29/04/2012 06:03 GMT+7

Nghe cát "kể chuyện"

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Trong bóng tối, bức tranh cát được vẽ bằng tay của nghệ sĩ Trí Ðức lung linh trên chiếc hộp ánh sáng như khung hình chuyển động trên màn ảnh nhỏ.

M6mtEG9K.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Trí Đức biểu diễn tranh cát cho một công ty tổ chức sự kiện tại TP.HCM - Ảnh: Đỗ Tuấn

Những giọt mồ hôi đổ dài trên khuôn mặt khiến anh lâu lâu lại lấy vai áo quẹt ngay để mồ hôi không rơi xuống làm ướt khung hình. Thời gian này họa sĩ Trí Ðức phải “bế quan luyện công” để chuẩn bị cho buổi trình diễn tranh cát tại lễ hội pháo hoa Ðà Nẵng (29 và 30-4).

Làm phim từ... cát

Ngày 8-3 vừa qua, cộng đồng mạng đã xôn xao truyền tay nhau một MV (video ca nhạc) của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mang tên Nhật ký của mẹ. Bài hát dài hơn 11 phút nhưng vẫn khiến người xem cuốn theo câu chuyện bằng tranh cát cảm động đến khung hình cuối cùng. Từ lúc hình ảnh người mẹ mong chờ đứa con bé bỏng chào đời, cho tới khi tuổi già bóng xế vẫn dang rộng vòng tay đón đứa con ngày nào trở về sau nhiều sóng gió. Chỉ với những khung hình đen trắng, nét vẽ đơn sơ trên cát, câu chuyện về tình mẹ dành cho con dù mộc mạc mà vẫn sâu lắng, đầy cảm xúc.

Tình cờ biết về “sand animation” (nghệ thuật biểu diễn tranh cát) và biết đến nghệ sĩ Trí Ðức, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã quyết tâm “tầm sư học đạo” để tự tay thực hiện clip minh họa ca khúc của anh. Chính điều này đã khiến ca khúc Nhật ký của mẹ được đón nhận nồng nhiệt dù bài hát này Nguyễn Văn Chung sáng tác từ vài năm trước.

Trở lại với câu chuyện người kể chuyện bằng cát, họa sĩ Trí Ðức kể lại: “Trước đây công việc của tôi chủ yếu là dàn dựng sân khấu và biểu diễn múa rối. Nhưng một lần, một đạo diễn gợi ý cho tôi thử nghiệm làm tranh cát từ chiếc hộp ánh sáng huyền bí này, sau khi chúng tôi xem clip một nghệ sĩ người Pháp biểu diễn.

Cũng từ năm 2009 ấy, đến nay tôi sống bằng nghề này và nhiều người biết đến vẫn mời tôi đi biểu diễn cho các công ty, giới thiệu các nhãn hàng hay thực hiện các phim ngắn bằng tranh cát minh họa bài hát. Sống được bằng nghề là vì tôi thật sự yêu thích loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Mỗi khi sống trong câu chuyện vẽ từ cát, âm nhạc và ánh sáng, tôi thật sự cảm thấy hứng thú và như sống trong cảm xúc của câu chuyện ấy”.

Một duyên nợ như đã có từ lâu với sự kết hợp đầy thi vị giữa tranh, nhạc, múa và diễn xuất. Nhưng có chứng kiến một ngày “luyện công” của Trí Ðức ở ngôi nhà nhỏ tại Gò Vấp mới thấy anh tất bật đủ đường. Hết lên kịch bản hình ảnh (story board) lại vẽ thử trên hộp ánh sáng, rồi cắt nhạc, canh nhạc sao cho khớp với từng khung hình... Trí Ðức cứ hăm hở làm, nhịp chân, lắc lư đầu theo nhạc, đôi tay như làm ảo thuật trên chiếc hộp ánh sáng vẽ tranh cát.

Vẽ cuộc đời Nữ hoàng Elizabeth 2

Trí Ðức đi diễn nhiều hơn thời gian ở nhà. Lịch diễn của anh từ tháng 5 tới tháng 9 đã kín đặc. Từ lễ hội pháo hoa Ðà Nẵng tới sô diễn cho trẻ em Nhà Thiếu nhi TP.HCM, đặc biệt là một sô diễn trong tháng 7 tới: vẽ tranh cát về cuộc đời Nữ hoàng Anh Elizabeth 2 trong đại lễ kim cương của bà.

Nói về sô diễn thú vị này, Trí Ðức cho biết: “Tôi từng dàn dựng và biểu diễn tranh cát cho một công ty truyền thông của cộng đồng Việt ở Anh. Lần này, trong dịp tổ chức đại lễ kim cương của Nữ hoàng Elizabeth 2, họ muốn tôi vẽ tranh cát kể lại từng thời kỳ trong cuộc đời nữ hoàng. Ðây là một sô diễn ấn tượng nhưng không phải là quá sức, tôi cũng từng vẽ về cuộc đời Ðức Phật nên kinh nghiệm khi sáng tác về những người có ảnh hưởng lớn đến nhiều dân tộc như vậy không ít. Nhưng điều tôi cảm thấy thích thú ở sô diễn này là lần đầu tiên một công ty truyền thông của người Việt được chọn lựa để tổ chức một đại lễ hoành tráng tại xứ sở nổi tiếng như Anh”.

Ðể thực hiện bài diễn này, Trí Ðức phải tập dượt với từng khung hình tư liệu từ Hoàng gia Anh về cuộc đời nữ hoàng. Ngoài ra, anh cũng phải cắt nhạc, ghép nhạc cho một bản giao hưởng, vì dự kiến khi anh vẽ tranh cát sẽ có dàn giao hưởng chơi nhạc trực tiếp chứ không phải thu âm. “Áp lực sẽ lớn hơn khi phải biểu diễn trực tiếp trước cả hoàng gia Anh và một dàn giao hưởng hoàng gia để tranh của mình không bị sân khấu hoành tráng lấn lướt” - Trí Ðức hóm hỉnh nói.

“Hạnh phúc lớn nhất của nghệ sĩ là tác phẩm gần gũi với công chúng nhất. Nếu bạn muốn xem tôi kể chuyện bằng tranh cát, giữa tháng 5 này nhớ đến xem vở kịch Viên ngọc thần ở Nhà Thiếu nhi TP nhé. Tôi diễn vai bác Gấu già to xác vẽ tranh cát minh họa cho vở kịch này. Nhớ đến xem nhé!”. Và anh chàng họa sĩ có vóc dáng rất “gấu” cười sảng khoái trong một buổi chiều mưa.

L0JOT4hL.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Trí Đức tập dượt cho bài vẽ tranh cát tại lễ hội pháo hoa Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Hạnh

Nghệ thuật biểu diễn tranh cát hay còn gọi là “sand animation art” đã xuất hiện cách nay gần 10 năm. Tuy nhiên loại hình nghệ thuật này chỉ thật sự “thức giấc” khi kết hợp với công cụ của điện ảnh hiện đại là màn ảnh rộng, âm nhạc và ánh sáng được dàn dựng trên nhiều sân khấu hoành tráng. Mới đây nhất, một nữ nghệ sĩ Ukraine biểu diễn tranh cát tại cuộc thi Ukraine’s Got Talent năm 2009 đã giành giải nhất và tạo nên làn sóng yêu thích từ khán giả toàn cầu, khi đoạn phim biểu diễn tranh cát này được lan truyền trên trang mạng YouTube.

Công cụ biểu diễn loại hình nghệ thuật tranh cát thật ra rất đơn giản. Chỉ cần một chiếc hộp ánh sáng (thường bằng mặt kính có gắn đèn chiếu sáng) và khả năng vẽ tranh cát của nghệ sĩ biểu diễn. Với âm nhạc, ánh sáng, cảm xúc, trí tưởng tượng bay bổng và động tác vẽ như nghệ sĩ ảo thuật của họa sĩ tranh cát, những khung hình bằng cát thay đổi liên tục thành một câu chuyện trọn vẹn, kể chuyện theo tiết tấu, nhịp điệu âm nhạc, bản nhạc kết thúc cũng là lúc một câu chuyện bằng hình ảnh từ cát dừng lại.

Bạn đọc có thể xem các nghệ sĩ tranh cát biểu diễn tại link: www.youtube.com/watch?v=NCm9MGonaVk(MV Nguyễn Văn Chung)www.youtube.com/watch?v=518XP8prwZo&feature=player_embedded (MV nghệ sĩ Ukraine).

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp