Với nghề này, dù nắng chói chang hay mưa rét dầm dề, gió bão cũng phải đứng trực canh gác chắn, đường ray cho tàu chạy qua an toàn - Ảnh: LÂM HOÀI
Chưa đầy 50 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Năm đã có thâm niên 20 năm ròng rã làm nhân viên . Cũng chừng đó thời gian chị chỉ gắn bó với một trạm chắn đường sắt ở lối ra Linh Đàm giao cắt với đường Giải Phóng.
Lúc nào cũng như trực chiến
Căn phòng rộng vẻn vẹn gần 10m2 ẩm thấp vào mùa mưa và ngột ngạt vào mùa hè này là nơi cư ngụ tạm bợ của chị Năm cùng các đồng nghiệp hàng chục năm qua.
Căn phòng cũ kỹ không có điều hòa, chỉ được trang bị chiếc quạt trần bé, phía trong chất đủ thứ, từ máy móc, bàn làm việc đến bàn uống nước... chỉ thừa ra khoảng trống nhỏ đủ để vài cái ghế.
Nhiều năm nay, trạm gác xộc xệch này còn là nơi trú mưa nắng của tổ công tác đội cảnh sát giao thông số 14.
Nhân viên gác chắn Nguyễn Thị Năm - Ảnh: LÂM HOÀI
Hay tin vụ tai nạn tàu ở Thanh Hóa, chị Năm nói chị rất đau lòng.
Không đau sao được bởi tất cả người liên lụy nào xa lạ gì, đều là đồng nghiệp, người thì mất trong đau đớn, người thì vướng vào lao lý
Chị NGUYỄN THỊ NĂM
Dù không hỏi được chị nhiều nhưng chúng tôi phải túc trực nhiều giờ liền trong trạm gác bởi chị Năm không có nhiều thời gian tiếp chuyện. Chị phải trực tàu.
Căng đôi mắt rồi lấy ngón tay dò từng dòng một trên sổ, chị tỉ mẩn ghi từng dòng ký hiệu tàu, giờ tàu chạy qua, thi thoảng chị mới ngoái lại nói vài câu khi được hỏi.
"Trông thì đơn giản vài dòng vậy thôi nhưng căng thẳng lắm, lúc nào cũng như trực chiến", chị cười ví von.
Theo chị Năm, nhân viên gác tàu luôn tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch bởi đôi khi chỉ một vài sơ sót rất nhỏ sẽ có thể gây ra hậu họa khôn lường.
Mỗi nhân viên phải xuyên mỗi ca liên tục 12 giờ (từ 6-18h hoặc từ 18h-6h hôm sau - NV) không được chợp mắt dù chỉ là vài phút.
Không bao giờ được rời vị trí gác chắn, phải trụ lại trong bất cứ hoàn cảnh nào đến lúc tàu rời đi an toàn - Ảnh: LÂM HOÀI
Muốn vậy, tất cả nhân viên gác chắn đều tuyệt đối không được uống rượu bia trước và trong giờ làm việc, phải ngủ thật đủ giấc, ít nhất là hai tiếng trước khi vào ca để thức canh tàu được thông suốt.
"Làm như vậy thức sao nổi, lỡ buồn ngủ quá thì làm sao?", chúng tôi hỏi. Chị Năm cười, nói hầu như nhân viên thâm niên nào cũng mắc "bệnh nghề nghiệp" nặng, lúc trực tàu không dám ngủ là nguyên tắc, nhưng có cho ngủ cũng chẳng thể chợp mắt được.
"Ốm tha, già thải"
Họ biết tàu đến, nhân viên kéo gần hết thanh chắn vẫn cố len vào, có người thì kéo ngược thanh chắn lại để lách qua, nhân viên nhắc nhở thì quát tháo, nạt nộ. Có người còn văng tục, chửi bới mình
Chị NGUYỄN THỊ NĂM
Không có ngoại lệ, chị Năm cho hay làm nghề gác chắn bất cứ ai cũng phải tuân thủ nguyên tắc nghiệt ngã: "ốm tha, già thải". Ai ốm đau, bệnh yếu hay tuổi cao, chậm chạp sẽ không được phép làm công việc gác chắn bởi tính chất nhạy cảm của công việc.
Giơ bàn tay in hằn đầy vết chai từng mảng, chị lắc đầu ngao ngán vì không phải ai cũng sẻ chia với công việc nặng nhọc của mình vì nghĩ nghề này an nhàn, nhẹ nhàng.
Bàn tay của chị Năm đã bám lấy thanh chắn nặng trịch mỗi ngày đẩy vài chục lượt qua lại trong ròng rã suốt gần 20 năm trời. Không chỉ mệt, nhân viên gác chắn còn phải tuân thủ không được rời vị trí trực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Dù trời đang dông hoặc gió quật từng cơn khi bão, nhưng khi tàu chạy qua, mỗi nhân viên chắn tàu phải đứng bám trụ ngay cạnh thanh chắn cho đến khi chuyến tàu đi qua.
Nghề gác chắn đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nhục trước vô số áp lực từ người tham gia giao thông tạo ra - Ảnh: LÂM HOÀI
Vất vả nhất là mỗi khi xảy ra sự cố ở trạm chắn như ùn ứ đường hoặc xe chết máy giữa đường ray. Khi đó, ngoài việc điện báo lập tức cho chỉ huy, nhân viên gác phải cầm cờ đen hoặc chạy ngược về hướng tàu để "bắt tàu".
Chị Năm nói đó là những giây phút lao vào hiểm nguy bằng tất cả bản năng và động lực của mình bởi việc dừng được tàu là cứu tính mạng cho cả hàng chục, hàng trăm người.
Nhân viên trạm gác cũng phải có tinh thần thép và "lì đòn", không ngại "ăn chửi".
Chị chia sẻ bao nhiêu năm nay, điều chị trăn trở nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông còn kém quá.
"Họ biết tàu đến, nhân viên kéo gần hết thanh chắn vẫn cố len vào, có người thì kéo ngược thanh chắn lại để lách qua, nhân viên nhắc nhở thì quát tháo, nạt nộ. Có người còn văng tục, chửi bới mình", chị Năm buồn bã nói.
Thậm chí không ít lần, nhưng lúc đêm khuya, rạng sáng, dân "anh chị" đi qua còn bắt nhân viên gác tàu kéo thanh chắn mở ra để họ đi qua, trong khi tàu đang đến gần. Có người phản ứng còn bị dọa hành hung.
Đôi khi thanh chắn đã đóng gần hết, người tham gia giao thông thiếu ý thức vẫn cố vượt qua - Ảnh: LÂM HOÀI
Gần 20 năm ròng rã, làm xuyên ngày, xuyên đêm, bất chấp mưa rét, nắng chói chang hay bão bùng luôn phải bám sát đường ray, thanh chắn nhưng đến nay đã cận kề tuổi nghỉ hưu rồi lương của chị Năm cũng chỉ vẻn vẹn hơn 4 triệu đồng.
"Lương thì rõ là thấp rồi nhưng tiêu chuẩn chỉ có vậy, nó không tăng theo mình thì mình sẽ sống theo ý nó" - chị đùa tếu táo.
Tâm tư cũng nhiều nhưng có một điều mừng mà chị Năm thấy yên tâm pha chút tự hào, đó là ở trạm chắn này chưa xảy ra tai nạn tàu nào.
"Làm công việc của bọn chị chỉ cần mỗi thế. Nhưng đôi khi may mắn chưa đủ, mỗi người gác chắn cần phải làm việc không chỉ bằng sự chịu khó, trách nhiệm mà phải tận tâm, làm việc bằng cả đạo đức của mình", chị Năm tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận