11/10/2016 09:25 GMT+7

Nghệ sĩ Tư Chơi trong cơn mơ gọi tên Phùng Há

PHẠM CÔNG LUẬN
PHẠM CÔNG LUẬN

TTO - Nghệ sĩ Tư Chơi sinh năm 1907 (Đinh Mùi) ở Bến Tre. Tuy là người thành công trong nghề, lấy được người vợ đầu là ngôi sao sân khấu Phùng Há, ông Tư Chơi không hưởng hạnh phúc với bà lâu.

Soạn giả Huỳnh Thủ Trung, tức Tư Chơi - một ngôi sao sáng chói làng cải lương thập niên 1930-1950, nay đã bị lãng quên               -Ảnh tư liệu gia đình nghệ sĩ -Huỳnh Thủ Hiếu
Soạn giả Huỳnh Thủ Trung, tức Tư Chơi - một ngôi sao sáng chói làng cải lương thập niên 1930-1950, nay đã bị lãng quên - Ảnh tư liệu gia đình nghệ sĩ -Huỳnh Thủ Hiếu

Nặng tình Phùng Há

Chỉ sau hai năm sống chung, cuộc hôn nhân giữa nghệ sĩ Tư Chơi và ngôi sao Phùng Há tan rã. Tư Chơi rời gánh hát Tái Đồng Ban, bà Phùng Há về thăm quê nội Trung Hoa, gửi con gái chung của hai người là Bửu Trân (1926 - 1959) cho em ruột dưỡng nuôi. 

Ông mất vợ, xa con và con gái của ông cũng không mang họ của ông, lấy họ Lý của dưỡng phụ. Theo Hữu Thạnh, vết thương lòng của ông nội anh khi chia tay bà Phùng Há lớn hơn nhiều người nghĩ. 

Sau này khi lấy được nghệ sĩ Kim Thoa - một nghệ sĩ hát hay, xinh đẹp và tài danh, ông Tư Chơi không nguôi nhớ đến bà Phùng Há, thậm chí trong lúc ngủ và những lúc riêng tư vợ chồng, ông còn gọi tên bà. 

Điều đó không khỏi gieo nỗi niềm cho bà Kim Thoa và góp phần dẫn đến sự chia tay dù hai người đã sống cùng nhau nhiều năm.

Có lẽ còn nặng tình với nghệ sĩ Phùng Há, sau khi chia tay bà và trở thành chồng của nghệ sĩ Kim Thoa, soạn giả Tư Chơi vẫn viết nhiều vở tuồng “hương xa” cho đoàn Phụng Hảo của Phùng Há, vừa viết tuồng xã hội cho đoàn Kim Thoa của vợ mình. 

Tuy có người vợ sắc vóc đẹp, hát hay, danh tiếng, khi ra đường, ông không mấy khi nắm tay vợ, đi đâu cũng chồng đi trước, vợ lẽo đẽo theo sau. Con cháu của ông hiểu trong lòng ông còn mối vương vấn người vợ trước và nặng tình thương con gái đầu lòng. 

Dần dà, ông chìm vào men rượu rất sớm, hủy diệt cuộc đời. Rồi nhiều điều nảy sinh trong cuộc sống chung làm rạn nứt mối quan hệ giữa ông và nghệ sĩ Kim Thoa, dẫn đến cuộc chia tay khoảng thời gian trước năm 1954. Đến năm 1959, con gái Bửu Trân mất khiến ông suy sụp hẳn.

Sau này, bà Kim Thoa sống đến cuối đời với một bác sĩ ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Hữu Thạnh nghĩ rằng bà nội mình cũng có những buồn hận ông chồng quá nặng tình người cũ nên đối với con trai Huỳnh Thủ Hiếu, bà không gần gũi chỉ vì ông Hiếu quá giống cha từ diện mạo đến tài năng.

Trong trí nhớ của Hữu Thạnh, hình ảnh của ông nội những năm cuối đời thật buồn. Lúc đó, ông sống với người vợ cuối cùng ở Thủ Thiêm, thỉnh thoảng về thăm con trai và những đứa cháu nội ở căn nhà số 809/47 Trần Hưng Đạo, Q.1. 

Không biết ông đi bằng gì, luôn xuất hiện bất ngờ trước nhà, dáng người tầm thước, tóc hoa râm, bỏ áo vô quần tươm tất. Có lúc tỉnh, nhiều lúc say, không mấy khi thấy vui.

NSND Phùng Há - Ảnh tư liệu gia đình

 

Ngón đàn tuyệt diệu

Nhạc sĩ Lê Thương, trong bài Nhớ về anh Tư Chơi (tháng 10-1991) viết: "Anh Tư tửu lượng rất khá và rất nhiều bữa đang uống, đang nói chuyện, anh Tư bỗng dưng cao hứng nâng cây kìm lên đàn chơi một bản.

Ngón đàn của anh Tư không thể dùng chữ gì khác hơn hai chữ tuyệt diệu để nói về cái nhấn, cái vuốt, cái rung, cái mổ, cái búng, cái bịt.

Nhấn rồi vuốt, tiếng đàn nghe như nỉ non, đặc biệt là khi vuốt nông, vuốt lướt khiến phát ra hư âm, đêm khuya ngồi gần nghe thấm thía lắm.

Thành ra nếu không mắc bận đi các tỉnh với công việc làm ăn, còn đang ngồi nhà mà anh Tư cho người gọi, bất kể giờ nào tôi cũng tới liền. Bao nhiêu bữa, bao nhiêu lúc chuyện trò đằm thắm mặn mà, không sao kể xiết.

Ngôi sao vẫn là ngôi sao

Hơn 60 năm trước, soạn giả Nguyễn Phương gặp soạn giả danh tiếng Tư Chơi trên đường phố Sài Gòn Tết 1954. Nguyễn Phương nói: “Anh là ngôi sao sân khấu, dù có lúc bị mây che mờ, nhưng ngôi sao vẫn là ngôi sao. Tài năng của anh vẫn có thể giành lại cho anh một vị trí xứng đáng trên vòm trời nghệ thuật”.

Ông Tư Chơi lắc đầu: “Những nghệ sĩ khác... những ngôi sao kia dù có xa rời sân khấu nhưng vẫn còn hình dáng của những vì sao. Còn tôi bây giờ là một cái khối nát vụn, chẳng còn hình thù gì rõ rệt của một vì sao”.

(Trích Soạn giả Tư Chơi, mảnh vụn của một vì sao - Nguyễn Phương)

PHẠM CÔNG LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp