07/05/2023 14:06 GMT+7

Nghệ sĩ Phi Điểu: Làm nghề này sao rời xa khán giả được

Diễn thời trang ở tuổi 90, tự chạy xe máy đi làm, nghệ sĩ Phi Điểu dường như không bao giờ ngơi nghỉ. Đằng sau nụ cười thanh bình của tuổi già, bà có cuộc đời thăng trầm với tuổi trẻ dữ dội nhưng cũng đầy rực rỡ.

Nghệ sĩ Phi Điểu tuổi 90 trên sàn diễn thời trang - Ảnh: BTC

Nghệ sĩ Phi Điểu tuổi 90 trên sàn diễn thời trang - Ảnh: BTC

Mới đây, trong chương trình "Lụa nối miền di sản", khán giả bất ngờ khi bắt gặp NSƯT Phi Điểu tự tin trình diễn thời trang ở tuổi 90. 

Bà trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Tụi nhỏ kêu gì tui phụ nấy

* Nhiều người ngưỡng mộ khi bà ở tuổi 90 vẫn sải bước rất tự tin và "thần thái" trên sàn diễn thời trang.

- Vậy à, tui chưa coi nên có biết gì đâu. Sáng đó con trai ngạc nhiên hỏi: Ủa, má diễn gì mà hình mặc áo dài tràn ngập các báo vậy? Rồi người quen gọi lại hỏi thăm quá chừng.

Mấy năm nay tui cũng mặc áo dài đi cùng các chị em đoàn hội cho có phong trào. 

Lần này ra tới chỗ diễn tưởng tụi nhỏ kêu mình mặc áo dài chụp hình thôi, ai dè nhà thiết kế Tạ Linh Nhân dặn ra sân khấu bà đi đường này, tới chỗ kia tạo dáng rồi chỗ kia, chỗ kia rồi quay vô, ngoại diễn xong mới tới mấy đứa nhỏ ra. 

Tụi nhỏ kêu sao mình làm vậy, có tập dượt gì đâu. Vậy mà người ta khen quá trời, may quá lần đầu tiên mà không dở hén?

Nghệ sĩ Phi Điểu tự chạy xe máy đi chợ, đi chùa, đến phim trường... Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ Phi Điểu tự chạy xe máy đi chợ, đi chùa, đến phim trường... Ảnh: LINH ĐOAN

* Chưa hết, bà còn đều đặn xuất hiện trên phim trường, tham gia nhiều MV...

- Tui là người không thích ngồi yên một chỗ. Đi làm tui thấy vui thấy khỏe, chớ ngồi nhà vài ba bữa là bệnh à. 

Con tui thấy má đi hoài nóng ruột nói má bớt lại đi nhưng tui trấn an: Tụi con đừng lo, má biết lượng sức mình. 

Đi đóng phim tôi tự mình lo liệu không phiền hà ai hết.

* Bà cũng rất hay xuất hiện trong phim ngắn của các sinh viên nghệ thuật?

- Thấy mấy đứa nhỏ làm ngành này tui thương. 

Nói thiệt đi đóng phim đâu có giàu, chỉ có nổi tiếng sau đó đi quảng cáo hoặc làm thêm nghề tay trái mới có tiền nhiều. 

Làm nghề này cực, tụi nhỏ xúm lại giúp nhau thì mình đâu nỡ lấy tiền. Sinh viên non nghề nên làm đoạn 4 phút có khi mất tới hai ngày.

Xong mấy đứa nhỏ đưa bao thư 300.000 đồng, tui không lấy, nếu nó nói quá tôi biểu hay tụi con nấu nồi cháo gà ăn chung, cho ngoại một chén cũng được.

Vợ chồng nghệ sĩ Phan Nhân - Phi Điểu và nhạc sĩ Triều Dâng

Vợ chồng nghệ sĩ Phan Nhân - Phi Điểu và nhạc sĩ Triều Dâng

Đi làm cách mạng từ nhỏ

* Bà là một trong những nghệ sĩ thế hệ đầu của Đoàn cải lương Nam Bộ lừng lẫy một thời trên đất Bắc. Con đường nào đã dẫn bà đến với nghệ thuật?

- Tui tên Nguyễn Thị Phi Phi, sanh năm 1933 tại Đồng Tháp. Ba má đều là nhà giáo. Năm 1945 có nhiều biến động, cả nhà tui từ Sa Đéc qua Cao Lãnh theo ba vào vùng kháng chiến. 

Ở đây, mấy chị làm công tác phụ nữ thấy tui lanh lợi mới xin má cho tui theo hoạt động cách mạng. Từ đó tui đi làm liên lạc, ai biểu gì làm nấy.

Tui bị bắt năm 17 tuổi. Sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 có trao đổi tù binh, tui được thả, ngay đợt tập hợp văn nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Tưởng đi 2 năm mà biền biệt 21 năm đến năm 1975 mới quay trở về được miền Nam.

Hồi nhỏ, tui đi theo mấy chị ở Cao Lãnh múa hát chơi chơi, ai xúi gì làm nấy. Ban đầu tui theo Đoàn văn công quân đội Nam Bộ, sau đó là Đoàn văn công Nam Bộ. 

Ra Bắc tui biên chế về Tổng cục Chính trị, khoảng 1956 ra quân, ông Nguyễn Ngọc Bạch bên Đoàn cải lương Nam Bộ biểu tui về đoàn.

Tui được bác Tám Danh, Ba Du... dạy từng li từng tí, hoạt động chung với các anh em như Thanh Hạp, Ca Lê Hồng, Lê Thiện, Hoàng Khanh, Ngô Hồng... 

Có thể nói Đoàn cải lương Nam Bộ là điểm sáng lúc bấy giờ, toàn những người giỏi nghề nên đi đâu cũng gây được tiếng vang.

Nghệ sĩ Phi Điểu và nghệ sĩ Ngọc Thạch trong vở Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Phi Điểu và nghệ sĩ Ngọc Thạch trong vở Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Ảnh: NVCC

* Và sau đó bà chạm ngõ điện ảnh?

- Hồi đó khó khăn nên anh em các đoàn nghệ thuật luôn giúp đỡ nhau. Mỗi lần phim cần quần chúng Nam Bộ là họ qua nhờ. 

Cả Đoàn cải lương Nam Bộ từ diễn viên tới âm thanh, ánh sáng qua phụ hết, vui lắm. Từ đó tui đóng phim, có thêm niềm vui.

* Sau đó người ta lại biết bà là phát thanh viên nổi tiếng của Đài Tiếng nói nhân dân Việt Nam, sau 1975 là Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM?

- Năm 1956 tui lấy ông Phan Nhân, sau đó ổng chuyển về làm nhạc sĩ Đài Tiếng nói nhân dân Việt Nam. Lúc đó đài cần một giọng đọc miền Nam, tui thi đậu và làm luôn tới 1975.

Sau ngày 30-4, ai cũng nhớ miền Nam quá trời nên hối nhau vội vã trở về. Chúng tôi về tiếp quản Đài Sài Gòn cũ và hình thành nên Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. 

Tui phụ trách chung phòng phát thanh viên, lúc đó ít người lắm phải đi kiếm sinh viên Văn khoa về đào tạo lại. Ngoài ra tui còn đi khắp các quận huyện để hướng dẫn, đào tạo cho các đài. Tui công tác tới năm 1992 rồi nghỉ hưu.

Nghệ sĩ Phi Điểu thực hiện động tác vũ đạo ở đoàn cải lương Nam bộ - Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Phi Điểu thực hiện động tác vũ đạo ở đoàn cải lương Nam bộ - Ảnh: NVCC

Những vai không tên

* Bà giữ nhiều chuyên mục, nhưng được nhớ đến nhiều nhất ở chuyên mục Đọc truyện đêm khuya. Đến nay vẫn còn nhiều người nhớ.

- Có nhiều khán giả nghe mà mê luôn. Nhớ có lần tui bị sưng khớp phải nằm viện 21 ngày, ông Thanh Nho, giám đốc đài, vô thăm đưa thư khán giả biểu đọc đi rồi mau về trả lời. 

Trong thư có khán giả suy đoán tui bị kỷ luật, có người nói tui thiếu gạo cho con ăn (thời đó ngăn sông cấm chợ)... Họ nói bị kỷ luật để họ xin cho, còn thiếu gạo nhà ở đâu họ đem lên phụ chớ vắng tiếng đọc của tui mọi người nhớ.

Sau này tui đi quay phim, có khán giả nghe giọng không cần nhìn mặt đều nói: Giọng quen quá, bà Phi Điểu phải không, trời ơi tui mê bà lắm. Bấy lâu nghe giọng chứ có biết mặt đâu, giờ cho tui rờ bà chút nghen!

* Từ lúc làm đài đến nghỉ hưu bà gián đoạn phim ảnh, sau đó bà trở lại phim ảnh ở tuổi gần 60. Vì sao như vậy?

- Tui về hưu, mấy chị em ở phường rủ rê, vậy là tui làm chủ tịch mặt trận phường, tui "ngứa nghề" lại bày trò dựng múa, ca, kịch cho phường. 

Có lần đi thi, đạo diễn Đào Bá Sơn và tôi vốn quen biết nhau hồi ngoài Bắc, nó trợn mắt: Trời ơi, sao chị diễn cho phường? Kỳ cựu như chị phải theo em làm phim chuyên nghiệp. Vậy là tui lục tục trở lại phim trường. Toàn đóng vai không tên, bà nội, bà ngoại, bà Hai, bà Ba, bà Tư... Cũng vui!

* Và bây giờ, người ta thường xuyên thấy bà ở tuổi 90 vẫn tự đi xe máy đến phim trường. Bà có nghĩ đến lúc nào đó dừng lại vì tuổi tác không?

Nghệ sĩ Phi Điểu trình diễn thời trang Thoáng lụa xưa - Ảnh: Mai Nguyễn Hưng

Nghệ sĩ Phi Điểu trình diễn thời trang Thoáng lụa xưa - Ảnh: Mai Nguyễn Hưng

- Hồi đi làm tui có chiếc xe đạp mini. Nghỉ hưu, cháu của tui mua giùm một chiếc xe nội địa Nhật, nhỏ xíu, nhẹ hều, máy tốt lắm. 

Chạy mấy chục năm nay vẫn ngon lành. Ai cũng lo nhưng tôi thích tự do, muốn chủ động không phiền ai. 

Có bữa xong phim tuốt quận 7 lúc 3h-4h sáng, tui vẫn chạy xe về. Cứ chạy từ từ, đường vắng, mát mẻ chạy rất thích.

Tui vẫn thấy vui khỏe thì vẫn còn làm, thấy tụi nhỏ cần mình nghĩa là mình vẫn còn có ích. 

Được làm việc, nhất là với giới trẻ và với nghệ thuật, đó là niềm vui sướng rồi.

Làm nghề này sao rời xa khán giả được

* Nhiều người nói bà lúc nào cũng giản dị, dễ gần?

- Tôi đã từng trải qua thời gian khó trong chiến trường, từng phải biểu diễn ở lằn ranh giữa sống - chết, trải qua thời tem phiếu cực nhọc nên đã quen rồi. Thấy mình cũng như mọi người, cũng từ dân mà ra.

Có lần tôi nghe một cháu nghệ sĩ trẻ nói ngoại phải bịt mặt đeo kiếng cho kỹ vô. Tôi hỏi để làm gì, cháu nói để khán giả không nhận ra, họ bu vô mình mệt lắm. 

Tôi nói mình làm nghệ sĩ phải hòa nhập vào cuộc sống, người dân, có khi họ dạy lại mình với những kiến thức rất quý giá, với vốn sống đó mình bồi đắp thêm cho từng vai diễn thì còn gì bằng.

Làm nghề này sao rời xa khán giả của mình được, họ có thương có quý mới muốn gặp, cái đó là quý lắm phải trân trọng.

Mối tình với nhạc sĩ Phan Nhân

Vợ chồng nhạc sĩ Phan Nhân, nghệ sĩ Phi Điểu về Đồng Tháp trước một năm khi ông qua đời - Ảnh: NVCC

Vợ chồng nhạc sĩ Phan Nhân, nghệ sĩ Phi Điểu về Đồng Tháp trước một năm khi ông qua đời - Ảnh: NVCC

* Nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác nhiều nhạc phẩm rất hay, có nhạc phẩm nào ông dành tặng riêng cho bà?

- (Cười) Có bài Tình ca cho em mà Đình Văn hát rất hay, người ta nói có bóng dáng tôi trong đó.

Tôi nói: Ổng nhiều em lắm, chưa chắc có tui trong đó!

Tánh ổng tếu táo, tới lúc gần chết mà còn giễu: Cuối cùng có mỗi mình má Phi thôi!

Bàn thờ ổng ở nhà trước nhưng trong phòng tôi luôn có tấm hình của ổng.

Bữa nào đi đâu tôi lại gần nói: Má đi quay nha.

Ông đi theo tôi thì đi, còn không ở coi nhà cho mấy đứa nhỏ. Phù hộ cho tui đi tới nơi về tới chốn.

Đi quay hay đi đâu về, tôi cũng nói với ổng: Ba ơi, tôi về rồi nha! Vậy đó, cứ suốt ngày nói chuyện với tấm hình của ổng!

‘Người bà quốc dân’ Phi Điểu và ở nỗi ân hận tuổi 89‘Người bà quốc dân’ Phi Điểu và ở nỗi ân hận tuổi 89

Ở tuổi 89, NSƯT Phi Điểu vẫn rất nhiệt huyết với nghề. Bà nhận vai diễn xuất phát từ tình thương, lòng yêu nghệ thuật, thậm chí đi diễn không công cho sinh viên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp