một ngõ phố nhỏ mang tên những du kích quân chống phát xít Đức ở Paris, ông ngẫm ngợi về thuyết tiến hóa của Darwin và rủ chúng ta cùng đọc lại những dòng nhật ký trong trẻo đến ứa nước mắt của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm...

Ở đâu và với ai thì cũng vẫn là ông, tài hoa, hóm hỉnh, dung dị mà uyên thâm. Ông là Cao Huy Thuần.

Wp62kNKB.jpgPhóng to

Sách do Nhã Nam và NXB Văn Học ấn hành - Ảnh: N.C.T.

Tập sách Khi tựa gối khi cúi đầu của ông, có thể gọi là bút ký, tản văn hay ghi chép, hay tập hợp của những cái đó, được cấu trúc thành bốn phần, theo bốn trạng thái trong một câu Kiều: “Khi tựa gối, khi cúi đầu, khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”.

Tâm thế của một trí thức “đánh thức xã hội, không cho xã hội ngủ” của Cao Huy Thuần đã dẫn người đọc đi từ lý thuyết chính trị của Locke (1632-1704) “Tin cậy là gốc của quyền lực” đến bản Tuyên ngôn độc lập được đọc vào ngày 2-9-1945 của Hồ Chí Minh: “Có lãnh tụ nào dân chủ đến mức ấy không? Đến mức hòa mình với nhân dân làm một. Đến mức không quên rằng mình chỉ là đại biểu của dân trong lúc dân đang say sưa uống từng lời của lãnh tụ[...]. Cho nên cái giây phút Chủ tịch ngừng lại là giây phút thiêng liêng nhất trong lịch sử nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: giây phút để nhân dân cất lên tiếng nói của mình, tiếng “Có!” khẳng khái quang vinh trao quyền chính trị cho lãnh tụ, viết lên trời đất một hợp đồng chính trị, từ giã xã hội nô lệ bước qua xã hội độc lập, tự do.

Bốn phương tám hướng phải nghe vang lên một tiếng “Có!” tưng bừng như vậy để chứng minh tính chính đáng của chính quyền vừa thành lập: chính đáng, vì đặt trên sự tin cậy toàn vẹn của người dân”. Có thể nào nói về ý thức chính trị và tình yêu nước một cách vừa biện chứng vừa thơ hơn thế?

Cũng với tâm thế của người đánh thức, ông viết về “chiến tranh trong Trịnh Công Sơn”, về “hạnh phúc trong thơ” với bao nhiêu cảm nhận bất ngờ của một người không tự nhận mình là nghệ sĩ.

Con người đi khắp thế giới, truy tìm chân lý khoa học trong sách vở cổ kim đông tây, tiếp xúc với bao nhiêu vĩ nhân, kỳ nhân và bao nhiêu người bình thường xa lạ, một sớm xuân về ngộ ra hạnh phúc đích thực không phải ở trong những vần thơ yêu hối hả rối rít gấp gáp của Xuân Diệu, mà thanh thản trong những vần thơ mộc mạc giản dị đến ngỡ ngàng của nhà thơ hiền hậu Tế Hanh:

Sáng nayTôi tìm thấy hạnh phúcSau một đêm yên giấcTôi nhìn thấy ánh xuân vềTrên một đóa hoa tươi.

Trong thiên tiểu luận Giữa đất và trời, Cao Huy Thuần viết: “Một người chọn chết trong lòng để sống. Một người chọn sống trong cái chết. Đừng hỏi ai đúng ai sai, nếu cách họ sống và cách họ chết đánh thức suy nghĩ của mọi người”. Đánh thức suy nghĩ, không nhất thiết bằng những điều vĩ đại, to tát.

Có thể bắt đầu từ cảm xúc mùa thu như Cao Huy Thuần - người trí thức khiến cho người đọc vượt qua được nỗi giá lạnh mùa đông, để cảm nhận được cả làn gió mùa xuân sẽ tới.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp