25/10/2019 14:15 GMT+7

'Nghệ thuật' dạy con làm việc nhà

NGUYỄN THỊ KIM DUNG (Q.Bình Tân, TP.HCM)
NGUYỄN THỊ KIM DUNG (Q.Bình Tân, TP.HCM)

TTO - Cha mẹ không thể dạy con làm việc nhà bằng cách đứng 'chỉ tay năm ngón', mà hãy xắn tay vào làm cùng con, và phải quyết tâm.

Nghệ thuật dạy con làm việc nhà - Ảnh 1.

Để trẻ làm việc nhà, rất cần sự đồng hành của cha mẹ. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (Q.5, TP.HCM) học cách xếp quần áo - Ảnh: NHƯ HÙNG

Dạy con làm việc nhà là một hành trình rất gian nan, nhất là với trẻ ở đô thị có điều kiện sống tốt và nhiều mối quan tâm khác. Tuy nhiên có thể thay đổi được, bắt đầu từ sự quyết tâm của cha mẹ.

Phải cương quyết từ chuyện nhỏ

Khi con gái đầu vào học lớp 6, con trai út vào học lớp 3 - tôi đã nghĩ đến việc dạy con làm việc nhà, bắt đầu từ việc gấp quần áo. Vì bận công việc, thường xuyên về nhà trễ nên tôi dặn chị giúp việc hướng dẫn hai bé làm việc này.

Bẵng đi khoảng hai tuần, tôi mới sực nhớ ra và kiểm tra thì thấy tủ quần áo của hai con khá thẳng thớm và ngăn nắp. Nhưng con trai út hồn nhiên: "Toàn dì Bảy gấp không đó mẹ". Chị giúp việc phân trần: "Em kêu làm mà hai đứa đâu có chịu làm. Cũng có bữa hai đứa có ngồi gấp nhưng chỉ được vài cái thì bỏ đi. Thế là em gấp giùm luôn".

Giận quá, tôi kêu hai con ra mắng cho một trận, đồng thời giao thêm một số việc cụ thể như dọn cơm, dọn bàn ăn, quét nhà, lau nhà, rửa chén... kèm theo yêu cầu phải tự phục vụ, không được ỷ lại người giúp việc.

Bên cạnh đó, tôi cũng chủ động về nhà sớm hơn để giám sát các con. Những ngày đầu khi gọi các con xuống dọn cơm, cả hai đứa đều trả lời: "con chưa đói". Chưa đói thì tôi chờ. Đến lúc đói quá, hai đứa chạy ùa xuống nhưng tôi cương quyết bắt con phải lấy chén, đũa, rót nước mắm, xới cơm... 

Dưới sự ép buộc của cha mẹ, con gái tôi dọn cơm mà mặt nặng như chì, còn con trai thì nước mắt ngắn dài, không hiểu vì lóng ngóng hay cố tình mà làm rơi chén nước mắm xuống sàn. Tôi vẫn cương quyết: "Nếu không dọn cơm thì khỏi ăn". 

Ăn cơm xong, biết là phải dọn bàn ăn và rửa chén, cả hai đứa con tôi đều ăn vội ăn vàng rồi chạy ào về phòng riêng: "Con phải học bài, hôm nay nhiều bài lắm" - lý do này thì mẹ thua rồi.

Đồng hành và "huấn luyện"

Thế là tôi thay đổi "chiến thuật": các con sẽ làm việc nhà vào cuối tuần và tôi cho người giúp việc nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Đây là quyết định cực kỳ khó khăn đối với tôi và ông xã vì chúng tôi thường xuyên phải trực, làm việc vào cuối tuần. Tuy nhiên, tôi quyết định xin cơ quan cho nghỉ phép vào những ngày cuối tuần để đồng hành cùng con.

Những ngày đầu, việc dạy con làm việc nhà không hề dễ dàng khi các con tôi nại đủ thứ lý do: mệt, bận học, lau nhà thì đau lưng, rửa chén thì nước bắn hết lên người, phụ mẹ làm bếp thì nại sợ đứt tay, sợ rửa rau không sạch... nhưng tôi vẫn cương quyết nếu không phụ mẹ thì sẽ không có cơm để ăn. 

Đồng thời phải hướng dẫn chi tiết từng thứ: sợ rửa chén ướt hết người thì vặn nhỏ nước lại và làm cùng con. Quét nhà, lau nhà cũng vậy, mẹ cũng đau lưng nhưng sẽ làm cùng con.

Ngay cả nề nếp sinh hoạt cũng vậy, cả hai con tôi đều có thói quen thay quần áo ở đâu là vứt đó, sau đó người giúp việc sẽ đi gom và bỏ vào máy giặt. Thì nay, tôi không cho người giúp việc làm chuyện đó nữa, kèm theo dự đoán nếu con không bỏ đồ dơ vào sọt thì nó sẽ nằm nguyên trên sàn. Sau một tuần con sẽ hết đồ mặc. 

Và đúng như thế thật, có lần con trai út của tôi tìm không ra một bộ đồ mặc ở nhà, dĩ nhiên lần đó cháu phải mặc lại bộ đồ cũ đã bị vứt lăn lóc trong gầm bàn học mấy ngày - vừa dơ vừa hôi khiến cháu nhớ đến tận bây giờ.

Dần dần, từ chuyện cho người giúp việc nghỉ hai ngày cuối tuần, tôi đã cho chị nghỉ luôn. Sau đó tôi tìm người giúp việc theo giờ. Đến khi hai con vào học THPT, tôi không thuê người giúp việc nữa bởi các con đã tự làm được tất cả mọi việc trong nhà. Hơn thế nữa, cả hai con tôi đều đã biết vào bếp một mình nấu được bữa cơm đơn giản khi mẹ đi công tác.

Nghệ thuật dạy con làm việc nhà - Ảnh 2.

Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) học làm sushi - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hiện giờ, con gái lớn của tôi đang học ở nước ngoài. Cháu vẫn luôn cảm ơn mẹ ngày xưa "quá dữ" khi dùng kỷ luật sắt để dạy con làm việc nhà bây giờ cháu dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới, biết chủ động sắp xếp cuộc sống của bản thân nơi xứ người một cách khoa học. Thậm chí, con gái tôi còn là "ma ma" của đám bạn du học sinh khi thường xuyên tư vấn cho các bạn nấu ăn, mua sắm, sắp xếp phòng trọ...

Con trai tôi cũng vậy, khi chị hai đi vắng, ở nhà cháu phụ tôi làm tất cả việc nhà. Mới đây cháu đã tâm sự ngày xưa giận mẹ lắm, cứ ép tụi con làm những việc vô nghĩa. Nhưng bây giờ con mới nhận ra làm việc nhà cũng là cách rèn luyện sức khỏe, xả stress và có trách nhiệm hơn với gia đình. Cháu nói khi biết làm việc nhà con mới thấy thương mẹ hơn rất nhiều vì mẹ vất vả quá!

"Mẹ không làm lại bắt con làm"

* Con không thích làm mấy chuyện như quét nhà, lau nhà, rửa chén... mà đổ rác hay chà rửa nhà vệ sinh, nấu ăn thì con lại càng không muốn làm. Mẹ cứ bắt con phải làm việc nhà với lời đe dọa: "Con gái mà không biết làm những việc nội trợ thì không được, sau này chỉ có ế chồng". Nhưng con thấy ở nhà mẹ cũng đâu có làm mấy việc đó, tất cả là do bà Tư làm hết. Bà Tư là người giúp việc nhà con đấy. Thấy không? Mẹ không làm mà cứ bắt con phải làm? (Nguyễn Thị Ngọc Nga, học sinh lớp 9 ở quận 6, TP.HCM)

* Mẹ con rất kỳ, cứ ép con phải làm những chuyện lặt vặt của phụ nữ như rửa chén, gấp quần áo, dọn phòng... Mẹ muốn biến con thành con gái hay sao đó. Con phản ứng, không chịu làm thì mẹ chê con "lười chảy thây". Ở nhà con từ xưa đến giờ, chỉ có bà nội và mẹ, các cô làm những chuyện vặt kể trên chứ đàn ông con trai như ba con, ông nội con, chú út con, có ai làm những việc đó đâu? (Hoàng Trí Vinh, học sinh lớp 7 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Con lười làm việc nhà vì được ba mẹ cung phụng đầy đủ Con lười làm việc nhà vì được ba mẹ cung phụng đầy đủ

TTO - "Con gái tôi năm nay học lớp 11 rồi nhưng không biết làm việc nhà. Ngay cả phòng riêng con cũng không tự dọn dẹp mà để bừa bộn, dơ bẩn như ở bãi rác".

NGUYỄN THỊ KIM DUNG (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp