Loài sóc có thể nghe tiếng kêu từ các loài chim để đánh giá nguy hiểm - Ảnh: SCIENCE
Nghiên cứu mới đây của ĐH Oberlin, Ohio (Mỹ) cho thấy hàng ngày loài sóc đều dành nhiều thời gian nghe ngóng xung quanh, đặc biệt từ chim trời, để xác định liệu có nguy hiểm hay không.
Trước đây, nhiều nhà sinh vật học cho rằng đa số các loài động vật đều có khả năng trao đổi với đồng loại, tuy nhiên chỉ có rất ít trong số đó có thể hiểu được tín hiệu từ những loài khác.
Trong thí nghiệm mới đây, các nhà khoa học thuộc ĐH Oberlin, Ohio (Mỹ) đã tiến hành quan sát 67 con sóc xám ở nhiều địa điểm khác nhau, như công viên hay các vùng dân cư xung quanh Oberlin.
Sau mỗi 30 giây, các nhà khoa học cho con sóc nghe một đoạn băng ghi âm tiếng kêu của chim diều hâu đuôi đỏ, rồi ghi nhận biểu hiện của chúng trong vòng 30 giây sau.
Kết quả cho thấy nửa phút sau khi nghe tiếng chim diều hâu, hầu hết các con sóc đều có dấu hiệu lo sợ: cơ thể run lên, hoặc đứng dậy bằng 2 chân quan sát, hoặc bỏ chạy. Những biểu hiện này khác hẳn với 30 giây trước khi loài sóc nghe băng ghi âm, khi đó chúng sinh hoạt bình thường.
Trái lại, khi cho sóc nghe đoạn băng ghi âm tiếng hót của bầy chim sẻ, sóc hoàn toàn không có cử chỉ lạ như trên.
Tiếng chim diều hâu có thể cảnh báo nguy hiểm cho sóc - Ảnh: SCIENCE
Các nhà khoa học cho rằng tiếng chim diều hâu mang 2 ý nghĩa: thứ nhất là đang thông báo cho đồng loại về những mối nguy hiểm, mà nguy hiểm cho diều hâu cũng phần nào mang nguy hiểm cho sóc; thứ hai, diều hâu hay kêu khi đi săn, mà con mồi của chúng thường là rắn - "kẻ thù" của sóc.
Theo GS Keith Tarvin - ĐH Oberlin, đồng tác giả nghiên cứu - không cần quan hệ sinh học quá chặt chẽ, động vật cũng có thể tận dụng những thông tin từ những loài khác hữu ích cho cuộc sống của mình.
"Nghiên cứu này cho thấy việc lấy thông tin từ xung quanh để đảm bảo an toàn trong giới động vật phổ biến hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng" - GS Keith Tarvin cho biết.
Trong một thí nghiệm khác, nhóm cho 28 con sóc nghe một đàn chim sẻ hót, trong khi 26 con khác được cho nghe tiếng ồn xung quanh, rồi ghi chép biểu hiện của từng con.
Kết quả là khi nghe tiếng chim hót, đầu sóc ngẩng lên thấp hơn khi nghe những tiếng ồn khác. Trong cả 2 trường hợp, sóc đều biểu hiện sự cẩn trọng; tuy nhiên, với nhóm nghe tiếng sẻ hót, thái độ cẩn trọng này mất đi nhanh hơn rất nhiều so với các loại tiếng ồn.
Tiếng kêu từ những loài chim xung quanh có thể giúp sóc tránh được hiểm nguy bất ngờ - Ảnh: DEVIAN ART
"Rõ ràng nghe tiếng sẻ hót là sóc nhận biết được xung quanh tương đối an toàn" - nhóm nghiên cứu viết. Tuy nhiên, nhóm cũng chỉ ra rằng khi đoạn ghi âm càng chứa nhiều tiếng động do con người tạo ra thay vì âm thanh tự nhiên, loài sóc càng khó đánh giá được tình hình nguy hiểm xung quanh.
TS Jakob Bro-Jorgensen từ ĐH Liverpool (Anh) - người không tham gia nghiên cứu - đánh giá phát hiện của nhóm ĐH Oberlin cho biết các loài động vật không chỉ có thể nhận biết mối nguy hiểm từ những tiếng kêu cảnh báo, mà thậm chí từ những dấu hiệu bình thường nhất từ nhiều loài vật khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận