24/05/2018 08:34 GMT+7

Nghệ thuật đàm phán của ông Trump với hai miền Triều Tiên

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Ông Nate Kerkhoff, nghiên cứu sinh cao học khoa An ninh quốc tế tại ĐH Yonsei (Seoul), cho rằng phong cách đàm phán của Tổng thống Mỹ chính là bắt đối thủ làm "con tin" nhưng Triều Tiên không phải là đối thủ dễ dàng.

Nghệ thuật đàm phán của ông Trump với hai miền Triều Tiên - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump thường khoe mình là một nhà đàm phán bậc thầy - Ảnh: REUTERS

Bài viết của Nate Kerkhoff được NK News - trang thông tin chuyên về Triều Tiên, đăng ngày 22-5 tập trung phân tích chiến thuật đàm phán của ông Donald Trump, kết hợp cả an ninh và kinh tế, trước thềm cuộc thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ - Triều dự kiến diễn ra ngày 12-6 tại Singapore.

O ép Hàn Quốc

Tổng thống Trump có lần đã tweet: "Tôi thích đàm phán các thỏa thuận, nhất là các thỏa thuận lớn. Đó là cách khiến tôi cảm thấy vui vẻ". Và nghệ thuật đàm phán của được mô tả là biến đối thủ thành "con tin" của mình.

Trong số các "con tin" của Trump có Hàn Quốc, vốn hứng chịu những cơn bão chỉ trích của doanh nhân này kể từ khi Trump còn đang chạy đua chức Tổng thống.

Ông Trump từng gọi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Mỹ - Hàn là một thỏa thuận "tồi tệ" và sẵn sàng trói buộc các vấn đề an ninh và kinh tế lại với nhau khi đe dọa rút hết lính Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc.

Ông tiếp tục ép Hàn Quốc phải nhượng bộ một số điều khoản có lợi cho Mỹ khi dùng cuộc đàm phán sắp tới với ông Kim Jong Un tạo sức ép lên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bằng cách tuyên bố sẽ không vội tái đàm phán FTA với Hàn Quốc cho đến khi kết thúc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Và chiêu thức đàm phán của Trump cuối cùng đã mang lại lợi ích cho Washington. Theo nội dung FTA Mỹ - Hàn được điều chỉnh mới nhất, Hàn Quốc chấp nhận giảm xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ đồng thời mở rộng hạn ngạch ôtô của Mỹ vào thị trường Hàn Quốc.

Nghệ thuật đàm phán của ông Trump với hai miền Triều Tiên - Ảnh 2.

Truyền hình Hàn Quốc thông tin liên tục về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh: REUTERS

"Rung cây nhát khỉ" với Triều Tiên

Tuy nhiên, đàm phán với Triều Tiên sẽ khác biệt với các đối thủ khác như Hàn Quốc hoặc các nước thành viên trong Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Đối với những nước này, ông Trump cố gắng chia nhỏ các thỏa thuận để đàm phán, trong khi đối với Triều Tiên, ông tự tạo ra thỏa thuận.

Thứ hai và quan trọng hơn, trên cương vị là Tổng thống, ông Trump chưa bao giờ đàm phán với một đối thủ nào giống như Kim Jong Un. Không có ai trên thế giới giống như nhà lãnh đạo Triều Tiên cả. Ông Kim xuất thân từ một triều đại lãnh đạo cha truyền con nối và luôn muốn củng cố quyền lực bằng cách loại bỏ tất cả những kẻ thách thức trên con đường hoan lộ của mình.

Ngoài ra, do Triều Tiên là một đất nước khép kín nên rất khó để thu thập tin tức tình báo. Ông Kim cũng có thể đơn phương hủy gặp thượng đỉnh với ông Trump mà không phải nhượng bộ bất cứ điều gì. Nói cách khác, Triều Tiên sẽ không bị ông Trump bắt làm con tin một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, ông Kim nhận được điểm cộng từ dư luận khi xuất hiện đĩnh đạc và tràn đầy năng lượng trong cuộc gặp mới đây với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong sự kiện thượng đỉnh liên Triều mới đây. Ông Kim cũng nhận được sự hậu thuẫn mang tính biểu tượng từ Trung Quốc qua hai chuyến thăm liên tiếp trong chưa đầy hai tháng.

Do đó, ông Kim đang ở thế thượng phong và nếu cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore sắp tới có trục trặc gì, gánh nặng sẽ dồn sang vai Tổng thống Mỹ.

Cuộc chơi đàm phán đã bắt đầu. Washington đã tiến hành các chiến thuật tiền đàm phán với Bình Nhưỡng. Các tin tức gần đây cho biết ông Trump lên kế hoạch yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, ngay lập tức, không thể đảo ngược, và có thể kiểm chứng mà không phải nhượng bộ bất cứ điều gì.

Tân ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng ủng hộ lập trường này. Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng lần 2, ông Pompeo nói: "Chúng tôi sẽ không giảm cấm vận đối với Triều Tiên cho đến khi chúng tôi đạt được các mục tiêu của mình".

Tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng tuyên bố Washington đang xem xét mô hình phi hạt nhân hóa của Libya. Tuyên bố của John Bolton rõ ràng là một âm mưu, giống như một con mèo đang đòi bảo đảm an toàn cho một con chuột.

Nhà lãnh đạo của Libya Muammar Gaddafi từ bỏ vũ khí hạt nhân năm 2003 theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế, và cuối cùng ông này bị lật đổ và xử tử vào năm 2011 bởi chính những người đồng hương của mình với sự ủng hộ của NATO.

Ông Kim Jong Un sẽ đến Singapore với chiến thuật đàm phán như ông Trump hay hiểu nôm na là dùng "chiêu thức của Trump" để đàm phán với ông Trump, tức là liên tục đe dọa "mang lại những cơn bão" nhưng cuối cùng chỉ mang đến "những cơn mưa phùn".

Trên tài khoảnTwitter của mình, nhà lãnh đạo Mỹ tự tin cho rằng đàm phán chính là nghệ thuật của ông. Nếu ông Trump bằng cách nào đó đạt được thỏa thuận như ý muốn với Kim Jong Un (tức có được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên), có thể thế giới sẽ xem ông là một nghệ sĩ đàm phán thực thụ như cách ông ấy đang tự phong cho mình.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp