Âm nhạc tác động như thế nào đến sức khỏe con người
Âm nhạc giúp hạ huyết áp, giúp hô hấp tốt hơn, tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể, qua đó làm giảm Stress và tăng tiết chất Endorphine (một chất Morphine do cơ thể sản sinh nhằm làm giảm đau và căng thẳng) và chất S-IgA (Globulin miễn dịch A ở nước miếng) giúp mau lành bệnh, làm chậm nhịp tim và nhịp thở. Qua đó, nó cải thiện thành tích thể thao, cải thiện vận động ở những bệnh nhân đột quị hoặc những bệnh nhân bị Parkinson.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cả hai bán cầu não đều có tham gia vào việc tiếp nhận âm nhạc. Khả năng thích ứng với âm nhạc của hệ thần kinh rất lớn, vượt lên cả sự tổn hại của một trong hai hoặc cả hai bán cầu não.
Trước đây, người ta thường đề cao giá trị của thể loại nhạc nhẹ ( pop, soul, blue,…) trong thư giãn và điều trị. Một vài chuyên gia còn khẳng định rằng việc được nghe hoặc ngân nga một loại nhạc đặc biệt yêu thích sẽ có kết quả tốt hơn là một loại nhạc bất kỳ. Thế nhưng các nghiên cứu gần đây lại đưa đến kết quả là thể loại nhạc hoặc sự yêu thích cá nhân tỏ ra không quan trọng bằng chính tiết tấu, giai điệu của bản nhạc đó. Ngoài ra, mỗi hoàn cảnh cụ thể chỉ thích hợp với một loại nhạc khác nhau mà chỉ có cá nhân người đó có thể chấp nhận. Cho nên, thay vì nghe nhạc nhẹ, trên thực tế có những người khi cảm thấy đầu óc quá nặng nề, không thể suy nghỉ được gì thêm, hiệu năng làm việc sút giảm liền vào phòng riêng và mở nhạc rock thật lớn. Theo họ giải thích, điều này sẽ giúp họ hưng phấn hơn, cỗ máy trí óc sẽ được “ bôi trơn “ tốt hơn.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, người ta cũng nhận thấy rằng những quãng nghỉ ngắn giữa bản nhạc (nhạc gian tấu) có tác dụng trấn tĩnh tốt hơn. Điều này đặc biệt rõ nhất ở những người có năng khiếu âm nhạc hoặc được đào tạo bài bản về âm nhạc. Các chuyên gia giải thích rằng có thể do họ học được cách phối hợp nhịp thở với các khúc nhạc. Từ đó, họ đã đưa ra giả thuyết về tác động tốt của âm nhạc lên sức khỏe là tạo ra được sự thay đổi có kiểm soát giữa hưng phấn và ức chế.
Nhận thức theo y học cổ truyền
Y thư từ ngàn xưa còn để lại cho thấy cổ nhân đã biết sử dụng đến sức mạnh của âm nhạc trong cuộc sống, trong thời bình và cả thời chiến. Thời Hán Sở tranh hùng, mấy vạn chiến binh thiện chiến của Tây Sở Bá vương Hạng Võ đã xếp giáo tan hàng chỉ sau một đêm được nghe khúc nhạc tiêu réo rắt của Trương Lương nói về nỗi nhớ quê nhà và người thân ở hậu phương.
Sách Hoàng đế Nội kinh là bộ y dược thư cổ đại của y học phương đông cũng đã bàn đến tính chất của âm nhạc theo phạm trù nhân thân khí hóa, tức là phân tích âm thanh theo lý luận ngũ hành và tạng tượng. Theo sách này, mỗi loại thanh và âm đều có quan hệ nhất định tới mỗi tạng phủ trong cơ thể (theo đông y) ứng theo luật ngũ hành, có thể khái quát như sau :
Tạng Can ứng với âm giốc ( Mộc nhạc ) : có tính cách huyền ảo, âm điệu vời vợi, vô thường, âm hưởng mênh mang, da diết.
Tạng Tâm ứng với âm chủy ( Hỏa nhạc ) : có âm ngôn khỏe khoắn, vui tươi, âm điệu sống động.
Tạng Tỳ ứng với âm cung ( Thổ nhạc ) : có âm điệu hồn nhiên, vô tư, ồn ào, mang âm hưởng lạc quan, tươi tắn và tràn đầy hy vọng.
Tạng Phế ứng với âm thương ( Kim nhạc ) có âm ngôn tha thiết và bi ai, âm điệu trầm bổng, ngọt ngào, mang âm hưởng thanh thoát, tao nhã.
Tạng Thận ứng với âm vũ ( Thủy nhạc ) có âm ngôn day dứt, sầu thảm, âm điệu ảm đạm, rền rĩ, mang âm hưởng ủ dột, thê lương, tuyệt vọng.
Xem ra, việc chọn nhạc để nghe cho … khỏe không hề đơn giản. Nếu có loại nhạc giúp ta hưng phấn hơn, năng suất làm việc tốt hơn hoặc giúp giảm stress để mang lại sự cân bằng, thư giãn cho tinh thần thì cũng có loại nhạc khi nghe chỉ đem lại cảm giác tuyệt vọng, bế tắc, những người suy nhược tâm thể đặc biệt nhạy cảm với loại nhạc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận