12/10/2016 15:40 GMT+7

Nghệ sĩ Tư Chơi và con trai Huỳnh Hiếu: bằng chứng tình yêu

PHẠM CÔNG LUẬN
PHẠM CÔNG LUẬN

TTO - Nghệ sĩ Huỳnh Hiếu là người rộng rãi, đối đãi mọi người rất tốt giống như người cha - nghệ sĩ Tư Chơi. Cơm ở nhà nấu sẵn, ai muốn đến ăn cũng được.

Nghệ sĩ Huỳnh Hiếu vừa đàn guitar vừa hát tại vũ trường Palais de Jade (Sài Gòn) trước 1975 - Ảnh tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu

Trước 1975, một số thanh niên trốn quân dịch, bí quá xin ở nhờ ông cũng cho, mà ở nhà ông thì an toàn vì cảnh sát vốn nể nghệ sĩ, không dám tự tiện khám xét.

Cả xóm ai cũng quý mến người trong nhà. Họ cũng rất quý ông Tư Chơi vì ông soạn tuồng hay, lại thân tình với bà con.

Cha, con và hình bóng cũ

Thời gian cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 tuy không còn làm thầy tuồng, ông vẫn được trả tiền khi có đoàn hát nào diễn vở của ông.

Nhận được khoản tiền nào, ông cầm đến hai quán cà phê quen thuộc của ông Tám Nhỏ và ông Sáu Đức trong hẻm, gửi lại một số tiền. Rồi mỗi lần đến thăm con cháu, ông ra ngồi quán, uống trừ dần.

Ông còn bảo chủ quán trừ vào tiền cà phê của những người ông quen trong xóm. Đó là kiểu sống hào sảng phong lưu của một nghệ sĩ luôn yêu quý bạn bè, chòm xóm nhưng thu nhập thất thường lúc có lúc không có đồng nào, luôn muốn chắc rằng mình có thể đãi đằng bạn bè.

Kiểu xài tiền này không chỉ để dành riêng để ông uống rượu dài dài như mọi người vẫn nghĩ. Hai quán cà phê trở thành chỗ ấm áp tình chòm xóm. Mỗi lần đến quán, ông Tư Chơi kêu cà phê vợt, đổ vào dĩa cho cháu nội húp, thêm chút bơ Bretel cho thơm.

Quán quen thuộc như ở nhà, đến độ một lần năm 1957, khi ra quán cùng với Huỳnh Hiếu, ông nói chuyện phải quấy với con về một chuyện gì đó. Huỳnh Hiếu khi đó 28 tuổi, có con lên 3 nhưng vẫn bị ông bắt quỳ ngay tại quán để chuộc lỗi và Huỳnh Hiếu làm ngay không dám cãi lời.

Ông làm điều đó, đôi khi để chỉ thể hiện cho mọi người biết gia đình mình dù thế nào vẫn giữ phép tắc, trên dưới.

Năm 1962, cha mẹ của Hữu Thạnh chia tay khi anh mới lên bốn. Huỳnh Hiếu là người phóng khoáng, chia tay vợ nhưng vẫn nuôi cả gia đình vợ rất đông gồm mẹ vợ, mấy người dì cậu, mấy người em vợ từ Nam Vang về tất cả hơn chục người, nuôi ngay trong nhà và trong căn nhà kế bên.

Trong chuyện đó, một phần do Huỳnh Hiếu còn thương người vợ từng sinh ra cho mình năm người con. Một lần về chơi, nghệ sĩ Tư Chơi thấy Huỳnh Hiếu buồn rầu nhắc đến vợ đã theo người khác thì nổi cơn giận, gào lên:

“Đó, bây giờ mày đã rơi vào hoàn cảnh của tao, mày có hiểu đàn bà chưa? Mày còn xao xuyến bởi cái hình bóng cũ. Tao tin mày còn xao xuyến như tao, nên mày đừng cười nhạo tao...”.

Có tài nhưng... vượt lên người khác một chút thôi

Ông Huỳnh Hiếu từng nói với Hữu Thạnh: “Ông nội con muốn ba giữ chữ hiếu, nên đặt tên ba là Thủ Hiếu!”.

Huỳnh Hiếu thực sự đã trở thành một người con xứng đáng với hào quang của cha mình. Bản thân ông cũng là một ngôi sao trong giới nhạc sĩ chuyên nghiệp trong nhiều thập niên. Muốn được điều đó, ông được ông Tư Chơi dạy dỗ rất kỹ lưỡng.

Quan niệm về cách lập thân của ông Tư Chơi truyền cho con, và từ Huỳnh Hiếu truyền tiếp tục cho Hữu Thạnh là: “Học và không chơi, có học mới thay đổi cuộc đời”, cho dù là hoạt động trong ngành giải trí cũng phải khổ công học hành luyện tập.

Hữu Thạnh cho biết ba của anh không được đến trường ngày nào, nhưng có thể nói tới năm ngoại ngữ, vốn kiến thức khá rộng nhờ thường đọc sách tiếng Pháp, tiếng Anh, rất mê đọc tạp chí Reader's Digest.

Trong suốt thời gian học đánh trống với các nhạc sĩ người Philippines ở Campuchia, ông dùng tiếng Anh. Ông biết tiếng Pháp, tiếng Khmer nhờ sống hai năm bên Campuchia, biết tiếng Quảng Đông và Quan Thoại...

Trong thời gian Tư Chơi và Kim Thoa lập gánh Kim Thoa trước 1945, Huỳnh Hiếu tuy còn nhỏ vẫn đi theo cha mẹ lưu diễn khắp nơi trên ghe bầu. Ông được cha dạy tiếng Pháp, tiếng Anh và dạy đàn, hát.

Mỗi sáng, nếu đêm trước không uống say, ông Tư Chơi dạy chữ cho con. Buổi chiều, Huỳnh Hiếu tập nhạc với nhạc công người Phi, ông Bénito, mà Huỳnh Hiếu gọi là “ông nội Bê” vì rất thân thiết.

Khi ghe trên đường tới nơi diễn, Hiếu vẫn tiếp tục tập nhạc trên ghe mỗi tối. Ông Tư Chơi nghiêm khắc với con, thấy con lui cui chơi cá cảnh, ông bắt đem liệng đi. Bà Kim Thoa mua cho chiếc xe đạp, ông cũng không cho con chơi xe vì phải lo học.

Ý chí của ông mạnh đến nỗi trong thời gian đoàn lên bờ, không lưu diễn bằng ghe, có lần ông Bénito tuân thủ lời ông đến mức tát vào mặt Huỳnh Hiếu chỉ vì mới tắm xong, Hiếu đứng trước gương săm soi chải đầu xức brilliantine mà chậm trễ việc tập đàn.

Huỳnh Hiếu nói với con: “Ba không có tuổi thơ!”. Sau này, Huỳnh Hiếu dạy học trò nghề trống rất tận tâm, không lấy tiền ai vì nhớ lại ngày xưa ông thầy cũ vì đồng lương cha mình trả mà khắc nghiệt với học trò.

Thương cha, Huỳnh Hiếu lớn lên tuy không gần gũi với ông nhưng thấu cảm được nỗi lòng cha mình. Họ đều là những nghệ sĩ nếm trải nhiều vinh quang trong nghề, nhạy cảm và được người đời thương yêu nhưng hiểu được những cay đắng của đời nghệ sĩ ăn quán ngủ đình, lang thang trên đường lưu diễn ở một đất nước nghèo khó và chiến tranh liên miên.

Ông Tư Chơi theo Nho học, luôn giữ khoảng cách, thậm chí lạnh lùng với con để dễ bề dạy dỗ. Ông dạy con: “Có tài nhưng đừng đi xa quá, chỉ vượt lên người khác một chút thôi. Vượt xa quá, người ta không hiểu mà còn đánh cho tơi tả!”.

Gần nhất là... cây gậy

Về chuyện người ta viết trên báo rằng ông Tư Chơi thuê hẳn một chiếc xích lô cho cây gậy của mình, ông giải thích với con: “Ở đời, tao thân nhất là cây gậy, vì là chỗ dựa. Quý nhất, thương nhất là đứa con gái Bửu Trân, bằng chứng của tình yêu với Phùng Há. Cái tao quý nhất không giữ được bên mình. Cái tao gần nhất là cây gậy, nên cho nó ngồi riêng một chiếc xích lô cũng xứng đáng...”.

Tuy vậy, Tư Chơi hiểu rằng cái gì mình cần, có lúc cũng không giữ được, nên ở tuổi già ông dứt khoát không dùng gậy.

Khi đã già yếu, ông thường nói “Lão lai, tài tận”. Ông hiểu luật đời, không muốn phiền con cháu. Bệnh hoạn, ông rút về Thủ Thiêm sống với người vợ cuối.

Nhiều lần Huỳnh Hiếu muốn đưa ông về nhà nuôi nhưng ông cương quyết từ chối. Có lần nhớ con, ông viết thư cho Huỳnh Hiếu, trách con từ ngày đi Nam Vang chơi ban nhạc bên đó cha con ít gặp nhau, trách xong rồi căn dặn: “Về gặp nhau, tao đưa cái nhà cho mày...”.

Sau khi nghệ sĩ Tư Chơi mất năm 1964, có một người đàn ông đến gặp Huỳnh Hiếu, tự giới thiệu là Huỳnh Thủ Tâm, con riêng của soạn giả Tư Chơi với người vợ cuối, rất giống cha.

Anh ta nói: “Ba biểu em nếu gặp khó khăn thì đến gặp anh nhờ dạy nghề!”. Huỳnh Hiếu đã hướng dẫn tận tình người em cùng cha khác mẹ. Huỳnh Thủ Tâm học đàn guitar, giỏi nghề và tự kiếm sống, không thành gánh nặng của anh mình. Anh chơi nhạc ở các nhà hàng nhỏ, bar rượu ở Sài Gòn trước 1975 và mất sớm.

PHẠM CÔNG LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp