21/08/2022 14:00 GMT+7

Nghe hai người từ trăm năm kể chuyện sử

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Hơn 12h trưa, tức đã hơn 3 tiếng đồng hồ hai cụ ông cùng 102 tuổi không rời khỏi chỗ ngồi, nhưng cả hai vẫn tươi cười với từng người trẻ vây quanh xin chụp ảnh, chữ ký.

Nghe hai người từ trăm năm kể chuyện sử - Ảnh 1.

Lần đầu hai nhà sử học hơn trăm tuổi Nguyễn Đình Đầu (trái) và Nguyễn Đình Tư cùng ngồi song song trong cuộc giao lưu với những người yêu sử - Ảnh: TỰ TRUNG

"Đây là "một cuộc Đầu - Tư" mà", học giả Nguyễn Đình Đầu hóm hỉnh. Ngồi bên, sử gia Nguyễn Đình Tư cười rất tươi và những người trẻ còn cười giòn hơn nữa.

Phải rồi, đây là lần đầu hai nhà sử học trên trăm tuổi cùng ngồi song song trong cuộc giao lưu với những người yêu sử. Hai cụ tình cờ cùng họ, cùng chữ lót, và tên thì ghép thành cụm từ thời thượng: "Đầu - Tư". Và cuộc trò chuyện đầy ý vị giữa người từ trăm năm như hai cụ với giới trẻ thì có khác gì cuộc đầu tư. Đầu tư của lịch sử vào tương lai.

Trăm năm vượt bể dâu

"Chỉ sự có mặt của hai ông là đủ ấn tượng", một bạn trẻ phát biểu ngắn gọn, mắt đăm đăm không rời bục diễn giả. Đúng vậy, hai cụ ông đang bước vào tuổi 103, mỗi ngày là một ngày sinh nhật - như nhà sử học Dương Trung Quốc nói, người áo dài khăn đóng, người đóng vest lịch lãm đến thư viện vào một sáng thứ bảy, khi rất nhiều bạn trẻ đang còn ngủ nướng. Các ông mang theo không chỉ những tác phẩm sử học đã nghiên cứu cả một đời, mà nhiều hơn là những trải nghiệm từ trăm năm.

Nghe hai người từ trăm năm kể chuyện sử - Ảnh 2.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay tặng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư quà lưu niệm - Ảnh: TỰ TRUNG

Trước hết là chuyện vượt gian khó một đời. "Tôi mồ côi mẹ năm 4 tuổi - cụ Tư kể - học chữ Nho, học quốc ngữ, học sơ học, học tú tài... lần nào cũng chỉ được vài tháng rồi lại phải bỏ vì cảnh nhà khó khăn. Vậy nhưng từ nhỏ tới lớn tôi cứ trở đi trở lại với trường học hoài, vì không cam phận chăn trâu, làm ruộng. Rốt cuộc vẫn là tự học để có được bằng tú tài 2 khi đã lớn tuổi. 

Tôi mê sử từ nhỏ, đọc chuyện Phan Đình Phùng, vua Hàm Nghi tự hào quá. Mê thích rồi tìm hiểu, nghiên cứu, bắt đầu viết những năm 20 tuổi. Bộ Loạn 12 sứ quân là tiểu thuyết lịch sử duy nhất ra đời trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng. Sau biến động 1975, tôi không việc làm, không thu nhập, ra ngã tư đường ngồi sửa xe đạp, kiếm 5 - 10 đồng mua gạo nuôi con. 

Ngồi ngóng xe qua lại, tôi tiếc thời gian quá, phải viết thôi. Nhưng sách vở tài liệu dùng cho nghề viết địa phương chí trước đó đều mang bán gần hết. Nhìn lại lịch sử, thấy giai đoạn 12 sứ quân rất khuyết sử, ít tài liệu, vậy là tôi kê giấy lên cái thùng đựng đồ sửa xe, ngồi viết giữa ngã tư, độc giả đầu tiên là những cậu sinh viên đến vá xe đạp...".

Viết chỉ để mà viết thôi, chẳng giải quyết được nhu cầu cơm gạo vì mãi đến mười mấy năm sau - năm 1990 - Loạn 12 sứ quân mới được in lần đầu, nhưng những trang giấy phủ bụi đường ngày ấy lại thỏa mãn được cơn khát tri thức của một trí thức giữa chìm nổi cuộc đời.

Nhà viết sử đã không biến mất mà được nuôi dưỡng bởi đường phố. Ông kể tiếp câu chuyện của mình: "Hơn 100 đường ở thành phố bị đổi tên. Người thành phố ngơ ngác trước những cái tên xa lạ, người ở xa trở về, những ông xích lô, xe ôm càng cực khi không còn có thể tìm đường. Tôi như bị thôi thúc. Đạp chiếc xe mini, tôi đi từ đầu tới cuối tất cả các con đường, tìm hiểu về người mới được đặt tên đường, về lịch sử con đường cũ, các giao lộ... 

Nghe hai người từ trăm năm kể chuyện sử - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong cuộc trò chuyện Trăm năm sử Việt tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Mấy năm như vậy, rồi cuốn Đường phố nội thành TP.HCM ra đời, hân hạnh được nhà sử học đồng tuế Nguyễn Đình Đầu viết lời giới thiệu. Ông bảo: anh làm cái này hay quá, rất có ích cho mọi người". 

Hơn một năm sau khi cuốn sách ấy xuất bản lần đầu, Hội đồng đặt đổi tên đường TP.HCM mới được thành lập, và ông Nguyễn Đình Tư được mời ngay. Một trong những việc nổi bật nhất ông đã làm ở đây là đề xuất đặt tên Hoàng Sa - Trường Sa cho hai con đường mới đang hình thành dọc bờ kênh Nhiêu Lộc. 

Hôm nay, nhắc lại câu chuyện này, ông bảo: "Tôi đề nghị vậy để con cháu chúng ta mai này đừng quên "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" mà các thế hệ sau sẽ phải đòi lại".

Tiếng vỗ tay nói thay nỗi xúc động của người nghe với câu chuyện trầm luân của lịch sử lẫn người viết sử, và cả sự giật mình trước lựa chọn quyết liệt của cụ để được sống với đam mê thay cho buông xuôi theo số phận. 

Cụ Nguyễn Đình Đầu cười hiền: "Tôi nhiều may mắn hơn cụ Tư. Trời cho trí nhớ tốt và các con cháu quen với hình ảnh tôi làm việc giữa thư phòng đầy sách. Chúng chẳng tưởng tượng ra được khi tôi kể chuyện đã vào nghề bán hàng rong và tráng bánh cuốn từ năm lên 6 tuổi cùng với việc được đến trường... 

Tôi học Trường Bách nghệ và làm công nghệ, nhưng rồi cuộc đời cho tôi gặp được nhiều người tốt lành, nhiều người có tên trong lịch sử. Cảm phục họ mà tôi đến với lịch sử, trở thành người nghiên cứu như ngày nay, không dám nhận câu vì dân".

TS Bùi Trân Phượng tâm đắc: "Dù không nhận thì ai cũng đã biết cụ Đầu từng là nhân chứng lịch sử và tham gia vào lịch sử qua nhiều giai đoạn. Lịch sử với các cụ trước hết là niềm đam mê trí thức, sau đó lại được sử dụng như công cụ để phục vụ cuộc sống con người. Bài học này với người học sử như tôi là rất sâu sắc và mới mẻ".

Đừng quên người yêu nước

Hàng loạt câu hỏi thật hóc búa được độc giả gửi tới hai nhà sử học đã tận mắt chứng kiến cả một thế kỷ lịch sử đầy biến động. Câu hỏi của một sinh viên Fulbright VN: "Các bác có thấy sự biến chuyển, thay đổi qua năm tháng của cách đọc sử, viết sử hay không?". 

Câu hỏi của một nhà báo: "Trong biên soạn lịch sử, khi chạm đến những vấn đề nhạy cảm, các bác sẽ giải quyết thế nào?". Câu hỏi của một bạn trẻ: "Đã có sự thật lịch sử nào mà các bác quyết định né tránh đi, chưa thể công bố? Nếu có người nói một tư liệu bác đưa ra không chính xác, thì bác trả lời ra sao?"...

Mỉm cười thật ý nhị, cụ Nguyễn Đình Đầu trả lời bằng câu chuyện bí thư và chủ tịch TP.HCM đã lần lượt đến thăm, chúc thọ cả hai cụ cách đây không lâu: "Tôi cho rằng đó không phải việc ngẫu nhiên mà có ý nghĩa sâu sắc chính là sự thay đổi. Thay đổi trong nhìn nhận con người, vấn đề từ những lãnh đạo cấp cao của Đảng, của chính quyền là lớn và sâu rộng. 

Nghe hai người từ trăm năm kể chuyện sử - Ảnh 4.

Hai nhà nghiên cứu ký tặng sách cho độc giả hâm mộ - Ảnh: TỰ TRUNG

Thay đổi về nhận thức lịch sử trong trí thức, người dân lại càng sâu rộng hơn cùng với sự mở rộng của thông tin, tri thức. Bao năm đã qua, nhìn nhận lịch sử đã thay đổi nhiều, khách quan hơn, tiệm cận sự thật hơn. Lịch sử cần có thời gian để chứng thực, sáng tỏ. Tôi không có ý định sa vào những tranh cãi vô bổ".

Khán phòng có một chút lặng. Thế hệ con cháu thấm thía được sự bao dung rộng mở trong câu trả lời tưởng như giản dị của cụ. Sự bao dung của người đã vượt lên tuổi trời. 

Cụ nói tiếp: "Tôi và cụ Tư chỉ là một cái chấm nhỏ trong lịch sử của Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM. Còn rất nhiều người khác, những người là bạn bè và không phải bạn bè, ở Việt Nam và không ở Việt Nam, cùng tư tưởng và không cùng tư tưởng, nhưng đều cùng chung với tất cả chúng ta tấm lòng yêu nước. Đừng quên họ và hãy tìm hiểu nhiều hơn về bầu khí chúng ta cùng dùng chung hàng ngàn, hàng trăm năm nay: tinh thần yêu nước".

Rồi cụ kể chuyện như tình cờ: "Tôi có lúc nghiên cứu đàn kiến. Khi cùng tha một miếng mồi, chúng rất lộn xộn, mỗi con kéo một hướng, nhưng rồi sẽ có một số con thắng thế, và rồi tất cả chúng cùng vác miếng mồi theo hướng của các con ấy. Và đó chính là hướng đi về tổ. Tôi nghĩ con người cũng nên học theo đàn kiến, thuận hòa khi cùng có lợi ích chung của đất nước, dân tộc".

Cụ Tư ý vị không kém: "Tôi cho rằng đã viết lịch sử thì phải thật khách quan. "Nhân vô thập toàn" nên sử không thể toàn màu hồng được. Có điều, nhận thức của người viết sử, đọc sử, nhìn nhận sử cũng chỉ có thể làm đầy theo thời gian, có lúc sai lầm, lúc ấu trĩ, nên nếu có vấn đề mà hôm nay chưa tìm được cách nói cho đúng sự thật thì chúng ta lại sẽ tiếp tục chờ...". 

Hai nhà sử học 102 tuổi và đã từng rất nhiều lần phải chờ trong cuộc đời. Các độc giả của ông cũng chưa cần sốt ruột.

Tấm gương của trăm năm

Sáng 20-8, tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, tạp chí Xưa Và Nay đã tổ chức buổi gặp gỡ hai sử gia miền Nam Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư với độc giả.

Rất đông những người mến mộ từ TP.HCM, Hà Nội, Phú Yên, Long An... đến chật khán phòng. Người già lẫn với người trẻ, ai cũng là thế hệ con cháu, đã được cuốn theo cách trò chuyện thẳng thắn, thoải mái mà ý nhị, cuốn hút của hai cụ, từ những câu chuyện lịch sử cho đến cuộc đời.

Đều đã 102 tuổi, nhưng cả hai người vẫn viết sử mỗi ngày và vẫn còn rất nhiều tác phẩm sắp được ra mắt.

Tất tần tật về Sài Gòn

anh box sach Nguyen Dinh tu

Công trình mới ra mắt vào tháng 3 năm nay của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - Ảnh: P.VŨ

Chứng minh chữ "đam mê" và chữ "chờ" trong đời làm sử, không gì bằng ghi lại lời tâm sự của cụ Nguyễn Đình Tư về quá trình biên soạn bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM - Dặm dài lịch sử (1698 - 2020): "Năm 1998, TP.HCM công bố sẽ tổ chức kỷ niệm 300 năm tuổi. Nhưng ngày tháng trôi qua, tôi không thấy hội đoàn văn hóa, khoa học hay lịch sử nào tổ chức hoạt động gì cả.

Quá sốt ruột, tôi thảo đề cương một cuốn sách nghiên cứu toàn diện Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM suốt lịch sử 300 năm rồi gửi đến GS Trần Văn Giàu. Ít ngày sau, Trung tâm KHXH&NV TP.HCM mời tôi tới ký hợp đồng thực hiện cuốn sách.

Tôi dồn thời gian và sức lực vào các thư viện, trung tâm lưu trữ sưu tầm tài liệu, viết ngày viết đêm. Bản thảo xong chương nào lập tức thuê đánh máy cho kịp. Gần đến ngày kỷ niệm, 1.500 trang đánh máy đã xong, tác phẩm được nghiệm thu và NXB Giáo Dục được giao trình bày, in ấn. Mọi việc gần hoàn tất thì gặp một trở duyên lớn, cuốn sách không được ra mắt bạn đọc.

Tuy nhiên những tài liệu này là của quý, tôi đã cất giữ hơn 20 năm qua, nay ngày thuận duyên đã đến. Tôi lôi tập bản thảo cũ, đọc lại từng trang, chỉnh lại câu văn, bổ sung thêm tư liệu mới tìm được, viết tiếp giai đoạn 1998 - 2020 để hình thành bộ sách này...".

Bộ Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM - Dặm dài lịch sử (1698 - 2020) do NXB Tổng Hợp ấn hành đã ra mắt độc giả tập 1 vào tháng 4-2022 và tập 2 sắp ra mắt vào tháng 9 này. Bộ sách cho người đọc hiểu "tất tần tật về Sài Gòn" từ đời sống người dân đến hệ thống chính trị, từ thơ ca hò vè đến đơn vị hành chính, từ kinh tế - xã hội - văn hóa tới tôn giáo - tín ngưỡng qua từng thời kỳ lịch sử.

Sách nghiên cứu ngàn trang với những đề mục thật khô khan như tổ chức hành chính, an ninh quốc phòng... nhưng Nguyễn Đình Tư là một tác giả đã có quyết tâm và thâm niên viết sách địa chí văn học mềm mại và bình dân đại chúng từ thuở còn thanh niên.

Vậy nên ngàn trang "Dặm dài lịch sử" là không dài với độc giả có mong muốn hiểu Sài Gòn từ "chân tơ kẽ tóc". Từ lịch sử thời đồ đá, thời Phù Nam, tới thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, đời sống Sài Gòn hiện lên trong sách không chỉ qua những di chỉ, văn bản mà trong cả những truyền thuyết, ca dao, biến đổi của kinh đào, mảnh rừng thành ngã tư ngã sáu...

Đọc không chỉ sẽ hiểu Sài Gòn mà sẽ còn hiểu cả tác giả - cụ già trăm tuổi ấp ủ những bộ sách ngàn trang.

Hai sử gia trăm tuổi Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư và cuộc trò chuyện Hai sử gia trăm tuổi Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư và cuộc trò chuyện 'có một không hai'

TTO - Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến: "Người Sài Gòn và những người đọc sử không quên những trang sử trung thực và quý báu của hai sử gia chân thành, tâm huyết".

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp