Cô Lương Thị Hoa đứng lớp dạy học trò ở điểm bản Chà Lò, Trường tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
"Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích, không phải chỉ làm công. Chúng ta làm thầy... Chúng ta mà muốn thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ 10 năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy 10 năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác".
Những lời mô tả về sứ mệnh của nghề giáo vừa tự hào, vừa đầy trách nhiệm đó đến hôm nay dường như vẫn chưa hề cũ. Đã gần 80 năm qua kể từ ngày những dòng chữ ấy được viết ra, "nghề thầy" có gì khác trước? Khi đặt cho mình câu hỏi này, tôi nhớ đến một câu nói của John Cotton Dana (nhà văn hóa lớn của nước Mỹ): "Ai đã dám dạy thì không bao giờ ngừng học".
"Dám dạy", chỉ một từ ngắn gọn nhưng rất "đắt" để đúc kết những thách thức của nghề giáo. Thế kỷ trước, cụ Hoàng Đạo Thúy cũng đã từng nhắc đến thiệt thòi của những ai "dám" chọn làm "nghề thầy". "Chúng ta đã không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất".
Thế kỷ này, người thầy lại càng phải đối mặt với nhiều thách thức mới lạ hơn. Những tiến bộ về công nghệ thông tin khiến cho tri thức mới được tạo ra ồ ạt mỗi ngày mà chỉ chậm một chút, người thầy có thể dễ dàng bị bỏ lại phía sau, có khi là bởi chính những học trò của mình!
Thời đại trước, người thầy có thể mang kinh nghiệm và bài học từ chính cuộc đời của mình để dẫn dắt học trò tiến vào tương lai. Thời đại này, người thầy buộc phải nhận lãnh lấy trách nhiệm đó trong một tương lai mà chính mình và cả nhân loại còn mù mờ về nó.
Thế nên, "nghề thầy" trong thời đại này đòi hỏi nhiều chữ "dám": dám hy sinh, dám nhận lấy trọng trách khó; và đặc biệt là dám bước ra khỏi vị thế "cao ngời trên bục giảng" để trở thành một người đồng hành, đi bên cạnh học trò. Bởi trong thời đại bùng nổ thông tin này, không ai có thể là người biết hết mọi thứ dạy hết mọi điều.
Người thầy trong thời đại mới sẽ dịch chuyển dần từ sứ mệnh là người trao truyền kiến thức của quá khứ sang là người nâng đỡ cho học sinh trên hành trình "tự lực khai sáng, tự chủ tương lai" của các em.
Nhưng "dám dạy" thôi chưa đủ! Để làm tốt công việc của mình trong bối cảnh mới, mỗi nhà giáo cần phải chủ động điền nốt vế còn lại của phương trình "nghề thầy", là "chịu học". Học để cảm nhận rõ ràng hơn những vấn đề mà thời đại đang đặt ra cho con người, để định nghĩa lại chân dung mới của học trò và sứ mệnh mới của mình trong thời đại ấy, để tư duy lại cách làm sao để đi dài và đi xa trên hành trình mình đã nhận lãnh. Tiếc thay, trong mắt nhiều người, học vẫn là việc của học trò, không phải việc của thầy cô!
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra thử thách chưa từng có với ngành giáo dục và chưa dừng ở đó. Không ít nhà giáo đang trong cảm giác bị rút mòn sức lực. Nếu "dám dạy" là ngọn lửa nhiệt huyết cần có để người thầy mạnh mẽ dấn thân cho hành trình cùng học trò "đốt đuốc" đi tới tương lai; thì "chịu học" chính là nguồn năng lượng để giữ cho ngọn lửa ấy luôn bền bỉ. Nếu "dám dạy" đưa người thầy tiến về phía trước, thì "chịu học" giữ cho họ không bị tụt lại phía sau!
Vì vậy xin hãy trao cho người thầy sự ủng hộ, sự tin cậy và cả sự bao dung để họ dám đương đầu nhận lãnh trọng trách. Hãy tạo điều kiện để người thầy có những khoảng lặng, những cơ hội để "không ngừng học". Đó mới là những điều thiết thực nhất không phải cho người thầy; mà là cho chính tương lai của giáo dục, cho chính tương lai của con em chúng ta!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận