Trường THCS Trần Huỳnh tại phường 7, TP Bạc Liêu - Ảnh: NGỌC HÂN
"Tôi rất sốc khi xem clip. Chẳng lẽ nghề giáo bây giờ lại bị rẻ rúng đến thế?" - cô Hường, giáo viên văn ở quận 10, TP.HCM cảm thán.
"Cách nói của phụ huynh như một bề trên, như một quan tòa đang phán xét, còn thầy giáo của con bà ấy thì như một bị cáo trước tòa. Thật buồn cho nghề giáo" - chị Phan Thu Nga, phụ huynh ở quận 3, ngậm ngùi.
Ngày càng nhiều phụ huynh "bề trên"
"Xã hội thay đổi, sự tự do - dân chủ được đề cao nên mối quan hệ giữa thầy và trò bây giờ cũng khác ngày xưa. Nhưng nó thay đổi nhanh quá, tinh thần tôn sư trọng đạo xuống cấp nhanh quá khiến nhà giáo chúng tôi rất buồn" - cô V., giáo viên ở quận 1, TP.HCM, chia sẻ.
Theo cô V: "Tôi không ngạc nhiên khi xem clip ở Trường THCS Trần Huỳnh. Vì bây giờ nhiều phụ huynh tự cho mình cái quyền "bề trên" đối với thầy cô giáo của con em họ.
Ở trường tôi, đa số phụ huynh đều khấm khá, họ nghĩ rằng họ có tiền thì họ có quyền đòi hỏi nhà trường và thầy cô giáo phục vụ cho con em họ. Và ngành giáo dục là một ngành dịch vụ, phục vụ không tốt thì họ có quyền truy vấn, yêu cầu, kiện cáo...".
Cô V kể: mặc dù dạy lớp 2 đã nhiều năm nhưng gần như năm nào ở lớp cô cũng có phụ huynh tỏ ra tức giận khi nhà trường không cắt cử bảo mẫu túc trực ở nhà vệ sinh để lau chùi cho học sinh khi các em đi tiểu tiện và đại tiện.
Có phụ huynh còn vào gặp thẳng hiệu trưởng nhà trường yêu cầu nhà trường phải tổ chức cho học sinh ăn sáng chứ họ không có thời gian cho con ăn sáng ở nhà.
Thậm chí, có năm nhà trường sửa chữa nhà vệ sinh ở dãy A thì rất nhiều phụ huynh có con học ở dãy A làm đơn kiện vì con em họ phải đi bộ sang dãy B "rất vất vả và xót xa"....
Còn cô H, giáo viên dạy lớp 4 ở quận 3, kể: "Có bữa trường tôi cho học sinh đi sinh hoạt ngoài trời ở nông trại. Tối hôm đó, khi học sinh về đến nhà, tôi nhận ngay hàng loạt truy vấn của một phụ huynh trong group viber của lớp (chứ bà mẹ ấy không thèm trao đổi riêng): "Tại sao cô không cho bé L. ngồi ở hàng đầu gần bác tài xế mà lại cho bé ngồi ở cuối xe khiến bé bị ói?", "Bé bảo bé bị ói nên bé rất mệt, không vui chơi được nhiều. Tất cả là do cô không quan tâm...".
Tôi phải trình bày trong group (có đầy đủ 50 phụ huynh của lớp) rằng trước khi lên xe, tôi có hỏi cả lớp: em nào dễ bị say xe thì giơ tay, tôi sẽ cho ngồi những hàng đầu. Nhưng chỉ duy nhất 1 học sinh giơ tay.
Bé L. không giơ tay nên tôi để cho bé ngồi tự do. Đúng là dọc đường đi, bé L có bị ói nhưng cả tôi và cô bảo mẫu đều đã chăm sóc bé chứ không phải là không quan tâm.
Vậy mà cuối cùng sự việc vẫn đến tai hiệu trưởng. Dĩ nhiên tôi không bị kỷ luật bởi tôi không làm sai nhưng thực sự vẫn cảm thấy rất buồn bởi cách đòi hỏi quá đáng của phụ huynh...".
Cô H còn cho biết: Việc phụ huynh đề nghị cô phải cho con em họ ngồi học ở hàng ghế đầu tiên trong lớp, cho con em họ làm lớp trưởng... là "chuyện thường ngày ở huyện".
Làm sao dạy con?
"Xem clip về vụ việc xảy ra ở Trường THCS Trần Huỳnh, tôi thấy phụ huynh đòi hỏi rất vô lý, giọng điệu thì cao ngạo mặc dù thầy giáo rất bình tĩnh và điềm đạm.
Cái câu "Chưa chắc bộ đồ thầy mặc trên người có giá trị hơn cái quần của con tui" của vị phụ huynh trong clip là xúc phạm thầy một cách hỗn xược, không thể chấp nhận được.
Họ ứng xử với thầy giáo của con mình như thế thì làm sao dạy được con mình? Làm sao thầy giáo tiếp tục giáo dục được con của họ?" - thầy Trương Minh Đức, giáo viên Trường THPT Lê Quy Đôn, quận 3 , TP.HCM, nhận định.
Thầy Đức cho rằng: "Môi trường giáo dục chứ không phải các loại hình dịch vụ khác sẵn sàng làm tất cả để vừa lòng khách hàng. Phụ huynh không có quyền đòi hỏi người thầy giáo phải cung phụng cho con em họ.
Thiên chức của người thầy là giáo dục, là uốn nắn học sinh để các em nên người. Tôi thực sự lo lắng cho đứa trẻ - con của vị phụ huynh trong clip. Rồi em sẽ lớn lên như thế nào khi có một bà mẹ cư xử vô văn hóa như thế?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận