08/05/2018 15:15 GMT+7

Nghệ nhân bài chòi... mua ve chai, bán vé số

THÁI LỘC -  DUY THANH
THÁI LỘC - DUY THANH

TTO - Ban ngày bán vé số, mua ve chai để "nuôi" nghiệp hát bài chòi ban đêm. Đó là nghệ nhân ưu tú Minh Đức, tên thật là Nguyễn Thị Đức, người được xem là "báu vật nhân văn sống" của bài chòi Bình Định.


Nghệ nhân bài chòi... mua ve chai, bán vé số - Ảnh 1.

Bà Minh Đức đi buôn ve chai - Ảnh: THÁI LỘC

Thu nhập từ ca bài chòi không bõ bèn gì, vì thế trước khi biểu diễn, nhiều người bắt gặp bà với xấp vé số trong các chợ hoặc trên đường phố

Chúng tôi tìm gặp khi bà đang dắt chiếc xe đạp cà tàng trên con đường đê giữa một ngôi làng thuộc làng Hưng Mỹ, huyện Phù Cát, Bình Định. Trên yên và giỏ xe của bà chất đầy chai lọ, nhôm nhựa, thùng giấy các loại...

Bà nói: "Hôm nay không mua được nhiều hàng, nhưng may mắn là mua được chiếc xe đạp gãy để sửa lại cho đứa cháu nội đi học!"...

Đoạn trường ,

Nghệ nhân 67 tuổi này sống trong một ngôi nhà nhỏ giữa cánh đồng thấp trũng thuộc thôn Hưng Mỹ 2, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, Bình Định.

Ngôi nhà trống, không có gì đáng giá ngoài hàng chục cái bằng khen, bằng chứng nhận treo trên tường. Rất nhiều cái trong đó bị nhòe chữ do tường nhà thấm dột.

"Bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận của tui nhiều lắm mà không có chỗ để treo. Mà nhà cũng dột quá, cứ treo lên là bị mưa thấm hư!", bà Đức nói.

Chồng chết gần 30 năm trước, một mình bà Đức phải cáng đáng sáu đứa con thơ và người mẹ chồng già. Vậy mà bà cũng lăn lộn cách này cách kia, đến nay đã dựng vợ gả chồng cho năm người con, chỉ còn cậu út đang học nghề lái xe ở Đắk Lắk.

Việc dựng vợ gả chồng cho các con khiến bà Minh Đức nhiều lần... đổ nợ. Bà kể chồng mất khi cậu trai út vừa mới ra đời.

Với nghề chính là hát bài chòi và hát tuồng nhưng thu nhập cũng quá thất thường, con càng lớn thì hoàn cảnh càng khó. Bà tìm cách đi nhặt và thu mua ve chai.

Với chiếc xe đạp cũ, bà đi khắp các xã lân cận, có khi đi xa các huyện trong tỉnh Bình Định và các tỉnh như Phú Yên, Gia Lai... Những khi ve chai ế ẩm, bà chuyển sang bán vé số dạo.

Nghề hát cộng với ve chai, vé số cũng tạm nuôi sống gia đình qua ngày. Nhưng con càng lớn, đến tuổi dựng vợ gả chồng, mỗi lần như thế là bà thêm gánh nặng.

"Cả mấy đứa con không đứa nào có công việc ổn định, chỉ toàn đi làm thuê làm mướn. Nên mỗi lần cưới vợ, lấy chồng là phải lo thêm một mớ. Hết cưới xin thì tới sinh đẻ, mình cũng thăm nuôi. Rồi chuyện nhà cửa, chuyện đau ốm... vì vậy nợ nần cứ chồng chất" - bà Minh Đức chia sẻ.

Để đủ sống và gom góp trả nợ, bà Minh Đức tranh thủ từng tí thời gian. Có những hôm suốt ngày tất bật với ve chai, bà chỉ kịp về nhà cắp ngay cái bịch phục trang diễn viên lên đường đi hát bài chòi mà chẳng kịp ăn...

Nghệ nhân bài chòi... mua ve chai, bán vé số - Ảnh 3.

Nghệ nhân Minh Đức và các bằng khen liên quan đến bài chòi - Ảnh: THÁI LỘC

Nghiệp bài chòi

Gia đình bà Đức xưa ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, có truyền thống hát tuồng và bài chòi rất nhiều đời từ thời ông cố nội.

14 tuổi, bà theo cha tham gia nhiều gánh tuồng, đóng vai phụ trong những vở tuồng lớn. Hồi đó thấy bà thuộc nhiều thơ ca và tuồng tích, lại diễn xuất tốt, ứng đối nhanh, gánh bài chòi Hồng Lợi ở cùng huyện Tuy Phước thường xuyên mời bà làm hiệu.

Hồi đó chiến tranh, có khi đạn pháo bay vụt trước mặt rồi giội xuống gần bên sân diễn, người hát lẫn người xem bỏ chạy tán loạn hết cả. Vậy mà đêm sau, đêm sau nữa, sân khấu lại sáng đèn, người xem vẫn cứ đến đông như chưa từng có gì xảy ra vậy" - bà Đức kể.

Năm 23 tuổi (1974), bà Đức lấy chồng làm nghề lái xe lam. Sau khi đất nước thống nhất, bà sinh con và nghỉ hát một thời gian.

Dịp may đến với bà khi đội văn nghệ Bình An Bang ở quê chồng "tái lập" cần nhiều diễn viên tuồng và hát bài chòi để phục vụ tuyên truyền quần chúng.

Họ đến mời bà trong sự lưỡng lự của người chồng. Nhưng rồi ông chấp nhận, thậm chí đồng ý tham gia hát cùng để chính quyền giảm bớt phần lao động công ích. Thế là bà Đức cấp tốc dạy cho chồng diễn tuồng và hát bài chòi.

"Ổng đam mê từ hồi nào không hay và cả hai trở thành "hạt nhân" chính của đội hát" - bà Đức nhớ lại.

Biết bà Đức hát lại, nhiều gánh hát ở Tuy Phước, Phù Cát, Quy Nhơn hay tận trong Tuy An, Đồng Xuân của Phú Yên tìm đến mời bà.

Bà kể: "Hồi đó vợ chồng tui gần như đêm nào cũng đi diễn, khi thì đoàn này ở huyện này, khi đoàn khác ở huyện kia, giao bầy con lại cho bà nội lo. Có hôm hát ở làng nọ, người làng cứ níu hát thêm đêm nữa rồi đêm nữa. Mình cũng mê mà ở lại.

Mà đâu có tiền bạc gì, người làng góp nhau được mấy lon gạo, thêm ít khoai sắn, mắm muối đưa về nuôi con".

Đến thập niên 1980-1990 khi chính quyền bài trừ, cấm đoán những gánh hát làng quê tự phát, bà từng bị vào đồn công an.

Khoảng cuối thập niên 1990 khi phong trào bài chòi được phục hồi, bà may mắn được rất nhiều gánh bài chòi và các trung tâm văn hóa, tổ chức sự kiện mời đi hát.

Đặc biệt, bà được đặt đúng vị trí hạt nhân của bài chòi khi tỉnh Bình Định chủ trương phục hồi bài chòi trong toàn tỉnh, được mời đi tập huấn, truyền nghề và biểu diễn bài chòi khắp nơi.

Với tài năng, tâm huyết và nhiều cống hiến, bà vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015...

Dù được xem là "báu vật nhân văn sống", là thầy của hầu hết các anh (chị) hiệu bài chòi trong tỉnh Bình Định, song nghề bài chòi đem lại thu nhập chẳng bõ bèn so với chi tiêu vốn rất ít ỏi của gia đình bà.

Ngoại trừ vài đợt được mời đi tập huấn dài ngày đem lại khoản tiền kha khá, bà nhẩm tính đi hát bài chòi ở Quy Nhơn hai đêm mỗi tuần, được trả 500.000 đồng, trừ tiền xe ôm và ăn ở, số dư chỉ còn hơn phân nửa.

Đó là lý do trước khi diễn, nhiều người bắt gặp bà với xấp vé số trong các chợ hoặc trên nhiều đường phố. Vậy mà trong sân diễn tối, giọng ca của bà vẫn sang sảng, ngân nga, luyến láy...

Nghệ nhân bài chòi... mua ve chai, bán vé số - Ảnh 4.

Nghệ nhân Minh Đức (giữa) trình diễn trong lễ đón bằng UNESCO công nhận bài chòi là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại tại TP Quy Nhơn tối 5-5 - Ảnh: TRẦN VĂN

Tâm huyết với nghề

"Chị Minh Đức là người tâm huyết, nhiệt tình, luôn sẵn sàng vì nghề, chẳng những đối với bạn bè mà còn cho cả lớp trẻ. Giọng chị thật bền, khỏe, vang, ấm và ngọt, có thể hát cả đêm mà giọng vẫn hay. Trí nhớ chị cũng rất tốt, khả năng ứng biến tại chỗ rất tài.

Chị khiến chúng tôi xúc động và kính trọng vì tình yêu đối với nghề, nếu cần thì nắng nôi, mưa gió gì chị cũng vượt đường xa để đến phục vụ!"

Nghệ nhân ưu tú HOÀNG VIỆT
(Trung tâm Văn hóa - thông tin - thể thao Quy Nhơn)

************

* Kỳ tới: Món quà cho khách nước ngoài


Hội An đón bằng vinh danh bài chòi từ UNESCO

TTO - Tối 7-5, tỉnh Quảng Nam cùng TP Hội An tổ chức chương trình đón nhận bằng vinh danh bài chòi chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại do UNECO trao tặng.

THÁI LỘC - DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp