03/07/2021 14:19 GMT+7

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 4: Người ướp hoa 'bất tử'

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Từ một người giúp việc nơi đất khách, bà Lê Thị Việt đã học được nghề ướp hoa độc đáo. Nghề đã giúp bà thoát cảnh osin lên vị trí người chủ, trả lương cho những nhân viên giúp việc của mình.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 4: Người ướp hoa bất tử - Ảnh 1.

Bà Việt, 63 tuổi, bên những sản phẩm hoa "bất tử" độc đáo của mình - Ảnh: TÂM LÊ

"Cái độc đáo là giữ hoa được tươi mãi ở trong bình chứ không phải sau vài ngày cho vào sọt rác. Nhiều phụ nữ đã thích thú với loại hoa như "bất tử" này, đó cũng là niềm vui lớn nhất của tôi.

LÊ THỊ VIỆT

Từ osin "cao cấp"

Trong ngôi nhà nhỏ ở miền quê Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, bà Việt đang chăm chú hướng dẫn nhân viên kiểm tra màu sắc của cánh hoa và đặt từng bông hoa vào bình một cách nghệ thuật.

5 nhân viên, mỗi người một công đoạn. Người kết hoa, người ép lá, người gắn nắp, người vệ sinh keo, lau bình... Họ rất tập trung vào công việc đòi hỏi tỉ mẩn, độ khéo léo cao về thẩm mỹ.

Ướp hoa "bất tử", tươi mãi không tàn là lấy hoa tươi, dùng nguyên liệu và kỹ thuật ướp trong một khoảng thời gian nhất định. Ướp sao cho hình dáng và màu sắc hoa vẫn giữ được nguyên vẹn như ban đầu. Cuối cùng là cắm hoa, đưa vào bình thủy tinh trong suốt thành tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt.

Loại hoa ướp này có tuổi thọ 15-20 năm. Đây là phương pháp ướp hoa độc đáo, hiếm có trên thế giới. Bà Việt may mắn học được bí quyết này trong một lần xuất ngoại làm osin.

Năm 2001, bà Việt rời vùng quê trung du khó khăn, xuất khẩu lao động sang Thái Lan. Bà hy vọng kiếm được chút tiền trả nợ cho gia đình trong một dự án nông nghiệp bị đổ vỡ. Thời gian đầu bà làm công nhân trong xưởng cơ khí, sau tìm đến nghề trông trẻ.

Bà đã làm osin cho các cặp vợ chồng người Thái ở Phuket và học được nghề ướp hoa độc đáo nhờ sự cần mẫn, khéo léo của mình.

"Tôi chăm trẻ từ lúc còn bú sữa, đến khi các cháu đi nhà trẻ tôi thấy rảnh quá, thời gian lãng phí. Tôi bàn với cô chủ trẻ phải làm thêm cái gì cho mình bận rộn hơn, để quên đi nỗi nhớ nhà. Cô ấy đã tìm được thông tin nghề ướp hoa này trên sách báo" - bà Việt nhớ lại.

Nghề ướp hoa này có nguồn gốc Nhật Bản, ở Thái Lan lúc này chưa mấy ai làm. Chủ nhà cũng chưa biết cách làm, chỉ đọc tài liệu rồi hướng dẫn cho bà Việt làm từng bước.

"Tìm được nguyên liệu ướp, tôi bắt đầu thử nghiệm ướp hoa hồng. Ban đầu hoa bị thối, màu hoa không giữ được nguyên trạng. Sau nhiều thất bại thì tôi cũng ướp được hoa, niềm vui thật khó tả. Tôi hào hứng nghĩ bước tiếp theo đưa hoa vào bình.

Làm sao vừa để lưu giữ hoa lâu năm, vừa để khách có thể nhìn ngắm, đòi hỏi tính thẩm mỹ cao mới bán được" - bà Việt cho biết cô chủ trẻ là người làm kinh doanh nên đã tìm được đầu ra cho sản phẩm trên đất Thái một cách dễ dàng.

Nhu cầu thị trường lớn, cô chủ và bà Việt đã nghĩ đến việc tăng sản xuất, thuê thêm người làm. Một lần nữa chủ nhà lại chiều theo nguyện vọng của bà Việt, chỉ thuê người Việt xuất khẩu lao động ở Thái Lan đến làm.

"Khoảng 10 phụ nữ Việt đã đến làm cùng tôi, vui lắm. Chúng tôi làm xưởng sản xuất tại tầng 4 của ngôi nhà, tầng 1, 2, 3 chủ nhà ở, tiếp khách và để xe" - bà Việt nhớ.

Lúc này bà vẫn làm osin, quán xuyến việc nhà cho chủ và chăm sóc hai đứa trẻ. Ngoài ra, bà còn thêm việc quản lý xưởng ướp hoa tươi ăn nên làm ra cho chủ nhà. Nhưng bà chỉ cam kết ở lại làm việc 5 năm, hết thời hạn bà xin về nước dù chủ nhà tha thiết giữ lại.

"Tâm nguyện của tôi là sớm trở về quê hương, với gia đình. Trước khi về nước, tôi đã tìm người đào tạo nghề để họ kế nghiệp quản lý sản xuất cho nhà chủ rồi mới yên tâm về" - bà Việt sau đó còn bay sang Thái nhiều lần để giúp xưởng hoa theo lời mời chủ nhà.

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 4: Người ướp hoa bất tử - Ảnh 3.

Bà Việt tận tâm truyền nghề cho người làng - Ảnh: TÂM LÊ

Tới bà chủ quyền uy

Năm 2005, bà Việt về nước. "Ngày trở về Việt Nam, tôi mang theo nghề ướp hoa độc đáo này với nhiều dự định ấp ủ" - bà Việt hào hứng.

Tiền chắt chiu xứ người giúp bà trả vơi gánh nợ gia đình, rồi cùng chồng khởi nghiệp nghề ướp hoa ở tuổi 50. "Vườn nhà tôi ngày trước cũng trồng hoa, ông nhà cũng thích hoa nên chúng tôi thử nghiệm việc ướp hoa tại nhà".

Cái khó theo bà là nguyên liệu ướp hoa đắt đỏ, ở Việt Nam bà chưa tìm thấy nên phải sang Thái để nhập về. Thứ hai là bình thủy tinh, kích cỡ, độ trong, kiểu dáng cũng phải nhập. Hoa hồng ở quê cánh nhỏ, bà phải đặt mua hoa ở Hà Nội, sau là hoa hồng Đà Lạt bông to, đều cánh.

Việc ướp hoa cũng cầu kỳ, chia nhỏ nguyên liệu ướp trong từng hộp nhựa có nắp đậy. 7 ngày mới được một mẻ hoa ướp, ngoài ra còn ướp lá, ướp hoa cắm phụ. Sau đó khéo léo đưa hoa vào bình, cắm kết hợp tạo kiểu dáng của hoa, của bình cho thật bắt mắt.

Người chồng đo miệng bình, cắt kính cho phù hợp, mài nhẵn. Sau khi cho hoa vào bình thì lập tức đậy nắp, đổ keo dính để không khí không lọt vào bên trong bình hoa. Khâu cuối cùng là vệ sinh keo dính, lau chùi bụi và đóng hộp chống vỡ một cách cẩn thận.

Từng ấy công sức, cộng với giá nguyên liệu đã đẩy giá thành sản phẩm cao ngất ngưởng. So với thu nhập của người dân quê và thú chơi hoa "bất tử" chưa ai biết đến, số tiền vài trăm ngàn đến vài triệu đồng là thách thức lớn cho đầu ra.

"Bài toán" khó này cuối cùng được bà Việt giải thành công bằng phương pháp kiên trì. "Có những bước ngoặt trong cuộc đời chúng ta phải vượt qua như số mệnh, khi đó chỉ có cách lặng lẽ làm việc chứ không còn cách nào khác" - bà Việt chia sẻ.

Năm 2008, sản phẩm đầu tiên của bà được đại lý ký gửi ở thành phố Thanh Hóa báo đã có khách mua. Đó là thành quả đầu tiên sau những ngày nắng cháy, mưa dầm, bà Việt chạy xe máy khắp thành phố bỏ mối. Doanh số bán hàng bắt đầu tăng vào những dịp lễ 8-3, 20-10, 14-2, tết cổ truyền.

Nghề ướp hoa bắt đầu cho thu nhập, cuộc sống của gia đình bà Việt đã được cải thiện. Công việc ướp hoa trở thành niềm vui tuổi già của bà, hơn thế còn giúp nhiều người dân trong xóm có công ăn việc làm.

"Tôi làm ở đây được 5 năm, việc nhẹ hơn làm công nhân giày da của tôi trước đây nhiều. Tôi chỉ làm 8 tiếng mỗi ngày, lương 150.000 đồng một công, khá hơn làm công nhân" - chị Lê Thị Huệ, người dân cùng thôn với bà Việt, cười nói.

Hiện nhiều mặt hàng hoa ướp độc đáo của bà Việt đang hết hàng tại các đầu mối, thị trường đã mở rộng ra Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh lẻ. Khách hàng lẻ tìm đặt hàng bà Việt qua Zalo, có người yêu cầu bà kết hình trái tim 100 bông hồng mà không đắn đo giá cả. Có người lại nhờ bà ướp hoa sen vì đang mùa sen.

Ngoài hoa hồng, bà Việt mới ướp hoa lan, hoa cúc. Muốn ướp sen lại phải tìm tòi thử nghiệm, nhưng bà Việt khẳng định mình sẽ thành công.

"Tôi chỉ ước mình còn sức khỏe, tôi muốn xây dựng một xưởng sản xuất lớn hơn. Tới đây khi dịch giã giảm, tôi sẽ dạy nghề cho nhiều người trẻ đang muốn theo học" - bà Việt tâm sự.

Chúng tôi bị thu hút bởi giọng nói, lối suy nghĩ và phương pháp làm việc của bà Việt. Đây rõ ràng không phải một "osin" bình thường, mà là một người làm chủ có kiến thức.

Quả nhiên như dự đoán, bà Việt đã tốt nghiệp lớp quản lý kinh tế tại Trường trung cấp Nông - lâm, từng làm cán bộ nông nghiệp xã. Thời điểm kinh tế khó khăn, đồng lương eo hẹp, bà phải nghỉ việc để lo cho gia đình từng bữa.

*********

Những chiếc máy bay tiêm kích biểu tượng sức mạnh chiến tranh đang được bàn tay người thợ Việt chế tạo y như nguyên mẫu, chỉ có điều chúng được... thu nhỏ để trên bàn.

>> Kỳ tới: Người thợ Việt làm... máy bay chiến đấu

Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 3: Sự trở về của đôi dép vỏ xe Nghề hiếm còn sót lại - Kỳ 3: Sự trở về của đôi dép vỏ xe

TTO - Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Nguyễn Tiến Cường quay lại thị trường nội địa. Những đôi dép được làm từ lốp xe (vỏ xe) hư mà lại được nhiều người ưa thích.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp