Nghệ sĩ Vương Cảnh - Ảnh do nghệ sĩ Vy Thúy Hằng cung cấp
Nghệ sĩ Vương Cảnh đã qua đời tại nhà riêng lúc 8h ngày 17-2 do nhồi máu não. Nghệ sĩ Vương Cảnh sanh năm 1960 ở Sài Gòn. Ông tên thật là Nguyễn Sơn Hùng. Ông theo nghề hát khá sớm và từng đi qua rất nhiều đoàn danh tiếng.
Soạn giả Đăng Minh - người có thời gian làm việc rất lâu với Vương Cảnh - kể Vương Cảnh có vóc dáng sáng đẹp, giọng hát hơi dài trữ tình với phong cách biểu diễn duyên dáng, sống động nên trong những năm 1990, anh toàn hát kép chánh và tên tuổi nổi rần rần.
Nghệ danh Vương Cảnh là tên ghép của nghệ sĩ Minh Cảnh và Minh Vương mà Vương Cảnh rất hâm mộ, bản thân anh cũng bị ảnh hưởng bởi phong cách của tài danh Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương…
Nghệ sĩ Vương Cảnh có vóc dáng sáng đẹp, giọng hát hơi dài - Ảnh do nghệ sĩ Vy Thúy Hằng cung cấp
Ở đoàn Trung Hiếu, Vương Cảnh hát chánh cùng Phượng Hằng trong các vở Tình không biên giới. Lệnh truy nã… Với Tình không biên giới, anh đã đoạt huy chương cá nhân vai Tùng trong Liên hoan cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
Hồi đoàn Phước Chung mời về, Vương Cảnh thế vị trí kép chánh của Minh Phụng và rất nổi tiếng với vai Thạch Sanh.
Theo ông Đăng Minh, Vương Cảnh đã góp phần cứu một số đoàn hát. Như khi đoàn Sài Gòn 3 rơi vào giai đoạn khó khăn, đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã dựng vở Con thuyền không bến, Vương Cảnh đóng cặp với Linh Huệ đã vực dậy đoàn hát khi rất nhiều suất hát đầy kín rạp.
Khi về Trần Hữu Trang, anh hát chánh cùng Cẩm Tiên vở Vợ tạm chồng hờ mà khi đó nghệ sĩ Thanh Ngân, Lê Giang… còn là cô đào nhì.
Những năm sau này nghệ sĩ Vương Cảnh thường gắn bó với chương trình Sân khấu cải lương định kỳ hằng tháng tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh do nghệ sĩ Vy Thúy Hằng cung cấp
Tuy nhiên, người ta hay nói "nghệ sĩ có tài có tật". Ông Đăng Minh nhớ lại: "Vương Cảnh thời ăn khách cũng phóng khoáng và hơi ngang tàng nên cũng làm phật lòng không ít người.
Có một giai thoại người trong giới hay nhắc là lúc Vương Cảnh đóng vở Duyên chị tình em cùng Cẩm Tiên, một vở thường xuyên cháy vé. Trong đó, có cảnh Vương Cảnh được kéo cho bay lên nhưng bữa đó anh… xỉn, vậy là đập ngực vào thềm sân khấu tưởng chết!".
Ngang tàng thế nhưng đến trước những ngày phát bệnh, Vương Cảnh lúc nào cũng ham hát và vì vậy soạn giả Đăng Minh đã thực hiện đến 5 tuồng cải lương Vương Cảnh đóng chánh để phát cho một kênh truyền hình cáp.
Nghệ sĩ Vương Cảnh gây ấn tượng với "giọng kim pha thổ" - Ảnh do nghệ sĩ Vy Thúy Hằng cung cấp
Và sau bao ngày chống chọi với bệnh tật, giọng ca mà như đạo diễn Thành Bỉ - người cộng tác với Vương Cảnh trong nhiều chương trình Sân khấu cải lương định kỳ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - nhận xét: "Rất lạ, ấn tượng, giọng kim pha thổ rất hay khiến nhiều khán giả yêu mến!" đã ngừng tiếng.
Tang lễ nghệ sĩ Vương Cảnh được tổ chức tại nhà riêng, số 730, Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM. 7h ngày 19-2, ông được đưa đi hỏa táng tại Bình Dương, sau đó đưa tro cốt về chùa Nghệ Sĩ, quận Gò Vấp, nơi ông thường xuyên tham gia biểu diễn trong các chuyến thiện nguyện tại chùa trước đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận