Một số gương mặt food reviewer trẻ ở Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nền tảng chia sẻ hình ảnh Instagram trở thành một "thiên đường ẩm thực" khi có nhiều food reviewer chọn nơi đây làm "đại bản doanh".
“Để trở thành food reviewer cần có thẩm mỹ, khả năng viết, cập nhật xu hướng nhanh, cùng với sự đầu tư thời gian và phương tiện, thiết bị
NGUYỄN HỮU QUỲNH NHƯ
"Hội chứng sợ...không có đồ ăn"
Vũ Mỹ Linh, một food reviewer ở Hà Nội, chọn cho trang của mình cái tên nofoodphobia mà bạn dí dỏm giải thích là "hội chứng sợ... không có đồ ăn". Thành lập gần hai năm nay, trang Instagram về đồ ăn của Linh đã "mê hoặc" hơn 55.200 người theo dõi (follow), với tần suất đăng bài trung bình là mỗi ngày một nội dung.
Vũ Mỹ Linh trong lần đi review một quán ăn Nhật ở Hà Nội - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nếu lỡ bước vào trang của Linh, người xem có khả năng "lạc lối" với hàng loạt hình ảnh các món ăn đầy màu sắc từ trong cửa hàng đến ngoài đường phố.
"Làm food reviewer, tôi được thử rất nhiều đồ ăn, tiếp xúc với nhiều nền ẩm thực khác nhau từ Việt, Trung, Hàn rồi Âu. Việc review (đánh giá) này cũng đem lại cho tôi một nguồn thu nhập nhỏ từ những nhà hàng đã mời mình. Tôi sử dụng phần "thù lao" này để hỗ trợ những trải nghiệm ăn uống đường phố hay các quán mới mở hay hay mà mình muốn cập nhật cho các bạn" - Mỹ Linh chia sẻ.
"Tôi muốn xây dựng trang cá nhân của mình thành trang chuyên đánh giá đồ ăn, hình ảnh đẹp mắt, để ai ghé vào xem cũng phải thòm thèm" - food reviewer 22 tuổi này kỳ vọng.
Trong khi đó, Nguyễn Hữu Quỳnh Như bắt đầu trang iamfoodtester cách đây ba năm với lý do đơn giản chỉ là muốn giải quyết hết đống hình đồ ăn mà mình "trót" chụp từ lâu. "Đăng hình không thì cũng kỳ, nên tôi ghi thêm địa chỉ với nhận xét của mình" - Như kể.
Nguyễn Hữu Quỳnh Như, chủ nhân trang iamfoodtester - Ảnh do nhân vật cung cấp
Vậy rồi mớ hình "tồn kho" đó của Như dần tăng số lượng, đồng thời giúp Như tăng luôn số người theo trang Instagram lên hơn 32.400 người. Nhiều người xem trang của Như là địa chỉ để tham khảo mỗi khi muốn ăn gì đó ở Sài Gòn.
Còn cô bạn du học sinh Đào Hồng Phương Anh duy trì nội dung trang imdatingfood ở cả Mỹ và Việt Nam với sự trợ giúp từ bạn bè. Chia sẻ với Tuổi Trẻ nhân dịp về Việt Nam nghỉ hè, cô bạn đang theo học cử nhân lập trình và thạc sĩ quản trị kinh doanh cho biết ở nước ngoài có rất nhiều người từ bỏ công việc họ đang làm để đi theo con đường food reviewer chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, cô gái 21 tuổi này chỉ xem food reviewer là một đam mê mà cô duy trì vì thấy vui và cảm giác mình có ích khi nhiều người biết được chỗ ăn ngon.
Quả thật, trang Instagram với 40.500 người follow của Phương Anh khiến người ta cứ phải lướt màn hình mãi vì các món ăn hấp dẫn mà cô chụp.
Đào Hồng Phương Anh, cô bạn du học sinh mê ẩm thực - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhận giải quốc tế và chọn làm nghề
Không chỉ "làm cho vui", chàng trai Vũ Trung Ninh, 24 tuổi, xác định đây là hướng đi nghề nghiệp của mình. Ninh kể mình bắt đầu sử dụng Instagram và đăng lên đó các bức hình chia sẻ về những bữa ăn hằng ngày, các quán cà phê mình đi và cả những chuyến đi du lịch từ cách đây hai năm.
"Đến năm 2017, tôi bất ngờ nhận được giải thưởng Top 4 những người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam ở Giải thưởng Influence Asia tại Malaysia, lúc đó tôi mới thật sự nhận ra những gì mình chia sẻ lại có sự ảnh hưởng đến nhiều bạn trẻ đến như vậy. Kể từ đó, tôi ý thức được những công việc mình phải làm và cái tâm cần đặt vào việc này" - Ninh nói.
Vũ Trung Ninh, chàng trai 9x quyết định nghiêm túc theo đuổi nghề food reviewer - Ảnh do nhân vật cung cấp
Từ tháng 10-2017, Trung Ninh bắt đầu xem đây là công việc chính của mình, vận hành kênh Instagram ninheating với 51.900 người follow và kênh YouTube Ninh Titô hơn 64.600 người đăng ký. "Tôi sẽ theo đuổi công việc này lâu dài vì đã rất khó khăn để hạ quyết tâm và bản thân mình cũng thật sự đam mê" - Ninh nói.
Không ngồi đợi lời mời
Trung Ninh chia sẻ nguồn thu nhập chính của nghề này là việc được các nhà hàng mời đến sử dụng bữa ăn và trả thù lao để nói lên cảm nhận. "Nhưng để được như vậy bạn phải trải qua một thời gian rất dài để có được vị trí nhất định, tạo được niềm tin với các bạn trẻ rồi mới có lời mời" - Ninh bộc bạch.
Tuy nhiên, Ninh cho hay mình cũng không thể chỉ ngồi đợi các lời mời từ nhà hàng để kiếm tiền được mà phải tự lao ra đường tìm đến những địa chỉ ăn ngon để chia sẻ với mọi người.
"Đã là công việc chính thì phải có tính ổn định và mới mẻ, việc này đòi hỏi ngày nào bạn cũng phải cho ra sản phẩm mới. Nếu để nói về tỉ lệ nội dung thì trong suốt hơn một năm đầu, tỉ lệ tự bỏ tiền túi là 100%, hiện tại tỉ lệ này là khoảng 70-30 nghiêng về tiền túi của mình nhiều hơn" - Ninh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận