Nhiều năm thực hiện với nhiều cuộc gặp gỡ trò chuyện, các bạn trẻ huyện Củ Chi (TP.HCM) đã hoàn thành tập sách Những câu chuyện mẹ kể để làm sản phẩm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Các bạn đi tìm, kiên trì nghe các mẹ Việt Nam anh hùng kể trong dòng ký ức lúc nhớ lúc quên vì tuổi tác. Và họ gọi đó là ký ức, những câu chuyện về một thời "máu và hoa" bi thương nhưng đầy hào hùng.
Những câu chuyện mẹ kể
36 câu chuyện của các mẹ ở Củ Chi được các bạn tỉ mỉ ghi chép lại. Ở thời điểm bắt tay thực hiện, có mẹ đã hơn trăm tuổi; đến khi hoàn thành, có mẹ đã hòa vào lòng "đất thép thành đồng", nơi có chồng con mãi nằm xuống cho ngày thống nhất đất nước.
Cùng nhóm phỏng vấn các mẹ tại xã An Nhơn Tây, bí thư Xã Đoàn Nguyễn Thị Thanh Thảo nói bạn nào cũng dâng trào cảm xúc tự hào khi làm công việc này.
Các bạn như được sống lại quá khứ hào hùng qua câu chuyện của các mẹ dẫu phải chịu nhiều mất mát, nén thương đau hiến dâng máu thịt của chồng con cho Tổ quốc. "Ai cũng tự thấy mình phải sống thật xứng đáng với thế hệ cha anh" - Thảo bộc bạch.
Mỗi câu chuyện như đưa người đọc quay về một đoạn hồi ức đã qua nửa thế kỷ mà như mới hôm qua. Đọc để thấy sự phi thường của tuổi trẻ đi qua chiến tranh. Họ chưa bao giờ tiếc máu xương cho đồng bào mình.
"Có lẽ không mỹ từ nào ca ngợi hết công lao và sự hy sinh của mẹ. Cũng không con số nào thống kê chính xác nỗi đau của mẹ. Bởi ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh chưa về mình mẹ lặng im" - tập sách mở đầu.
Mà quê hương Củ Chi có rất nhiều người mẹ như thế. Mẹ Bùi Thị Tám, ở ấp Chợ Cũ (xã An Nhơn Tây) tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi với công việc giao liên. 20 tuổi, mẹ lập gia đình, sinh được bốn người con.
Ngày nhận tin chồng hy sinh là lúc người con thứ ba đủ tuổi ra chiến trường. Rồi lại nhận tin người con cả hy sinh gần như cùng lúc. Mất hai người thân, những tưởng mẹ sẽ gục ngã, sẽ sợ, sẽ bảo vệ con mình, sẽ thôi không cần kiên cường nữa.
Nhưng không, mẹ tiếp tục tiễn người con thứ ba ra trận với tất cả hy vọng và niềm tin vào một ngày mai chiến thắng.
Hiện đã ngoài 90 tuổi, mẹ vẫn rất minh mẫn. Nhắc đến chồng con, mẹ lại xúc động: "Mẹ không có cơ hội nhìn mặt chồng con lần cuối, chỉ nhận được giấy báo của đơn vị gửi về. Mỗi lần nhận tin, mẹ lặng người, đau lòng chứ nhưng chiến tranh, có hy sinh cho đất nước cũng là lẽ thường tình".
Cẩm nang "Hành trình về vùng đất thép"
Chị Nguyễn Thị Đan Tâm (Huyện Đoàn Củ Chi) cho biết tập sách Những câu chuyện mẹ kể đã được tặng cho tất cả cơ sở Đoàn và chi đoàn với mong muốn góp thêm sản phẩm cho các bạn làm công tác giáo dục truyền thống của Đoàn.
Sắp tới tập sách này sẽ có thêm hình thức online để nhiều người có thể được biết câu chuyện của các mẹ Việt Nam anh hùng ở vùng đất thép Củ Chi.
Cùng với tập sách, Huyện Đoàn Củ Chi còn làm cẩm nang Hành trình về vùng đất thép. Ban đầu cẩm nang chỉ có tiếng Việt.
Sau đó các bạn đã phối hợp cùng Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chuyển thể thành song ngữ Việt - Anh, Việt - Pháp và Việt - Trung để lan tỏa thông tin đến nhiều người, nhất là du khách nước ngoài.
Hiện cuốn cẩm nang song ngữ Việt - Anh đã được các bạn đưa lên online tại địa chỉ https://online.fliphtml5.com/swdeq/bjlw/ để nhiều người có thể tiếp cận. Hai phiên bản song ngữ Việt - Pháp và Việt - Trung sẽ lên không gian mạng trong thời gian tới, như một nỗ lực của tuổi trẻ lan tỏa thông tin về các địa danh, di tích lịch sử ở Củ Chi, vùng đất thép anh hùng.
Giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2023
Công trình được khởi động từ năm 2019 này vừa được Thành Đoàn TP.HCM trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn nhân dịp 92 năm ngày thành lập Đoàn 26-3 năm nay, là một trong các mô hình nổi bật trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Bí thư Xã Đoàn Phước Vĩnh An Võ Thị Thanh Dung cho hay: "Các bạn trẻ khi đọc câu chuyện của các mẹ đang sống tại địa phương càng thấy gần gũi hơn. Rồi dịp lễ, các bạn tham gia hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, đến với các mẹ cùng các gia đình chính sách sẽ thấy tự hào hơn về truyền thống của địa phương, dân tộc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận