Minh Trường và Nhã Thi trong trích đoạn Hàn Mặc Tử - Ảnh: Nguyễn Lộc |
Không quá hình thức, đêm tưởng nhớ “ông vua vọng cổ” với sự tham gia của các nghệ sĩ đoàn 3 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang như là buổi gặp gỡ thân mật.
Nghệ sĩ và khán giả cùng nhắc nhớ những kỷ niệm và nghe lại những tác phẩm như khắc như ghi vào tâm trí người mộ điệu cải lương.
NSND Bạch Tuyết xúc động chia sẻ:
“Với NSND Viễn Châu, tôi xác nhận ông là vĩ nhân của nghệ thuật cải lương hơn trăm năm. Tôi không phải là danh ca, tôi chỉ ca xúc cảm. Khi xem tôi hát, tôi diễn, khán giả thường khen trời ơi Bạch Tuyết diễn hay quá! Cái hay của Viễn Châu là ông viết đo ni đóng giày rất đúng.
Với Lệ Thủy, ông viết bài để phát huy được chất giọng vang, hồn nhiên, với Bạch Tuyết thì ông bảo tôi hát... nhõng nhẽo nên ông có cách viết khác. Cách ông đặt dấu sắc, dấu huyền, chọn chữ rất chọn lọc để khi hát nghệ sĩ như bay bổng”.
Thuộc thế hệ sau nhưng NSƯT Kim Tử Long may mắn được soạn giả Viễn Châu viết riêng những tác phẩm tân cổ giao duyên ở những ngày cuối đời, trong độ tuổi 90. Kim Tử Long thực hiện đến ba album tân cổ giao duyên từ những sáng tác mới nhất của Viễn Châu.
Trong đêm 16-6, anh thể hiện bài Gọi đò - sáng tác anh thích nhất và nhắc về “ông vua vọng cổ” với giọng ngưỡng mộ: “Ở độ tuổi 90 nhiều người đã lẫn nhưng bác vẫn rất minh mẫn và viết rất hay, rất thấm!”.
Khoảng 11 tiết mục được biểu diễn trong đêm 16-6 gần như khán giả yêu mến Viễn Châu đều thuộc làu, từ Lá trầu xanh, Tình đẹp mùa chôm chôm, Con gái của mẹ đến các trích đoạn, ca cảnh Ni cô và kiếm khách, Hàn Mặc Tử, Hạng Võ biệt Ngu Cơ...
Đặc biệt, trích đoạn Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà qua phần thể hiện của Võ Minh Lâm, Lê Hồng Thắm và Chấn Cường với phần dàn dựng mới của Tú Sương đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Từng lời bài hát Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi... đến từng diễn biến của trích đoạn dường như khán giả biết hết nhưng họ vẫn háo hức theo dõi, lắng nghe và nhẩm miệng hát theo...
Chỉ tiếc là, tính tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả ở chương trình đầu tiên vẫn còn hạn chế, chưa có được sự kết nối.
Bên cạnh đó, sân khấu khách sạn Oscar là sân khấu không chuyên nên khá nhỏ hẹp, ban tổ chức còn gặp nhiều khó khăn trong việc lắp đặt cảnh trí, ánh sáng...
Vì thế ở những trích đoạn có cảnh tương đối quy mô với 3-4 diễn viên là đã khó xoay trở. Ghế ngồi ngang bằng nhau nên việc theo dõi khá vướng víu, đặc biệt là ở những cảnh diễn viên ngồi bệt hay nằm xuống sàn diễn.
Nhưng đáng mừng là tinh thần của nghệ sĩ, các nghệ sĩ trẻ của đoàn 3 trong mỗi trích đoạn đều thể hiện có sự tập dượt nghiêm túc, không cẩu thả.
Với đêm diễn này, mưa suốt từ buổi chiều nên ban tổ chức cho biết vé bán chỉ được khoảng trên 100 (sức chứa khán phòng khoảng 200 ghế).
Tuy nhiên, không nao núng, đại diện Công ty Á Châu (Asia Media) - một doanh nghiệp yêu mến cải lương tự nguyện tài trợ cho chương trình - cho biết nếu tiền vé bán không đủ họ sẽ bù lỗ để cố gắng thu hút khán giả và cả du khách nước ngoài.
Sau chương trình đầu tiên, hi vọng ban tổ chức và các nghệ sĩ có thể khắc phục dần những hạn chế, duy trì được một điểm diễn sang trọng cho những tâm hồn đồng điệu, yêu mến cải lương có thể tìm đến nhau...
Trong đêm diễn tối 16-6, ban tổ chức và nhạc sĩ Trương Minh Châu - con trai soạn giả Viễn Châu - đã trao 15 suất học bổng (mỗi phần trị giá 3 triệu đồng) cho con em nghệ sĩ, hậu đài có hoàn cảnh khó khăn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận