Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Sinh viên Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP. HCM đi thực tập tại Công ty TNHH thực phẩm chay Amala (Bình Dương) - Ảnh do nhà trường cung cấp |
Chị Giang chia sẻ: “Khi chọn nghề này gia đình không đồng ý với nhiều lý do khác nhau và bảo tôi phải cố gắng thi ĐH lại. Tôi cương quyết không thi lại, khi vào học thấy rất thích và yêu nghề này”. Chị Giang cho biết công việc bây giờ của mình là vừa kinh doanh tour, vừa điều hành nên bận rộn cả ngày. Chị Giang khuyên: “Nếu các bạn đam mê nghề nào nhưng không đủ khả năng để vào ĐH thì mạnh dạn chọn học trường nghề, sau đó đi làm rồi học lên cao hơn”.
Học lại nghề theo sở thích
Tại các trường nghề có nhiều bạn trẻ từ bỏ học ĐH để theo học nghề. Cũng có người từng tốt nghiệp ĐH, CĐ chính quy đi học lại nghề. Đinh Quốc Phong quê An Giang, sinh viên năm nhất lớp an ninh mạng Trường cao đẳng nghề CNTT iSPACE, là một ví dụ. Năm 2011, Phong tốt nghiệp ĐH ngành tài chính ngân hàng và bắt đầu gõ cửa xin việc ở nhiều nơi nhưng không nơi nào nhận. Mệt mỏi, chán nản, Phong xin vào làm ở một siêu thị tại quê. Đến tháng 4 năm nay, Phong quyết định lên Sài Gòn đăng ký học nghề an ninh mạng. “Mình thích ngành công nghệ thông tin. Đi học nghề thì ba mẹ cũng không hài lòng lắm, nhưng biết làm sao được vì mình đã học ĐH rồi nhưng không xin được việc” - Phong nói.
Không giống như Phong phải ngồi ở giảng đường ĐH suốt bốn năm, Lê Thị Nhung quê Khánh Hòa quyết định nghỉ học khi đang là sinh viên năm 2 ngành địa chất của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) để đi học nghề. Nhung bảo nghỉ học ĐH vì thấy mình không hợp với ngành này. Sau đó, Nhung đăng ký học nghề thiết kế đồ họa tại một trường nghề ở Thủ Đức. “Giờ nghĩ lại công sức hai năm đi học ĐH thấy cũng tiếc, nhưng cứ theo học mãi ngành mình không thích thì càng phí hơn!”, Nhung chia sẻ. Theo Nhung, trong lớp của bạn có khá nhiều bạn từng học ĐH nay đang theo học nghề. Tại các trường nghề như: Trung cấp nghề Nhân Đạo, Cao đẳng nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM, Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, Trung cấp nghề Việt Giao... cũng có khá nhiều cử nhân đang theo học nghề.
Đừng chê nghề!
Năm 2004, Nguyễn Tấn Chính (sinh 1984, TP.HCM) trúng tuyển vào Trường ĐH TDTT TP.HCM nhưng anh từ chối học ĐH mà đăng ký học nghề quản trị khách sạn, nhà hàng của Trường trung cấp nghề Việt Giao. Sau hơn bảy năm từ khi ra trường, giờ đây anh là tổng quản lý của một nhà hàng và bar tại Q.3 (TP.HCM) với mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Chính bảo thời điểm đó anh thấy ngành quản trị khách sạn, nhà hàng đang cần nhiều nhân lực, anh lại đam mê nghề này từ nhỏ nên đã không học ĐH mà đến với học nghề. Chính chia sẻ: “Đừng quá đặt nặng vấn đề thi và đậu ĐH. Nếu không đủ khả năng thì mạnh dạn chọn học nghề. Học để nhanh chóng có được công việc phù hợp với những gì mình học”.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Duyên Kim Trang (sinh 1989) chọn học ngành luật hệ tại chức của Trường ĐH Luật TP.HCM. Học được hai năm, đến năm 2009 Trang đăng ký học nghề quản trị kinh doanh tại Trường cao đẳng nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM. Sau ba năm học, Trang tốt nghiệp trường nghề và xin được việc làm ổn định tại Công ty cổ phần Mua sắm 247 (Q.10) đảm nhận vị trí phụ trách nhân sự, kiêm thêm trợ lý cho giám đốc. Công việc của Trang hằng ngày là chấm công nhân viên, đăng các bài viết về công ty lên mạng, có họp hành thì ghi biên bản... “Công việc không vất vả lắm, nhưng được làm việc bằng chính nghề mà mình từng học nên thấy vui...” - Trang nói.
ThS Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM, cho rằng để làm nghề một cách lâu dài và chuyên nghiệp thì phải có trình độ và kiến thức đầy đủ về lĩnh vực đó. Xu hướng đang được nhiều người lựa chọn là học thêm bằng 2 ĐH, học nghề hoặc theo các khóa học nghề sơ cấp... bởi họ muốn trang bị kiến thức để đảm bảo yêu cầu công việc mà họ đang làm hoặc muốn chuyển nghề. Theo ThS Lý, học sinh trường nghề rất tự tin trong công việc bởi thời gian học của họ chủ yếu là thực hành kỹ năng nghề nghiệp. Phần lớn học sinh trường nghề ra trường là có việc làm ngay do trong quá trình học các em đã tự đi xin việc làm và vừa đi học vừa đi làm.
Theo ThS Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong cơ cấu của một doanh nghiệp thì nhân lực có trình độ ĐH chỉ chiếm khoảng 12%. Trong cơ quan nhà nước trình độ ĐH chiếm 30-40%. Cơ cấu tuyển dụng của một doanh nghiệp bao giờ cũng ưu tiên công nhân kỹ thuật, những người trực tiếp sản xuất. Do đó những người học nghề không lo bị “ế” việc làm bao giờ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận