Vợ chồng NSƯT Nam Hùng - NSƯT Tô Kim Hồng tại nhà sáng 20-10 - Ảnh: N.K.LAN
Nghệ sĩ Nam Hùng tên thật là Nguyễn Xúy, sinh năm 1937. Từ đất Bắc, ông theo cha lưu lạc vào miền Nam. Ông may mắn được NSND Phùng Há nhận làm con nuôi, được bà cho ăn học và truyền cho nghề hát.
Dù người mẹ nuôi có tên tuổi trong làng cải lương nhưng ông biết rõ ưu thế của mình nên không cố gắng trở thành kép chánh bằng mọi cách mà rèn luyện, học tập để trở thành một kép độc nổi tiếng.
Bằng sự cố gắng và tình yêu nghề, ông đã vươn lên và trở thành anh kép nổi tiếng cùng thế hệ với các nghệ sĩ Thành Được, Út Bạch Lan, Hữu Phước, Thanh Hải, Diệp Lang, Thanh Nga, Hùng Minh...
Khán giả không thể quên ông với các vai diễn Bình Thiếu Quân (Tiếng hạc trong trăng), Lữ Bố, Đổng Trác (Phụng Nghi Đình), Dũng (Sân khấu về khuya), Chu Phác Viên (Lôi vũ)... Và đặc biệt là vai thầy Đề trong vở Ngao Sò Ốc Hến.
Đàng hoàng cả ngoài đời và trên sân khấu
NSND Lệ Thủy xúc động khi nghe tin nghệ sĩ Nam Hùng qua đời. Trước năm 1975, bà cũng có thời gian thu âm nhiều vở tuồng với ông.
Bà nói ông xuất sắc nhất là ở dạng vai kép độc, trên sân khấu bà và ông từng đóng chung nhiều vở như Kiếp chồng chung, Thiên Kiều công chúa... Hồi ở đoàn 2-84, họ có dịp hợp tác trong vở Lôi vũ.
Nghệ sĩ Nam Hùng vai Chu Phác Viên, còn Lệ Thủy vai Lỗ Tứ Phượng. "Cái hay của ảnh là diễn vai độc rất nội tâm, vận dụng ánh mắt cực kỳ tốt. Với ảnh không có kiểu diễn ào ạt, la lối, trợn mắt. Các em trẻ nếu muốn diễn vai độc cho tốt thì anh Nam Hùng là một trong những người các em nên học hỏi" - Lệ Thủy chia sẻ.
Ngoài việc khâm phục cách diễn của ông, trong tình đồng nghiệp, bà cảm mến bởi ông là người hiền lành, ăn nói nhẹ nhàng và đặc biệt rất lịch sự, tôn trọng phụ nữ.
NSND Kim Cương trong dịp ghé nhà thăm ông hồi tháng 9 năm nay cũng khẳng định: "Ổng là một trong những nghệ sĩ đàng hoàng nhất mà tui biết!".
Đó là người nghệ sĩ mà như NSƯT Thanh Kim Huệ nói là đàng hoàng cả ngoài đời và trên sân khấu. Khi bước vào một vai diễn, ông cực kỳ nghiêm túc, thậm chí nghiêm khắc, một chữ ca cũng không sai, vai nào ra vai nấy.
"Có lẽ bạn diễn đều quen thuộc anh với những dạng vai độc uy nghiêm, độc đạo mạo, nhưng đến vai thầy Đề trong Ngao Sò Ốc Hến thì ai nấy đều... hết hồn vì không nghĩ anh diễn vai hài lẳng duyên dáng như vậy", "Thị Hến" - Thanh Kim Huệ nhớ lại.
Tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện
Nghệ sĩ Nam Hùng có được cô con gái nối nghiệp là NSƯT Thanh Thanh Tâm. Sau cuộc hôn nhân với nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa, ông nên duyên vợ chồng với NSƯT Tô Kim Hồng.
Họ cần kiệm mua được miếng đất ở Bình Chánh nhưng chẳng may lại rơi vào đất quy hoạch nên ông bà đành phải ở nhà thuê sau nhiều lần dời chỗ ở. Khi sức khỏe ông còn ổn, ông bà mở quán phở để kinh doanh.
Tuy nhiên, dạo sau này sức khỏe ông quá yếu với mười mấy chứng bệnh như suyễn, phình động mạch chủ, phổi tắc nghẽn, khớp... nên một mình bà không thể cáng đáng nổi.
Là con nuôi của NSND Phùng Há nên khi bà còn sống và qua đời, nghệ sĩ Nam Hùng cùng với mẹ rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, những việc mang lại lợi ích cho giới nghệ sĩ.
Ông đã có thời gian phụ trách Ban ái hữu nghệ sĩ, chạy lo liên hệ các bệnh viện để khám chữa bệnh cho nghệ sĩ già yếu, neo đơn.
Vậy nhưng lúc ông bệnh, mấy lần cấp cứu thập tử nhất sinh, khi mọi người muốn kêu gọi để ông được giúp đỡ, ông thường nói nhẹ: "Bệnh của tôi mỗi năm ra vô bệnh viện không biết bao nhiêu lần, mỗi lần vậy kêu gọi cô bác giúp đỡ tôi thấy ngại lắm!".
NSƯT Nam Hùng: Thương miền Trung không thở được...
Thư vợ chồng nghệ sĩ Nam Hùng gửi báo Tuổi Trẻ - Ảnh: N.K.LAN
Sáng 20-10, ngay trước ngày nghệ sĩ Nam Hùng ra đi, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ ông, dù cố gắng điềm tĩnh nhưng giọng ông khá xúc động. "Theo dõi tin tức bão lụt miền Trung trên báo Tuổi Trẻ hổm rày, tới sáng nay thì tôi nghẹn thở quá, vợ chồng tôi muốn góp chút tấm lòng với báo Tuổi Trẻ hướng về miền Trung...".
Khá bình dị và cởi mở, vợ chồng ông tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở Phú Lâm. Giọng ông rưng rưng: "Hơn 60 năm đi hát, từ những đại ban cho tới gánh nhỏ đơn sơ phông màn, suốt dải đất miền Trung không có nơi nào tôi chưa đi qua.
Miền Trung với tôi có biết bao nhiêu là kỷ niệm, báo chí nhắc tới địa danh nào là nơi đó hiện ra trong trí nhớ, từng bến bãi, từng đêm hát tới từng gương mặt khán giả.. nhớ lắm!".
NSƯT Tô Kim Hồng nhẹ nhàng tiếp lời chồng, khéo tránh cho ông cơn xúc động mạnh: Đành rằng bão lụt miền Trung xưa nay vẫn nghe quen, người miền Trung đã giỏi hứng chịu, nhưng mà kỳ này dễ sợ quá...
Bà nhắc thời còn "đi" Sài Gòn I, Thủ Đô... không ít lần bị kẹt ngoài Trung vì bão lụt, nửa đêm khán giả chạy tới đoàn cho hay nước lên, lục tục dọn gánh chạy tới chân đèo nhìn xuống thì nước đã mênh mang.
Có chứng kiến cảnh tứ bề nước dâng nhanh không thể tưởng tượng được mới thấu cảnh người già con nít ngồi chơ vơ trên nóc nhà, đau xót lắm...
Dường như dòng cảm xúc của đôi vợ chồng nghệ sĩ đồng điệu yêu thương và trắc ẩn. Ông chia sẻ, với ông, báo Tuổi Trẻ không chỉ đưa tin tức mà mỗi dòng chữ mang theo tình người đem yêu thương tới yêu thương, cho độc giả tin yêu nương tựa tinh thần.
Ông cũng như vạn độc giả bình thường của báo thôi, như anh xe ôm, ông vé số, chị buôn gánh bán bưng... góp chút lòng nhỏ nhoi với báo Tuổi Trẻ hướng về miền Trung ruột thịt.
Tay ông hơi run trao cho chúng tôi 4 triệu đồng phẳng phiu nếp gấp, giọng ông nhẹ nhàng pha chút tự hào: Sài Gòn mình, nói chung là người miền Nam mình, rất lạ, bình thường thì thấy sống vô tư vậy đó, nhưng mà "đụng chuyện", bất cứ ở đâu, miền nào gặp thiên tai hoạn nạn là miền Nam xúm lại tương trợ, cứu trợ bất kể là nghệ sĩ lớn nhỏ, người lao động cần lao hay thương gia giàu có...
N.K.LAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận