23/03/2024 20:25 GMT+7

Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua của 6 họa sĩ

Với hơn 100 tác phẩm của 6 họa sĩ, trong đó có mảng tranh trừu tượng chưa từng ra mắt của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, triển lãm “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” đang thu hút đông đảo công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Triển lãm thu hút khá đông khán giả đến thưởng thức - Ảnh: H.VY

Triển lãm thu hút khá đông khán giả đến thưởng thức - Ảnh: H.VY

Diễn ra từ nay đến 31-3 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm "Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua" giới thiệu hơn 100 tác phẩm của 6 họa sĩ gồm: Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Văn Trinh, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Đình Sơn.

Khi nghệ thuật là chốn dừng chân

Khán giả có dịp khám phá 6 không gian trưng bày khác nhau theo phong cách riêng của từng họa sĩ. Sự đa dạng về chất liệu từ sơn mài, lụa, sơn dầu, acrylic; những cảm hứng phong phú về ý tưởng sáng tác...

Tất cả được tổng hòa thành một chuỗi trải nghiệm đa màu sắc và giàu cảm xúc, được The Muse Artspace tỉ mỉ sắp đặt qua từng không gian.

Đó cũng là dụng tâm của giám tuyển, nhà nghiên cứu Vân Vi dành cho triển lãm. Cô hy vọng giữa những hối hả bộn bề của đời sống hằng ngày, nghệ thuật và đặc biệt là hội họa có thể trở thành chốn dừng chân, thành điểm nghỉ ngơi.

Chầm chậm đi qua 6 không gian, đắm mình vào thế giới sáng tạo của các họa sĩ, mọi người sẽ có những phút giây tự trải nghiệm những chuyển biến cảm xúc trong nội tâm của chính mình.

Hai bạn trẻ chăm chú thưởng thức tranh của họa sĩ Phan Cẩm Thượng tại triển lãm - Ảnh: H.VY

Hai bạn trẻ chăm chú thưởng thức tranh của họa sĩ Phan Cẩm Thượng tại triển lãm - Ảnh: H.VY

Nổi bật giữa sảnh chính bảo tàng là bộ tranh lụa mang chủ đề văn hóa cổ Việt Nam của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Ông được biết đến là nhà nghiên cứu, tác giả 18 cuốn sách chuyên về văn hóa cổ và mỹ thuật, đồng thời là một họa sĩ mang phong cách đặc trưng, không trộn lẫn.

Tác phẩm của ông lấy cảm hứng từ vốn sống cổ, những câu chuyện sinh hoạt làng xã, đình chùa, đời sống xã hội và từ cả lòng yêu mến hoài cổ hướng về những miền ký ức quá vãng.

Triển lãm cũng lần đầu giới thiệu mảng tranh trừu tượng được Pham Cẩm Thượng sáng tác lâu nay nhưng chưa từng chính thức ra mắt công chúng.

Dòng tranh "trừu tượng hình học" của ông vẫn mang ấn tượng ý nhị, cổ kính đậm chất Á Đông nhưng cũng mở ra nhiều chiều không gian hiện đại với các tỉ lệ được bố cục tinh tế.

Đi sâu vào không gian bên trong, các tác phẩm "Vùng sống" đa kích thước của họa sĩ Nguyễn Văn Trinh khiến người xem lạc vào một thế giới tưởng tượng đa chiều, đa sắc đậm chất nguyên thủy hoang sơ.

Đó là thế giới mang nhiều quyền năng tự nhiên với muôn vàn sinh thể tồn tại vẹn nguyên, một thiên đường riêng do họa sĩ sáng tạo nên, đối lập với thực tế đang dần bị phá hủy hiện tại.

Bộ tranh được anh bắt đầu vẽ từ năm 2017 và liên tục làm mới theo cảm xúc thật của riêng mình. Trưng bày lần này là những tác phẩm vẽ trên chất liệu lụa và giấy giang mới nhất với nhiều thay đổi trong tạo hình, chi tiết và không gian.

Lạc vào thế giới nguyên sơ của họa sĩ Nguyễn Văn Trinh - Ảnh: H.VY

Lạc vào thế giới nguyên sơ của họa sĩ Nguyễn Văn Trinh - Ảnh: H.VY

Sống hết mình với sự thay đổi

Là tiến sĩ về thực hành mỹ thuật chuyên ngành sơn mài duy nhất tại Việt Nam, họa sĩ Triệu Khắc Tiến đang tìm hướng đi cho một phong cách trừu tượng mới trên sơn mài.

Tranh của ông mang đến góc nhìn tự do, cởi mở hơn cho cả tác giả lẫn người thưởng thức với những hiệu ứng thị giác độc đáo, hiện đại, đồng thời vẫn giữ độ sâu thẳm lắng đọng, lộng lẫy, tinh xảo của các chất liệu son, vàng và then truyền thống.

Thưởng thức tranh của họa sĩ Triệu Khắc Tiến - Ảnh: H.VY

Thưởng thức tranh của họa sĩ Triệu Khắc Tiến - Ảnh: H.VY

Còn học trò ông, họa sĩ Vũ Văn Tịch lại mang đến những tác phẩm sơn mài lưu giữ cảm xúc của tuổi trẻ. Tranh của Tịch mang sức sống mãnh liệt của những loài hoa cỏ đẹp tinh tế rực rỡ, với những lớp màu mỏng đa sắc trên bề mặt và màu nền kim loại trong suốt, sâu thẳm.

Tịch được đánh giá cao về kỹ thuật xử lý sơn ta và các thủ pháp biểu đạt nghệ thuật đầy cảm xúc. Anh cũng đang trong hành trình phủ định chính mình để tìm hướng thay đổi, phát triển nghệ thuật của bản thân.

Với bộ tranh "Miền biển", họa sĩ Nguyễn Đình Sơn mang đến những tác phẩm theo phong cách biểu hiện thú vị về những thay đổi của vùng ven đô thị.

Tranh của anh mở ra thế giới muôn màu với những góc nhìn cận cảnh chú tâm và đầy tình cảm về đời sống thường nhật giản dị, qua đó bộc lộ những cảm nhận sâu sắc từ bên trong.

Tranh trừu tượng biểu hiện của họa sĩ Nguyễn Quang Trung lại mang đến chiều sâu với kỹ thuật "nhốt sáng" đặc biệt, lưu lại những khoảnh khắc vận động không ngừng, vừa hiện hữu đã chuyển đổi và dần tan biến.

Phong cách của ông được nhận xét không hề lỗi thời mà đang phát triển và song hành dòng chảy đương đại, vừa tinh tế như thủy mặc vừa mạnh mẽ và tràn trề sức sống.

Theo giám tuyển Vân Vi, điểm chung của 6 họa sĩ chính là sự hết mình với đam mê nghệ thuật và đều đang mạnh mẽ thay đổi. Tất cả đều không ngừng tìm tòi nghiên cứu, đầu tư thời gian khám phá để làm mới chính mình và mang đến những sáng tạo nghệ thuật đương đại giá trị.

Chiêm ngưỡng gốm Atlantis cổ xưa như trục vớt từ đáy biểnChiêm ngưỡng gốm Atlantis cổ xưa như trục vớt từ đáy biển

Gần 150 tác phẩm tranh, gốm Atlantis và Pandora mang vẻ đẹp độc đáo, cổ xưa như được trục vớt từ đáy biển sâu của ba nhà giáo, họa sĩ Lê Đàn, Trần Chí Lý và Võ Văn Việt đã gây bất ngờ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp