Tự Long (bìa phải) là gương mặt quen thuộc mỗi giao thừa khi anh tham gia vào Táo quân
Chiều muộn một ngày áp Tết bận rộn, Tự Long ngồi nhớ lại những tháng năm thơ ấu nhọc nhằn đã dạy cho anh bao điều, trong đó có tài nấu ăn nổi tiếng giới diễn viên phía Bắc. Nhiều bạn diễn đã được kiểm chứng tài nấu nướng "thần sầu" của Tự Long, trong đó có Xuân Bắc.
Mâm cỗ đoàn viên
Là con của hai diễn viên đoàn quan họ Bắc Ninh, vài tháng tuổi Tự Long đã nằm dưới gầm sân khấu. Mới 9 tháng tuổi anh đã được bố mẹ gửi về quê ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh để sống cùng bà nội.
Bởi sống với bà nội, lại là con cả trong gia đình nên Tự Long phải tự lập, anh sớm biết nấu nướng và rất thích nấu nướng.
Các "đời bếp" thuở nghèo khó xưa kia từ bếp rơm của bà nội đến bếp trấu, bếp củi, bếp dầu của bố mẹ, Tự Long đều đã từng nấu. Nay thì dù rất bận nhưng Tự Long vẫn thường nấu ăn cho vợ con bởi các con "chỉ thích cơm bố nấu".
NSND Tự Long bên mâm cúng gia tiên ngày Tết
Các món ăn truyền thống vào dịp lễ Tết Tự Long đều biết nấu và nấu rất ngon. Dù đã nhiều năm sống cùng gia đình riêng ở Hà Nội nhưng năm nào anh cũng về quê ăn Tết với bố mẹ để được tự tay chuẩn bị mâm cơm tất niên cho cả gia đình.
Mâm cỗ tất niên truyền thống quê anh thường có đủ 5 đĩa, 4 bát. Năm đĩa gồm thịt gà luộc, giò nạc, giò thủ, giò hạt lựu, nộm, thêm đĩa bánh chưng mới luộc. Các món có thể thay đổi tùy từng nhà, tùy từng năm. Bốn bát gồm canh bóng, canh măng, canh miến, canh khoai tây hoặc khoai sọ.
Xưa các món đều tự làm, kể cả giò nạc cũng tự giã, nhưng nay thì giò nạc thường được đi mua. Giò thủ thì vẫn tự làm. Thịt thủ lợn xào với mộc nhĩ, nấm hương rồi gói lá chuối mới đem luộc chín.
Kinh nghiệm làm giò thủ của Tự Long là thịt phải tươi ngon, ngoài tai và lưỡi heo thì phần thịt chân giò hay thịt má lợn nên chọn miếng có mỡ nạc cân bằng để miếng giò không bị khô cũng không bị ngấy. Miếng giò phải vừa giòn vừa béo, ngọt vị thịt, thơm mùi nấm hương, đậm vị mộc nhĩ và nước mắm.
Canh măng và canh bóng thường do mẹ anh nấu; măng, bóng phải được ngâm từ đêm hôm trước. Canh khoai thường được nấu bằng nước ninh xương lợn trong khi canh miến được nấu bằng nước luộc gà với bộ lòng mề.
Mâm cơm tất niên rất quan trọng bởi đó là mâm cơm quần tụ gia đình để tống tiễn năm cũ, chuẩn bị đón năm mới. Đó cũng là mâm cơm rất đầm ấm và vui bởi chưa vướng vào những kiêng kỵ năm mới nên họ hàng, hàng xóm, bạn bè đến chơi gặp bữa đều ngồi chung và bữa ăn có thể kéo dài cả buổi.
"Giá trị của mâm cơm tất niên là sự quây quần, đoàn viên. Người ta không chỉ ăn những món ăn ngon do mình, người thân mình nấu mà còn "ăn" cả cái không khí ríu rít quanh bếp cùng nhau nấu những món ăn đầy ký ức, "ăn" cả những cái cười buông xả ngày cuối năm..." - NSND Tự Long chia sẻ.
Mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết của gia đình Tự Long do anh và vợ chuẩn bị (cỗ cúng ông Công ông Táo không phải cỗ tất niên) - Ảnh: NVCC
Và con gà lễ
Ngoài mâm cỗ tất niên thì chiều 30 Tự Long còn cùng mẹ chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa với gà lễ, xôi vò, chè đỗ đãi, hoa quả, trầu cau, đĩa gạo và nhiều khi có cả đĩa kẹo lạc gia đình tự nấu.
Trong đó gà lễ rất quan trọng. Con gà lễ thường do chính tay Tự Long chuẩn bị, thỉnh thoảng bố anh làm, bởi theo tục lệ địa phương thì việc cắt tiết gà và luộc gà cúng 30 Tết phải do bố hoặc con trai trưởng trong nhà làm.
Cứ chiều 30 Tết là Tự Long phải chuẩn bị 5 con gà để cúng giao thừa, cúng ngoài đình, chùa, miếu và cúng sáng mùng 1 Tết. Gà cúng đêm giao thừa phải là gà trống to béo, mã đẹp, mào to, chân cao, vàng.
Cắt tiết gà phải kiệt để khi luộc gà mào không bị thâm. Gà sau khi làm sạch thì lấy mỡ xát vào da để khi luộc có màu vàng óng, sau đó buộc tạo dáng gà, cho gà vào nồi, đổ ngập nước rồi luộc chín tới bằng lửa nhỏ để da gà không bị rách.
Món xôi vò và chè đỗ đãi thường do mẹ Tự Long làm, trong đó món chè đỗ đãi (nhiều nơi gọi là chè kho) được nấu bằng đỗ xanh đãi vỏ và đường, có thể thêm chút hạt sen.
Trước đây mâm cúng giao thừa nhà Tự Long thường có thêm đĩa kẹo lạc được bà nội nấu từ mạch nha, lạc, đường hoa mai hoặc đường phên (mật mía) bà phải tích trữ trong cả năm.
Gần đây đĩa kẹo lạc không còn góp mặt thường xuyên trong mâm cúng giao thừa nữa nhưng nó vẫn là ký ức ngọt ngào mà Tự Long muốn lưu giữ về người bà mà anh rất yêu thương, về cái thời nghèo khó, có cái gì ngon đều để dành cho ngày Tết.
Tết năm nay, Tự Long lại chở đào chở quất về cho bố và vào bếp với mẹ nấu mâm cỗ tất niên, như bao năm qua anh vẫn làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận