Trung tâm dạy ca vọng cổ mang tên Thanh Tuấn đã hình thành được hai năm ở quận Tân Bình.
Thanh Tuấn: Tôi không thấy cực khi làm thầy
Khi Thanh Tuấn tuyên bố mở lò đào tạo ca vọng cổ thì ông đã ở tuổi ngoài 70, sô diễn còn nhiều, lại bận rộn làm giám khảo các cuộc thi cải lương uy tín như Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng…
Nhiều người nghĩ ông làm… cho vui. Chắc chỉ được thời gian không kham nổi thì ngưng.
Nhưng rốt cuộc đã hai năm rồi ông thầy Thanh Tuấn vẫn duy trì lớp học mỗi tuần ba ngày. Mỗi ngày hai buổi.
Từ mười mấy học trò, giờ lượng học viên đăng ký mỗi khóa được chừng 30-40 người.
Lứa tuổi học viên đa dạng từ mười mấy tuổi tới 40-50 tuổi. Có học viên học một, hai tháng để biết ca chơi. Có học viên gắn bó với ông thầy tới hai năm nay.
Nhờ ông thầy rèn mà có vài học viên đoạt danh hiệu á quân, quán quân một số cuộc thi cải lương cấp quận, các tỉnh.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn tâm sự với Tuổi Trẻ Online: "Ai cũng nói đi dạy cực mà tôi thì thấy vui. Ở lớp học này tôi chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là học nhịp nhàng với thầy đờn.
Tới chừng nhịp khá thì tôi dạy cách ca, luyến láy sao cho hay. Dạy các bạn mới tinh chưa biết ca thì đúng là có vất vả. Nhưng ở chỗ tôi đa số các bạn biết ca sơ sơ, thích cách ca Thanh Tuấn nên tới học, vì vậy việc dạy cũng không quá cực".
Đi học dấu cộng của Thanh Tuấn
Có thể nói trong các danh ca cải lương thế hệ vàng, Thanh Tuấn là một trong những cái tên nổi bật. Không thấy mặt, chỉ cần ông ca lên là người ta nhận ra ngay đó là Thanh Tuấn.
Cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ từng bày tỏ sự ngưỡng mộ với Thanh Tuấn: "Thanh Tuấn là một anh kép có giọng ca quá đặc biệt.
Trong các giọng ca nam thì anh là người luyến láy hay nhất. Giọng anh trong, cao, điêu luyện. Rất hiếm, và gần như không có nghệ sĩ nào có được làn hơi như anh".
Chính vì dấu ấn riêng nên nhiều nghệ sĩ sau này đã học hỏi và bị ảnh hưởng cách ca của Thanh Tuấn. Thế nên, đã có một loạt nghệ sĩ đi theo cách ca mà người ta gọi là "trường phái ca Thanh Tuấn".
Thanh Tuấn được học nhiều điều hay từ những ông thầy giỏi nghề như Bảy Trạch, Út Trọn.
Và khi mở lò đào tạo, ông ứng dụng cách dạy truyền nghề của thầy mình. Ông chia sẻ ở các thầy, điều quan trọng là dạy cho học trò mình cái gốc thật chắc.
Vì vậy, ngày đó ông được dạy kỹ nhịp nhàng với những bài bản tổ. 3 Nam, 6 Bắc, những bài Oán… Ông cho biết thời đó bài lý cũng có nhưng rất ít, có vài bài phổ biến chẳng hạn như Lý con sáo.
Cái riêng trong "lò" của Thanh Tuấn là ông chú trọng vào nghệ thuật ca vọng cổ, cải lương. Ông nói thế hệ đàn anh, đàn chị như Thành Được, Minh Cảnh, Thanh Nga, Ngọc Hương, Diệu Hiền… đã khai phá, tìm tòi cách ca để tạo nét riêng.
Đến thế hệ của mình, bản thân ông không chỉ học được cái hay của người đi trước mà cũng phải mày mò từng cách nhấn, nhả chữ sao cho câu vọng cổ hấp dẫn, quyến rũ.
"Tiền nhân đã sáng tạo ra những cái cơ bản của vọng cổ, cải lương thì đến chúng ta hôm nay được thừa hưởng và phải phát huy. Những cái gì hay ho mà anh chị đi trước và bản thân tôi đã rèn luyện, khám phá như dấu cộng độc đáo thêm cho vọng cổ, cải lương.
Mở lớp dạy cũng là cách để tôi truyền lại cho các bạn những nghiên cứu mà mình đã dày công trong mấy chục năm làm nghề.
Vọng cổ, cải lương là tiến bộ, hòa nhập thời đại. Người nghệ sĩ cũng phải biết tìm kiếm điều gì mới mẻ để chinh phục khán giả hôm nay" - Thanh Tuấn nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận